Kết luận hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương chiều nay (2/7), khái quát tình hình trong giai đoạn vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến 3 điểm nổi bật.

Một là Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19, giải quyết tốt mục tiêu kép về cả kinh tế và chống dịch. Theo ông, đây là thành công khiến cho niềm tin của nhân dân tăng, uy tín quốc tế của Việt Nam được nâng lên.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP

Hai là tăng trưởng của Việt Nam dù thấp vẫn cao nhất khu vực châu Á và đứng đầu thế giới vì thế giới tăng trưởng âm.

Ba là bộ, ngành, địa phương có rất nhiều cố gắng, nhiều bí thư, chủ tịch tỉnh và bộ trưởng đã lăn lộn, ngày đêm làm việc.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, hiện tình hình thế giới tiếp tục xấu đi nhanh chóng do diễn biến dịch khó lường, kinh tế thế giới âm rất sâu ở tất cả khu vực.

Vì vậy, Chính phủ phải tiếp tục theo dõi, đề phòng nguy cơ, nắm bắt cơ hội để có đối sách đúng, kịp thời hơn trên tinh thần vừa phòng thủ chống dịch Covid-19, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế.

“Tôi yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch các tỉnh không được chùn bước, không bàn lùi, khó khăn gấp đôi phải phấn đấu gấp ba để phát triển đất nước, phát triển địa phương”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đưa ra định hướng thời gian tới, Thủ tướng lưu ý trước hết là kiên quyết không để dịch bệnh quay trở lại. Nếu Covid-19 vào Việt Nam lần thứ hai sẽ xoá nhoà kết quả.

Tiếp đó, ưu tiên đầu tư phát triển kinh doanh, thúc đẩy thu nhập. Thủ tướng cho hay, vai trò của các doanh nghiệp rất quan trọng, phải hướng vào môi trường này để tạo nên sự phát triển của đất nước.

Điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ cần chủ động hơn, linh hoạt hơn, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ tiêu lạm phát giữ dưới 4% là mục tiêu xuyên suốt.

Định hướng nữa là cần có cơ chế thu hút các nguồn lực, thu hút đầu tư tư nhân và FDI, đẩy mạnh tiêu dùng cá nhân để thúc đẩy thị trường trong nước; kích cầu du lịch nội địa.

Về vấn đề an sinh xã hội, Thủ tướng cho rằng cần phải có chính sách quan tâm, hỗ trợ trong thời gian dài, có thể “bơm” thêm tiền cho lĩnh vực này, không để ai quá khổ, quá khó khăn trong đại dịch Covid-19.

Thủ tướng lưu ý Chính phủ phải xem xét tình hình thế giới để quyết định mở cửa thế nào, mở cửa đến đâu nhằm đảm bảo an toàn cho đất nước. Đồng thời nhắc nhở không được chủ quan, cần tuyên truyền thông tin kịp thời, minh bạch hơn nữa.

Không để tình trạng trì trệ

Nhắc đến nhiệm vụ về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng cho biết chúng ta còn lượng tiền rất lớn là gần 30 tỷ USD cần giải ngân, trong đó 60% nằm ở các địa phương. Vì thế, cần phải kịp thời giải quyết vướng mắc, quan trọng hiện nay là giải phóng mặt bằng.

“Bí thư, chủ tịch kêu gọi vốn về thì phải tập trung chỉ đạo, đừng phó thác cho cấp dưới”, Thủ tướng nhắc.

Ông cũng nhấn mạnh sẽ kiểm tra tiến độ và kiên quyết điều chỉnh vốn với những nơi không giải ngân được.

“Lần này Chính phủ, Thủ tướng phải ra tay, không để tình trạng trì trệ. Nơi nào không giải ngân được thì chuyển sang đơn vị khác làm vì còn nhiều đơn vị đang thiếu vốn”, Thủ tướng nói.

Theo ông, nếu thực hiện tốt việc này sẽ tạo động lực cho tăng trưởng.

Thủ tướng khẳng định sẽ coi giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các bộ ngành địa phương, không để sau hội nghị này, việc giải ngân vẫn trì trệ.

Về xã hội, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về hỗ trợ doanh nghiệp; công đoàn xem xét miễn giảm phí công đoàn 2% trong năm nay để hỗ trợ doanh nghiệp; sử dụng quỹ thất nghiệp phù hợp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Ông dẫn chứng khi Chính phủ có chính sách miễn 50% lệ phí trước bạ với xe sản xuất trong nước, số xe bán ra những ngày qua tăng 30-40%. Từ đó, nhắc nhở cần có chính sách khuyến khích cụ thể, nếu không sẽ mất thị trường trong nước.

Đề xuất lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế

Đề xuất lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề xuất Chính phủ trình Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Hương Quỳnh