- Sau hơn một tuần, từ 23/8 đến nay diễn đàn 'Xem Tây, ngẫm ta' nhận hàng ngàn phản hồi về nhiều lĩnh vực: Giao thông, du lịch, ứng xử... Nhiều bài viết đã được gửi đến banxahoi@vietnamnet.vn.  

Mỗi câu chuyện được chia sẻ lại có đem đến một góc nhìn thú vị mới. Qua diễn đàn, tự mỗi người sẽ có sự so sánh xem Ta còn đang thua kém Tây như thế nào.

VietNamNet mời ông Đinh Duy Hòa - tác giả của 2 bài viết thu hút đông đảo bạn đọc like, comment, đến trò chuyện về chủ đề này.

Nhà báo Kiều Oanh: Thưa ông, với nhiều năm làm Vụ trưởng Vụ CCHC  (Bộ Nội vụ) và đi nhiều nước trên thế giới, lại có khiếu hài hước và góc nhìn tinh tế, ông nhận xét gì về diễn đàn "Xem Tây ngẫm ta" của VietNamNet?

Ông Đinh Duy Hòa: Trước hết cám ơn báo VietNamNet đã mời tôi đến chia sẻ xung quanh diễn đàn này. Về nhận xét diễn đàn này, tôi thấy có mấy điểm rất hay.

Điểm thứ nhất, tôi không nghĩ diễn đàn "Xem Tây ngẫm ta" lại có sức hút như vậy, sức hút này thể hiện qua lượng tác giả gửi bài trực tiếp đến, cho đến hôm nay đã đăng 7 - 8 bài. Sức hút thể hiện rõ hơn qua ý kiến phản hồi của độc giả, rất nhiều ý kiến. Điều đó nói lên có khá nhiều vấn đề nếu chúng ta biết khai thác thì sẽ có sức lôi cuốn nhất định.

Thứ 2, tất cả các tác giả đều thể hiện câu chuyện Tây thế này, Tây thế kia nhưng tâm của các tác giả trong đó có tôi muốn đưa ý ra ý là ta nên học những cái tốt, hay đưa vào cuộc sống, đưa vào xã hội chúng ta.

Điểm thứ 3 cũng là tâm của độc giả, rất nhiều ý kiến phản hồi tôi thấy rất nhiều người thể hiện sự đồng tình, với mong muốn làm sao chúng ta học điều hay để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ý cuối tôi thấy là thể hiện sự quan tâm của báo VietNamNet. Tôi nhớ có 1 độc giả đưa ra nhận xét là báo đăng các ý kiến phản hồi rất đa chiều, đa dạng, trái chiều - tức không thiên về 1 hướng mà đăng nhiều ý kiến khác nhau để mọi người suy nghĩ, đó là điểm tôi thấy rất là được của diễn đàn này.

Nhiều phản hồi hay

2 bài viết ông gửi đến diễn đàn thu hút rất đông độc giả chia sẻ, like, comment. Ông ấn tượng với phản hồi nào và suy nghĩ gì về những góp ý?

Tôi nghĩ những bình luận, phản hồi ấn tượng  thì có lẽ không chỉ riêng 2 bài của tôi mà kể cả 5 -6 bài của các tác giả khác.

Tôi có đọc những bình luận nhận xét ấy, tôi tạm phân ra mấy loại ấn tượng. Thứ nhất nói 1 cách dân dã là bà con chúng ta thấy ồ hay thế nhỉ, rất đáng học. Loại 2 là ờ hay quá nhưng không học, khó lắm, Tây khác ta. Loại 3 là Tây cũng nhiều cái không hay mà ta có nhiều cái hay tại sao không đăng. Thứ 4 là những cái thể hiện đóng góp làm thế nào cho tốt hơn.

Tôi lọc ra 3 phản hồi rất ấn tượng.

Một độc giả tên là Tiến có phản hồi: "Tôi chưa đi nước ngoài bao giờ nên không biết gì, nhưng đọc xong bài viết tôi cứ nghĩ mãi".

Phản hồi 2 cũng rất hay của bạn đọc Lê Văn Lãng khi thốt lên "Tôi thèm một xã hội văn minh như vậy ở Việt Nam chúng ta, tiện đây mong những người đã đọc bài này nên ghi nhận và truyền cảm hứng đó cho người thân và quen biết, chúng ta mỗi người nên góp công sức nhỏ bé để tạo nên 1 xã hội tốt cho con cháu chúng ta sau này". 

