Di tích lịch sử Long Giao là chứng tích cho sự khởi đầu của mọi kế hoạch giải phóng Campuchia, lật đổ chế độ diệt chủng Polpot.

Tiếp tục chương trình chuyến thăm chính thức Việt Nam, ngày 21/12, Thủ tướng Campuchia Samdec Hun Sen đã đến huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, thăm lại Di tích lịch sử Đài tưởng niệm Long Giao, biểu tượng của tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của quân đội và nhân dân hai nước.

Cùng đi với Thủ tướng Hun Sen và đoàn đại biểu cấp cao Campuchia có Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.

Gần 40 năm trước, tại xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, vào ngày 12/5/1978, với sự giúp đỡ nhiệt tình, vô tư của Đảng, Nhà nước, Quân đội Việt Nam và nhân dân tỉnh Đồng Nai, 200 cán bộ, chiến sĩ Campuchia đã tập hợp nhau lại dưới sự chỉ huy của Samdec Hun Sen lập nên Đoàn 125 - tiền thân của Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia.

{keywords}

Thủ tướng Campuchia dâng hương tại nghĩa trang Khu di tích lịch sử Đoàn 125

Di tích Long Giao là chứng tích cho sự khởi đầu của mọi kế hoạch giải phóng Campuchia, lật đổ chế độ diệt chủng Polpot. Lúc đó, Thủ tướng Hun Sen mới 27 tuổi.

Với sự giúp đỡ của quân đội Việt Nam, ông và các đồng chí đã xây dựng lực lượng, huấn luyện quân đội, sau đó về nước lãnh đạo cuộc cách mạng, giải phóng đất nước và nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng. Tại Khu di tích Đoàn 125 có một nghĩa trang là nơi yên nghỉ của 49 chiến sĩ đầu tiên của Campuchia.

Đài tưởng niệm Long Giao còn có ý nghĩa như một lời nhắc nhở nhân dân hai nước về sự hy sinh cao cả, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, với tinh thần giúp bạn cũng là giúp chính mình.

(Theo VTV)