- Tại phiên họp Chính phủ trực tuyến chiều nay, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Hà Nội phát biểu đầu tiên với vấn đề quan trọng nhất: Có quyết tâm đập được nhà 8B Lê Trực không hay cứ để mãi mãi như thế?

Theo Thủ tướng, đây là một trong những vấn đề mà Hà Nội phải làm gương trong xử lý.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu báo cáo: Đến nay TP đã chỉ đạo phá dỡ 328 m2 sàn ở tầng mái, tầng 19.

{keywords}

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu

"Chủ đầu tư có sự chậm trễ, TP sẽ kiên quyết xử lý đến cùng. Căn cứ nghị định của Chính phủ về cưỡng chế, phá dỡ công trình, tới đây quận Ba Đình sẽ ứng vốn, kinh phí để tổ chức tháo dỡ công trình này, bảo đảm thực hiện kiên quyết theo chỉ đạo của Thủ tướng", ông Sửu nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi lại: "Kiên trì, kiên quyết là nói về Biển Đông chứ không phải là nói về 8B Lê Trực. Hà Nội phải cương quyết, việc này đã kéo dài quá lâu rồi. Tôi đã nghe Chủ tịch Hà Nội báo cáo là chủ công trình này đã mấy chục lần vi phạm hành chính nhưng chưa xử lý hình sự".

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP

Thủ tướng đề nghị Hà Nội có khẳng định cụ thể, lấy công trình này làm điểm để chấn chỉnh kỷ cương trong trật tự xây dựng đô thị, xây dựng thủ đô văn minh lịch sự.

"Tôi không muốn lời hứa cụ thể nhưng cam kết phải rõ hơn, không thì phải xử lý vấn đề này bằng biện pháp khác, không thể để kéo dài như thế. Đây cũng là kinh nghiệm chung cho tất cả các công trình vi phạm pháp luật ở nước ta", Thủ tướng nói.

Tây Nguyên phải đi đầu đóng cửa rừng

Đối với yêu cầu đóng cửa rừng, Thủ tướng yêu cầu Lâm Đồng thay mặt các tỉnh Tây Nguyên khẳng định quyết tâm chính trị này trước Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cho biết diện tích rừng của tỉnh đã giảm 11% trong giai đoạn 1999 - 2014.

{keywords}

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt

Lý do là chuyển mục đích rừng, trong đó có thủy điện, phá rừng, rừng trồng nhưng chưa tính độ che phủ...

"Sau 15 năm, rừng Lâm Đồng, nhất là mục tiêu Đà Lạt trở thành TP 'rừng trong TP, TP trong rừng' là chưa đạt", ông Việt nói.

"Do đó, chủ trương đóng cửa rừng của Thủ tướng chúng tôi hoàn toàn nhất trí. Lâm Đồng hoan nghênh quyết định của Thủ tướng trong việc đóng cửa rừng Tây Nguyên. Chúng tôi đảm bảo thực hiện đúng các quy định, rà soát các dự án, kiểm tra các dự án đang triển khai”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận quyết tâm đóng cửa rừng của Lâm Đồng, đề nghị các tỉnh Tây Nguyên đi đầu trong việc đóng cửa rừng tự nhiên, không khai thác nữa và có chế tài, biện pháp giám sát việc này.

"Chính phủ coi đây là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá phát triển kinh tế xã hội của Tây Nguyên. Việc đóng cửa rừng cũng được nhân dân cả nước rất quan tâm, Tây Nguyên là mái nhà Đông Dương, mất rừng Tây Nguyên sẽ ảnh hưởng đến miền Trung, đặc biệt là Nam Trung bộ", Thủ tướng nói.

Chung Hoàng - Thu Hằng