Người dân là trung tâm, là chủ thể

Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế lớn của thế giới, đại dịch Covid-19 càng thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn ở nhiều quốc gia. Chuyển đổi số tác động tới mọi quốc gia, là vấn đề toàn cầu nên cách tiếp cận phải toàn cầu, tác động tới mọi người dân nên cần cách tiếp cận toàn dân. Việt Nam tiến hành chuyển đổi số theo cách tiếp cận tổng thể, liên thông và đẩy mạnh hợp tác công tư.

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính

Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế và chuyển đổi số, nổi bật là nền kinh tế tăng trưởng nhanh, có độ mở cao, đã ký 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nước, gồm các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN…

Khả năng thích ứng và đón nhận các xu thế phát triển lớn trên thế giới, bao gồm công nghệ số, chuyển đổi số là rất rõ rệt. Các bạn bè, đối tác quốc tế đều ủng hộ quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Đây vừa là cơ hội, vừa là động lực thúc đẩy Việt Nam chuyển đổi số nhanh hơn.

Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam đã có chương trình chuyển đổi số quốc gia tới năm 2025 và định hướng tới năm 2030, với 3 trụ cột về kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số. Trong quá trình đó, Việt Nam xác định người dân là trung tâm, là chủ thể.

Việt Nam đang sở hữu cơ cấu dân số vàng với lực lượng lao động trẻ đông đảo, nhanh nhạy và giàu tiềm năng để thực hiện chuyển đổi số. Doanh nghiệp và người dân Việt Nam tích cực hưởng ứng và tham gia quá trình chuyển đổi số. Ngành công nghệ thông tin, viễn thông đang phát triển mạnh. 

Đóng góp của kinh tế số vào nền kinh tế Việt Nam đang tăng rất nhanh. Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Chương trình chuyển đổi số của Việt Nam gắn kết chặt chẽ với chương trình tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu…, hướng tới mục tiêu cuối cùng là ấm no và hạnh phúc của người dân, phù hợp với xu thế thế giới.

Việc hợp tác chuyển đổi số cũng góp phần giúp Việt Nam triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế chuyển đổi số trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Đây là việc rất quan trọng, bất cứ sự chuyển đổi nào cũng đòi hỏi thể chế phù hợp. Việt Nam đã có chương trình đào tạo nguồn nhân lực, trước hết là nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của người dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số...

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng một số Bộ trưởng và các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ thông tin

“Chuyển đổi số không chỉ có sự dẫn dắt của Chính phủ mà còn có sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, người dân và doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Việt Nam dành nguồn lực tài chính phù hợp, hiệu quả, khoa học cho chuyển đổi số; đầu tư về công nghệ, nâng cao năng lực quản trị quốc gia; đẩy mạnh hợp tác công tư trong bối cảnh nguồn lực nhà nước có hạn, cần dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội. Chủ trương của Việt Nam là hiện đại hóa nhanh lĩnh vực tài chính, ngân hàng để các lĩnh vực này đi đầu trong chuyển đổi số.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: "Cũng như các quốc gia, Việt Nam có cách tiếp cận riêng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình, nhưng không tách rời cách tiếp cận chung của thế giới, bởi chỉ như thế thì chúng ta mới có thể hợp tác được”.

Nhiều việc trong 10 năm, 5 năm đã được thực hiện trong 1 năm

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết thêm, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tại Việt Nam. Trong 20 năm, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mới đạt 12%, nhưng chỉ trong 1 quý trong dịch Covid-19, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi lên 24%. Việt Nam có 80% học sinh, sinh viên học trực tuyến, cao hơn trung bình của OECD (hơn 60%).

“Có thể nói, nhiều việc trong 10 năm, 5 năm đã được thực hiện trong 1 năm”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chia sẻ.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng

Thứ trưởng cho hay, một đặc điểm của tài nguyên dữ liệu là càng nhiều người dùng càng sinh ra dữ liệu. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển dữ liệu, đạt mục tiêu lọt vào top 50 quốc gia dữ liệu mở vào năm 2025, top 30 vào năm 2030. Chính phủ có nhiều hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông.

Về nhân lực, Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin và trong giai đoạn 2025-2030, Việt Nam cần 2 đến 2,5 triệu lao động cho lĩnh vực này. Do đó, Việt Nam sẽ triển khai các chính sách đào tạo như thí điểm xây dựng các chuyên ngành về chuyển đổi số, đào tạo hoàn toàn trực tuyến với chất lượng cao hơn, tốc độ nhanh hơn.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mục tiêu tới năm 2025, có 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ Chương trình và tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số. Các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tích cực tham gia vào quá trình này.

Thu Hằng (Từ Tokyo, Nhật Bản)

Lời cam kết của Thủ tướng và cơ hội 'ăn nên làm ra' của doanh nghiệp nước ngoài

Lời cam kết của Thủ tướng và cơ hội 'ăn nên làm ra' của doanh nghiệp nước ngoài

“Doanh nghiệp Nhật Bản có thể yên tâm đầu tư lâu tại Việt Nam; “có vướng mắc gì không giải quyết được thì các ngài trực tiếp gửi thư đích danh cho Thủ tướng Chính phủ”.