Một nhận xét khác cũng theo hướng này của độc giả Lê Tuấn cho viết bài "Cú tông xe ở Mỹ" có nội dung "Cứ huyễn hoặc nhau những điều to tát,  mơ hồ mà bỏ qua giá trị chân thiện nhỏ nhặt nhưng cần hiển hiện thường xuyên trong cuộc sống".

XEM CLIP:

 Play


Cả ba bình luận này rất có ý tứ sâu xa, thể hiện ý chúng ta xem người, ngẫm đến mình và mình cố gắng thể hiện cho tốt hơn.

Với những khái quát của ông, có rất nhiều bạn đọc chia sẻ, ở đâu cũng có mặt được và chưa được, tốt và chưa tốt. Đúng như ông nhận xét, ở VN cũng có câu chuyện hay nhưng chưa được thể hiện ra, chưa được viết thành ý kiến. Vậy theo ông, vì sao khi người ta nhận xét như thế nhưng chưa thể hiện thành bài viết ?

Những ý kiến theo hướng này tôi nghĩ cũng khá chuẩn, nhưng điều quan trọng diễn đàn của chúng ta định hướng nói câu chuyện của mình  với ngoài, đây lại là những câu chuyện như tòa soạn là câu chuyện cảm động, những câu chuyện thể hiện mặt tốt. Cho nên các tác giả dựa câu chuyện này kể, thậm chí có câu chuyện to nhưng cũng có việc rất nhỏ nhưng đều theo khuynh hướng này.

Quay trở lại độc giả nếu là ta rất nhiều việc tốt, thậm chí Tây có nhiều việc không tốt. Đúng thế. Chúng ta xem ở bên nước ngoài cũng có câu chuyện đánh nhau, có câu chuyện giết người, có câu chuyện này chuyện kia, VN những chuyện đó cũng có. Tuy nhiên tôi nghĩ, diễn đàn chúng ta mở mục  "Xem ta ngẫm ta" theo hướng kể câu chuyện tốt, cảm động, đáng suy nghĩ thì tôi nghĩ cũng sẽ có nhiều chia sẻ thú vị.

Cảm ơn đề xuất này của ông, nếu diễn đàn này mở ra thì ông sẽ là người có những bài viết đóng góp như diễn đàn "Xem Tây ngẫm ta"?

Cũng không dám hứa, nhưng tôi thấy ví dụ ta xem truyền hình có tiết mục chương trình về "Cặp lá yêu thương", "Việc tử tế" nó thể hiện theo hướng này.

Xã hội chúng ta con người với nhau cũng có nhiều việc tốt việc thiện,  tuy nhiên cá nhân tôi muốn nhấn, nếu so sánh mức phổ biến, tần suất xuất hiện những việc tốt việc thiện ấy ở ta so với các nước  thì ta còn thấp, đó là điều đáng cảnh tỉnh, đáng cảnh báo. Câu chuyện va chạm xe ở VN chúng ta hành xử con người thế nào thì tất cả chúng ta đều rõ, phần lớn chưa thể hiện hẳn ý văn hóa văn minh. 

Lãnh đạo có tâm, đọc bài tôi có thể xử lý được

Ông vừa đưa ra những điểm ta chưa được như các nước ông đặt chân tới, so sánh mình còn thua kém Tây ở nhiều lĩnh vực . Theo ông nguyên nhân do đâu?

Câu này là câu hay và hóc búa tìm hiểu nguyên nhân của những hiện tượng này.

Qua ý kiến nhiều độc giả cũng thể hiện phần nào ý này, tôi cũng chỉ lưu lại ý của độc giả, một phần trùng với tôi. Chúng ta xem các lĩnh vực của ta với các nước kể to tát là kinh tế, xã hội, pháp luật cho đến cụ thể hành xử của con người trong cuộc sống bình thường.  Chúng ta thấy cái khác của ta ở mức thấp hơn từ câu chuyện xử sự của người dân với nhau trong cuộc sống cho đến hoạt động của các cơ quan công quyền...

