Chiều 18/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng giai đoạn 2021 – 2030.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong việc quan tâm triển khai, thực hiện chương trình này và đạt được những kết quả tích cực.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Vẫn còn tiếng kêu về thủ tục hành chính còn rườm rà

Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý, vẫn còn tiếng kêu về thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho người dân và DN. Vẫn còn sự chậm trễ, đá bóng qua lại giữa các cơ quan. Sự minh bạch và trách nhiệm của từng cơ quan từ huyện đến tỉnh, thậm chí cả bộ, ngành vẫn còn chưa rõ ràng, phối hợp chưa chặt chẽ. Vẫn còn hiện tượng vòi vĩnh, đòi hối lộ ở một số nơi khi người dân, DN đến làm thủ tục.

"Không phải Thủ tướng không biết. Trong nhiều phiên họp Chính phủ tôi đã nêu những việc ở cục, ở vụ của một số bộ. Nhưng nay tổng kết, có nhiều niềm vui nên Thủ tướng chưa nói hết những bất cập này. Như thế, không có nghĩa là chúng tôi không biết những việc của một số cán bộ công chức có ứng xử tiêu cực với công dân, DN", Thủ tướng nhắc nhở.

Thủ tướng cũng lưu ý việc biên chế có giảm thật nhưng bộ máy còn cồng kềnh, đi liền là sử dụng kinh phí ngân sách còn lãng phí.

Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục khắc phục những bất cập, xây dựng một nền hành chính văn minh, hiện đại, hướng về người dân; thực hiện chiến lược số hóa với cơ sở dữ liệu dân cư tốt hơn thì mới giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân, DN.

Cùng với đó, tăng cường, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm; tăng cường tính công khai minh bạch để sát dân, sát cơ sở, phục vụ người dân.

"Làm sao tiếng kêu của người dân, DN ít đi. Việc này chứng tỏ bộ máy giải quyết công việc minh bạch, công khai. Công nghệ hiện đại thế nào thì cũng phải hướng về người dân, DN, đảm bảo quốc phòng, an ninh đất nước", Thủ tướng nói.

{keywords}
Hội nghị chiều nay

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắn nhủ, công tác CCHC phải tiếp tục làm cho đất nước hùng mạnh; mọi người dân, mọi tổ chức có khát vọng phát triển, xây dựng Việt Nam hùng cường vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu.

Do đó, Thủ tứng đề nghị các cấp quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII: "Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo".

Bộ ngành không nên ôm hết việc 

Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, trong đó có  việc phải tiếp tục CCHC quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo về đánh giá chất lượng hoạt động bộ máy nhà nước.

"Luật phải dễ hiểu, dễ vận dụng, một luật cố gắng có 2 nghị định là nhiều nhất; một nghị định không quá một thông tư; ban hành văn bản mới thì phải hủy văn bản cũ", Thủ tướng lưu ý  về hiện trạng văn bản quá nhiều, thủ tục rườm rà, "mỗi bộ ra một thủ tục, phải qua bộ tôi".

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, thể chế phải tận dụng tối đa, hiệu quả những tri thức mới, công nghệ mới, kích thích mọi công dân và DN thuộc các thành phần kinh tế - xã hội cùng tham gia khởi nghiệp, làm giàu chính đáng và đóng góp cho sự thịnh vượng chung của đất nước.

"Một thể chế bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền tài sản; tạo thuận lợi cho phát triển, đổi mới sáng tạo của mọi người dân; giải phóng sản xuất, giải phóng nguồn lực", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Đẩy mạnh nghiên cứu, thí điểm một số mô hình mới về thu gọn tổ chức bộ máy gắn với thực hiện chính sách tinh giản biên chế. 

Tăng cường thí điểm chuyển giao một số dịch vụ công mà nhà nước không nhất thiết thực hiện sang cho DN, xã hội đảm nhiệm; sơ kết, tổng kết và mở rộng các mô hình này.

"Nhà nước chỉ làm những việc người khác không làm được chứ không phải các bộ ngành ôm hết, bộ máy phình ra. Tôi đề nghị Bộ Nội vụ và các bộ ngành xem lại mô hình tổng cục với nhiều tầng nấc hiện nay. Chủ trương của Thủ tướng, Chính phủ giao Bộ trưởng, rồi từ Bộ trưởng xuống các tổng cục, rồi sau đó mới xuống các vụ, xuống các phòng,... rồi mới triển khai", Thủ tướng nêu rõ.

Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

"Theo thống kê, chúng ta có 58.000 đơn vị trong cả nước với hàng triệu biên chế. Biên chế hành chính từ huyện đến bộ chỉ mấy trăm nghìn người, không phải là nhiều nhưng đơn vị sự nghiệp công lên đến hàng triệu người nhưng tự chủ, tự trang trải được để giảm biên chế còn rất ít", Thủ tướng nêu thực tế.

Ông dẫn chứng một Sở KH- CN mà có 400 – 500 đơn vị sự nghiệp công, lại xin ngân sách. Vì vậy, muốn cải cách tiền lương thì phải tinh giản biên chế, tiết kiệm hơn.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc nghiên cứu, triển khai các biện pháp đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số...

"Cải cách là khó, đụng chạm đến bộ máy, con người càng khó hơn. Với tinh thần quyết tâm và trách nhiệm trước toàn Đảng, toàn dân, sau tổng kết, tôi mong các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục CCHC mạnh mẽ hơn nữa để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Đại hội XIII đề ra. Tôi tin rằng Bộ Nội vụ sẽ cùng các bộ ngành cải cách mạnh mẽ hơn", người đứng đầu Chính phủ nói

Thu Hằng

Cải cách bộ máy chưa khắc phục được tình trạng “bộ trong bộ”

Cải cách bộ máy chưa khắc phục được tình trạng “bộ trong bộ”

Dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng đến nay, bộ máy bên trong bộ ngành còn cồng kềnh, nhiều đầu mối, làm cho tình trạng “bộ trong bộ” chưa khắc phục được.