- Tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với thu hẹp cánh cửa vào công tác của thế hệ trẻ được đào tạo bài bản, chính quy, tràn đầy nhiệt huyết cống hiến.

Có nhiều nguyên nhân để lý giải đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng cơ bản tập trung vào hai yếu tố trọng tâm: Lo ngại tình trạng mất cân đối quỹ BHXH trong tương lai và đảm bảo bình đẳng giới.

{keywords}
Đông đảo thí sinh nộp hồ thi công chức Cục Thuế Hà Nội tháng 8/2014. Ảnh: Dân Trí

Về nội dung thứ nhất, lo ngại với tuổi thọ trung bình của dân số Việt Nam và cơ cấu đóng bảo hiểm, hưởng lương hưu như hiện nay thì nguy cơ vỡ quỹ lương hưu rất cao. Theo cá nhân tôi, kết luận tuổi thọ trung bình của người Việt Nam có xu hướng tăng theo thời gian - liệu đã có cơ sở khẳng định chắc chắn bền vững chưa?

Nhóm người cao tuổi của chúng ta đang chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu dân số, song tốp này ở độ 70 trở lên, nghĩa là quá trình sống thời sung sức, trai trẻ trước đây của ông cha tuy ăn uống kham khổ, nhưng bù lại toàn là lương thực, thực phẩm sạch, nguy cơ nhiễm bệnh nan y rất ít, khả năng miễn dịch lớn. 

Còn thế hệ sau này, đời sống kinh tế phát triển, được thưởng thức đủ cao lương mỹ vị, nhưng trong thức ăn, vị uống luôn tiềm ẩn hoạt chất gây mầm bệnh, nổi bật nhất là ung thư, tai biến, tiểu đường, tim mạch v.v…

Ở nhiều địa phương, tử vong do bệnh tật, đột tử ở tuổi 30-45 không phải là hiếm, liệu 30-40 năm nữa, tuổi thọ có duy trì “tăng trưởng” liên tục hay không, nếu không có biện pháp quản lý an toàn vệ sinh lương thực, thực phẩm thường xuyên đe dọa sức khoẻ cộng đồng?

Thứ hai, tăng tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ từ 55 lên 60 để giải quyết dứt điểm bài toán “bình đẳng giới” tranh cãi lâu nay, nhưng chủ yếu bó hẹp trong phạm vi của các nhà quản lý đang giữ những chức vụ quan trọng trong tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Còn đại đa số lao động phổ thông tại công trường, nhà máy, xí nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức làm công tác chuyên môn nghiệp vụ - một lực lượng lớn thì chưa thấy có cuộc điều tra, thống kê quy mô toàn quốc nào mang tính xã hội được tiến hành, để từ đó đánh giá một cách khách quan, biện chứng trên cơ sở kết hợp giữa lý luận với thực tiễn nhằm định hướng chiến lược liên quan đến tuổi nghỉ hưu ở nước ta.

Vậy tăng tuổi nghỉ hưu thêm 5 năm cho lao động nữ, có thể “được” ở vài ngàn cán bộ quản lý, nhưng sẽ “mất” vài triệu ở các thành phần lao động nữ khác, khi thể lực của họ suy giảm do làm việc cật lực trong vòng khoảng 40 năm, chưa kể họ còn phải đảm nhiệm thiên chức làm mẹ, làm vợ, vất vả hơn nhiều so với nam giới.

Tuổi thọ tăng là tín hiệu đáng mừng, song không thể lo ngại tuổi thọ tăng dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ BHXH nên buộc phải kéo dài tuổi nghỉ hưu. Bởi để bình ổn quỹ hưu trí, có nhiều giải pháp như xem xét mức đóng và hưởng, nếu chưa hài hoà thì có thể tăng thêm mức đóng, hoặc thành lập một ngân hàng đặc thù của BHXH. Tổ chức chặt chẽ việc đầu tư, điều hành, quản lý để bảo đảm yếu tố tăng trưởng cũng như tính an toàn tuyệt đối của nguồn tài chính thuộc lĩnh vực an sinh xã hội.

Một yếu tố khác là khi tăng tuổi nghỉ hưu cho nhóm đối tượng nào đó, đồng nghĩa với thu hẹp cánh cửa vào công tác của thế hệ trẻ được đào tạo bài bản, chính quy, tràn đầy nhiệt huyết cống hiến cho quê hương đất nước.

Vì vậy, phương án ưu việt nhất, theo chúng tôi là giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như đang thực hiện. Riêng một số đối tượng được kéo dài thêm 5 năm trong điều 187 của bộ luật Lao động (sửa đổi, được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012), xin thận trọng để mang tính hợp lý, khả thi và tạo được sự đồng thuận trong xã hội khi ban hành.

Nguyễn Tiến Đạt  (Lâm Đồng)

Mời bạn đọc gửi phân tích góp ý cho chính sách mới. Ý kiến gửi về banxahoi@vietnamnet.vn. Những bài viết phù hợp sẽ được lựa chọn đăng tải.