- Cần xây dựng và định hướng cho doanh nghiệp làm du lịch xây dựng thương hiệu mạnh. Đừng để du khách đến rồi một đi không trở lại - Thủ tướng nói ở Hội An.

Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch hôm nay diễn ra ở Hội An, Quảng Nam với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đông đảo lãnh đạo các bộ, địa phương, doanh nghiệp làm du lịch.

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là lần đầu tiên Chính phủ tổ chức hội nghị quy mô lớn toàn quốc về du lịch với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và “mong rằng hội nghị sẽ góp phần vào phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”.

Sẽ không có phố đèn đỏ, không casino tràn lan

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hội nghị đánh giá lại tầm quan trọng, xác định văn hoá là gốc, kinh tế là xuyên suốt - 2 mặt của vần đề cần được định hướng tồn tại song song để có định hướng đúng, tạo sự phát triển bền vững, với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và quản lý nhà nước cấp địa phương.

“Cần xây dựng và định hướng cho doanh nghiệp làm du lịch xây dựng thương hiệu mạnh. Đừng để du khách đến rồi một đi không trở lại” - Thủ tướng nhấn mạnh. 

Chính phủ đang xây dựng và sẽ trình Quốc hội ban hành luật mới về du lịch, để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.  

Phải phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, có tính chuyên nghiệp, phát triển, gìn giữ văn hóa truyền thống của đất nước. "Việt Nam sẽ không có phố đèn đỏ, không làm casino tràn lan. Chúng ta không phát triển theo hướng đó”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu mục tiêu mà Bộ VH-TT-DL và các địa phương phải thực hiện, đó là đến 2020, du lịch đóng góp 10-20% GDP. Ít nhất có 20 tỷ USD xuất khẩu tại chỗ từ du lịch, thu hút ít nhất 15 triệu lượt khách quốc tế, 75 triệu khách nội địa. Các địa phương phải lồng ghép phát triển du lịch trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Điều quan trọng là phải có hệ thống doanh nghiệp lớn mạnh có thương hiệu, biết cách quảng bá, xúc tiến sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Mở cửa bầu trời

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trước mắt, Thủ tướng yêu cầu tạo thuận lợi về xuất nhập cảnh. Giao Bộ Công an chủ trì khẩn trương triển khai đề án cấp thị thực điện tử, cấp thị thực tại cửa khẩu, thực hiện từ ngày 1/1/2017.

Các Bộ Tài chính, VH-T-DL, Công an, Ngoại giao chủ trì đề xuất áp dụng mức lệ phí thị thực nhập cảnh phù hợp; nghiên cứu, đề xuất giải pháp sửa đổi các quy định về xuất nhập cảnh nhằm tạo thuận lợi cho khách du lịch.

Các Bộ Ngoại giao, Công an, Quốc phòng thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi về cấp thị thực nhập cảnh, từ việc cung cấp thông tin, cải tiến quy trình, thủ tục, đón tiếp, trả kết quả, giảm tối đa thời gian cấp thị thực.

Thủ tướng giao cho Bộ GTVT chủ trì cùng các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, VH-T-DL khẩn trương có đề án trình Chính phủ về việc mở các đường bay trực tiếp từ các quốc gia, địa bàn khách du lịch quốc tế trọng điểm với tinh thần mở cửa bầu trời.

Giai đoạn năm 2010-2015, khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng, với mức tăng bình quân gần 9,5%/ năm. Riêng trong năm 2015, ngành du lịch đã phục vụ trên 9 triệu 940 nghìn lượt khách quốc tế, 57 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đón 5 triệu 550 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015, phục vụ trên 38 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 235 nghìn tỷ đồng, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm 2015.

Vũ Trung