Nghị quyết đưa ra 5 mục tiêu, trong đó Chính phủ phấn đấu quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu; tập trung kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19, phấn đấu hoàn thành tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất có thể...

Thích nghi với dịch bệnh trong mọi tình huống

Trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Chính phủ đề cập đến việc tập trung cao độ phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, chuyển đổi số; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung vào các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

{keywords}
Phiên họp Chính phủ

Ngoài ra, Chính phủ cũng lưu ý việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, theo tinh thần “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, truyền cảm hứng và tạo niềm tin cho nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác, tích cực thực hiện phòng, chống dịch và thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tăng cường giám sát không gian mạng để loại bỏ các thông tin xấu độc; chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, phương châm “5K + vắc xin” và tăng cường ứng dụng công nghệ.

Cùng với đó là kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công dịch bệnh, lấy phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, tấn công là chủ động, đột phá; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không được hoang mang, mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh.

Chính phủ cũng lưu ý, việc rà soát các phương án phòng, chống dịch, rút kinh nghiệm thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh, có kế hoạch cụ thể để chủ động phòng, chống dịch hiệu quả, nhất là tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư, chợ đầu mối thích nghi với dịch bệnh trong mọi tình huống.

Đồng thời, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện chiến lược vắc xin, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí từ Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19; vận động các đối tác đã có cam kết thực hiện giao vắc xin đúng tiến độ và trong thời gian sớm nhất.

Chính phủ nhấn mạnh đến việc tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19; tập trung cho các đối tượng ưu tiên, trong đó có các đối tượng thuộc địa bàn, ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp và trong các ngành thương mại, dịch vụ.

Cùng với đó là chủ động đàm phán, công nhận kết quả tiêm vắc xin với các nước, đặc biệt các quốc gia là đối tác quan trọng của Việt Nam; tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.

Ngoài ra, Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp, địa phương tiếp cận bình đẳng các nguồn vắc xin , tuân thủ thực hiện quản lý nhà nước, nhất là kiểm soát chất lượng và cấp phép của Bộ Y tế, dứt khoát không để cạnh tranh không lành mạnh giữa khu vực Nhà nước và tư nhân.

Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương ban hành, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tại các nhà máy, khu công nghiệp, chợ đầu mối, bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất thành lập trung tâm để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù để thu hút tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ sản xuất vắc xin, tiến tới hình thành công nghiệp sản xuất vắc xin...

Có chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp

Tại Nghị quyết này, Chính phủ đã giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp tục đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp về tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh cải cách, cắt giảm ngay thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả, tránh lãng phí thời gian, nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chính phủ cũng lưu ý, đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chủ động có giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi số; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, khẩn trương triển khai thực hiện thí điểm dịch vụ mobile money.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.

Thu Hằng

Đóng góp vào Quỹ vắc xin: Làm cháy lên ngọn lửa đại đoàn kết dân tộc

Đóng góp vào Quỹ vắc xin: Làm cháy lên ngọn lửa đại đoàn kết dân tộc

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đóng góp vào Quỹ vắc xin không chỉ là vấn đề tiền bạc, mà đây là đóng góp tấm lòng. Mỗi người góp một đốm lửa dù to, dù nhỏ để làm cháy lên ngọn lửa đại đoàn kết của dân tộc.