Nguyên nhân ở đâu? Tôi nghĩ rất nhiều ý kiến độc giả đã nêu, một trong những nguyên nhân liên quan đến câu chuyện thứ nhất là giáo dục, rất nhiều độc giả nêu chỗ này, tôi nghĩ cũng khá chuẩn xác. Gốc của mỗi quốc gia thể hiện trong giáo dục, giáo dục từ trong nhà trường, xã hội, từ bé đến lớn, chi phối hành xử hành vi con người, rồi dẫn đến những biểu hiện cụ thể khi có câu chuyện như vậy thì con người chúng ta hành xử như nào. Cái này là cái nguyên nhân liên quan câu chuyện giáo dục, phải lưu ý và làm tốt hơn câu chuyện này.

Thứ 2, nhiều độc giả đã nêu câu chuyện pháp luật và thực thi pháp luật, có pháp luật tốt và có cơ quan thực thi pháp luật tốt, nó có vai trò hết sức quan trọng, tạo trật tự trong xã hội góp phần tạo hành vi chuẩn hơn. Gắn với câu chuyện này, vai trò cơ quan chính quyền các cấp, công chức. Như vậy xung quanh trục này, nói lên trục mối quan hệ giữa xã hội công dân, mối quan hệ, trục này ta xử lý không tốt  thì những câu chuyện nói không được như Tây, chắc chắn sẽ vẫn còn.

Tuy nhiên điểm này, cũng phải nhấn vào ý, nói gì thì nói nếu so sánh 15 năm trở lại đây thì chúng ta cũng có điểm tốt lên. Tôi nói ví dụ rất đơn giản, cách đây 15 - 20 năm các cửa hàng xăng HN, nơi bố trí xen vào nhà cửa, sau thấy nguy hiểm, có vụ việc xảy ra, có chấn chỉnh tác động cơ quan Nhà nước là các cửa hàng xăng chuyển đi nơi khác...

Như vậy là ta cũng có chuyển biến nhưng chậm quá, đáng ra phải chuyển nhanh hơn, mà những chuyển ấy không đòi hỏi gì ghê gớm cả.

Quay lại trục Nhà nước, xã hội, công dân, trong đó gốc là giáo dục làm sao phải tốt hơn, mọi thứ phải tốt hơn, kể cả những cái to tát cho đến cái hết sức bình thường.

Nếu để đề xuất giải quyết trục đó để xã hội tốt lên, văn minh lên thì ông đề xuất phương án như nào?

Tôi nghĩ nó liên quan cả xã hội chúng ta, nếu theo trục này trước hết là mảng các cơ quan công quyền Nhà nước ban hành chính sách pháp luật cho chuẩn, công chức thực thi pháp luật cũng phải chuẩn.

Tôi nhớ có độc giả nêu ý kiến, hành xử này của mọi người ở nước ngoài là văn minh lịch sự đúng thì trước hết mấy triệu công chức chúng ta hãy làm gương đi - là rất có lý. Những người thực thi công vụ hãy gương mẫu thực thi công vụ, thực thi đúng pháp luật...

Theo dõi các bài viết đã đăng tải, rất nhiều độc giả có ý kiến hay. Tôi nghĩ giả sử tiếng nói chúng ta bị rơi vào im lặng, cơ quan Nhà nước không xử lý gì thì bản thân những người đọc cũng đã thấm vào bản thân mỗi người. Như 1 độc giả nêu làm sao lan tỏa cái đấy thì tạo ra thay đổi rất nhỏ, với cái rất nhỏ ấy góp phần vào những lớn hơn.

Nhưng nói thế thôi chứ các cơ quan công quyền bây giờ cũng chịu khó lắng nghe ý kiến của dân, lắng nghe góp ý của cơ quan báo chí để có điều chỉnh tốt lên.

Tôi nói ví dụ HN, TP.HCM, mấy TP lớn đọc bài của tôi nói chuyện nhà vệ sinh công cộng, nếu có tâm thì câu chuyện đó có thể xử lý được.

Cảm ơn ông!

Mời bạn chia sẻ những câu chuyện cảm động, những bài học ý nghĩa... gặp trên đường đi công tác hay du lịch nước ngoài, và cả những ngẫm ngợi của bạn khi nghĩ về Việt Nam. Chia sẻ gửi về banxahoi@vietnamnet.vn. Bài viết, câu chuyện phù hợp sẽ được đăng tải.

Ban Thời sự
Ảnh: Lê Anh Dũng