Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay được kỷ niệm trong bối cảnh khác với mọi năm, dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới phát triển kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đến nay, trên phạm vi cả nước, chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Đây là sự cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có sự cố gắng và đóng góp rất quan trọng của đội ngũ doanh nhân.

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).  Ảnh: Nhật Bắc

“Xin gửi lời cảm ơn, tri ân tới tất cả hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân có mặt hôm nay cũng như nhiều người vì nhiều lý do khác nhau không có mặt tại hội trường này”, Thủ tướng nói. 

Sự kiện hôm nay thể hiện sự tri ân, ghi nhận, đánh giá của nhân dân, Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp, xây dựng, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp, trên cơ sở đó, tiếp tục có chủ trương, chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp.

DN kỳ vọng sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI khẳng định, chủ trương mới đây của Chính phủ về chuyển trạng thái sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19" khiến cộng đồng DN rất phấn chấn.

Ông Công cũng bày tỏ tin tưởng và mong rằng, các giải pháp, chính sách đã đề ra sẽ được quyết liệt triển khai, phản hồi của các DN về các vướng mắc trong tiếp cận các cơ chế, chính sách mới sẽ được lắng nghe, kịp thời gỡ bỏ.

Bên cạnh đó, các DN mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng được ổn định và có thời hạn phù hợp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng.

                             Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI

Đặc biệt, các DN mong chờ và kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các DN, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi của mình.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC khẳng định công nghệ và chuyển đổi số sẽ là xu thế trong thời gian hậu Covid-19. Việt Nam đã có chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin. Đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam là cứ điểm cung cấp công nghệ số toàn cầu như Samsung xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đánh giá, Chính phủ đã tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp có cơ hội để thực hiện sứ mệnh của mình.

Viettel tuyên bố sứ mệnh tiên phong, chủ lực sáng tạo xã hội số, với mong muốn tổng hợp sức mạnh của các tổ chức, cá nhân, phát triển đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

"Covid-19 buộc chúng ta phải chuyển đổi số nhanh hơn, quyết liệt chuyển đổi số y tế, giáo dục, giao thông, thương mại, xây dựng đô thị thông minh và Chính phủ số", ông Dũng nhấn mạnh.

Sự vào cuộc của Chính phủ đã truyền cảm hứng cho giới doanh nhân

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam nhắc lại những ngày giãn cách căng thẳng nhất vừa qua khi đại dịch gây ra sự khủng hoảng chưa từng có. Ngay khi dịch bùng phát, Chính phủ và các bộ, ngành đã vào cuộc cầu thị, lắng nghe ý kiến của người dân, tham khảo những mô hình phòng chống dịch có hiệu quả trên thế giới. 

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP cuối năm 3% là khả thi. Ảnh: Nhật Bắc

“Sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành thực sự đã truyền cảm hứng cho giới doanh nhân. Đến giờ hình ảnh áo sơ mi Thủ tướng đẫm mồ hôi khi chỉ đạo phòng chống dịch ở Bình Dương hay hình ảnh những y bác sĩ, công an, bộ đội ăn bữa cơm vội vàng… đã đánh thức chúng tôi nỗ lực cống hiến, vượt khó khăn, thách thức, phát triển bền vững…”, bà Thái Hương cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP cuối năm 3% là khả thi.

Theo ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà, những nỗ lực tự thân của doanh nghiệp là không đủ, rất cần Chính phủ có chính sách, giải pháp, tạo cơ chế, môi trường để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong và sau đại dịch.

“Chúng ta nhớ rất rõ, thời điểm dịch cao trào, Thủ tướng hết sức quyết liệt trong công tác chống dịch, đi đầu và luôn luôn xuất hiện ở tuyến đầu. Hình ảnh của Thủ tướng đã truyền cảm hứng cho Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban ngành liên quan tập trung vào chống dịch. Đó là hình ảnh giới doanh nhân thấy rất xúc động, đánh giá rất cao và có niềm tin để cùng nhau đồng lòng, chung sức vượt qua đại dịch. Chúng tôi lấy hình ảnh đó là cơ sở, động lực quyết tâm vượt qua khó khăn vừa qua", ông Sơn chia sẻ.

Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà kiến nghị Chính phủ cần thực hiện ngay giải pháp đáp ứng 4 mục tiêu: Tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh chóng; hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, đảm bảo an sinh xã hội.

“Tôi cho rằng cần ổn định chính sách tài khoá, hỗ trợ doanh nghiệp có đủ vốn vượt qua khó khăn; nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp được hỗ trợ bằng tiền thông qua gói tín dụng, phục hồi sau đại dịch”, ông Sơn nói.

Ông cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất linh hoạt, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoãn, giảm lãi suất đối với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ; chênh lệch không quá 2,5% giữa lãi suất huy động, lượng vốn và lãi suất cho vay...

Càng thấy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình nhiều hơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp tích cực, kịp thời, hiệu quả, cùng cả nước kiềm chế, kiểm soát được đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 hết sức nguy hiểm.

“Chúng tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, càng trân trọng những đóng góp bao nhiêu thì càng thấy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình nhiều hơn với đất nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Càng trân trọng đóng góp của DN và người dân, càng thấy trách nhiệm của mình nhiều hơn

Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi sự đồng lòng, chung sức, quyết tâm, phát huy tài sản vô giá của dân tộc ta là tinh thần đại đoàn kết dân tộc để vượt qua khó khăn, thách thức, lấy đó làm động lực phấn đấu, vươn lên, mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các bộ ngành đang cụ thể hóa Nghị quyết này nhằm thực hiện lộ trình từng bước mở cửa an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Chính phủ đang phấn đấu đạt mục tiêu bao phủ vắc xin chậm nhất trong quý 4 năm 2021; từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế bảo đảm an toàn dịch bệnh; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chỉ đạo quyết liệt để bảo đảm lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải thông suốt, tránh ách tắc, cục bộ.

Tuy nhiên, quá trình mở cửa trở lại, phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phải bảo đảm lộ trình an toàn, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, có bước đi thận trọng, càng khó khăn, phức tạp càng phải tỉnh táo, cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng.

Cùng với đó, nghiên cứu thử nghiệm một số chính sách về du lịch, thương mại và dịch vụ, từng bước mở cửa du lịch an toàn. Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến, áp dụng hộ chiếu vắc xin để đón chuyên gia và du khách, bảo đảm an toàn...

Thu Hằng

Thủ tướng: Khi có rủi ro mỗi bên gánh vác một ít để giảm nhẹ khó khăn

Thủ tướng: Khi có rủi ro mỗi bên gánh vác một ít để giảm nhẹ khó khăn

Thủ tướng nhấn mạnh: Không có gì hơn là sự đoàn kết, thống nhất, chung tay, khi có rủi ro thì mỗi bên gánh vác một ít để giảm nhẹ khó khăn.