Thông tin được Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết tại cuộc họp sáng nay về việc xây dựng công cụ và kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.

Nòng cốt của tổ công tác này là Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và lãnh đạo cấp vụ, cục của các bộ liên quan.

Tổ công tác có 3 tổ phó gồm: Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, Chủ tịch VCCI và một ủy viên thường trực là Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính.

Ngoài ra, tổ công tác còn huy động sự tham gia của hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và các hiệp hội, ngành hàng trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch.

Tổ công tác sẽ thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch đáp ứng đúng quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, yêu cầu của kế hoạch thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.

Theo đó sẽ cắt giảm ngay những quy định là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngăn chặn việc phát sinh những quy định mới làm tăng chi phí và rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Việc cắt giảm phải lượng hoá được lợi ích mang lại cho DN và xã hội, không gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động, quyền và lợi ích chính đáng của DN; làm đâu chắc đấy, không phong trào, hình thức.

Mục tiêu, trong giai đoạn từ nay đến 2025 sẽ cắt giảm ít nhất 20% số lượng văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, Thủ tướng, Chính phủ; ít nhất 20% chi phí chính tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh trong mỗi năm.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, nhất là thông tư.

Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ đề nghị việc cải cách phải theo hướng áp đặt từ trên xuống và phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên cải cách và chịu trách nhiệm, chứ không để cho các bộ ngành và các cơ quan đề xuất từ dưới. Như vậy họ sẽ đề xuất cái dễ, còn cái cần cải cách tác động mạnh lại không đề xuất.

Về thành phần, ông Hiếu đề nghị nên để thành viên tổ công tác chịu trách nhiệm cá nhân: "Ví dụ anh Vũ Tiến Lộc là Chủ tịch VCCI nhưng mời vào tổ công tác là vì chuyên môn cá nhân. Nếu mời các bộ ngành mà đại diện cho bộ thì không thể vượt được chỉ đạo của bộ trưởng. Khi gửi công văn về bộ thì bộ có thể cử ai đó đang nhàn rỗi".

Các thành viên tổ công tác đặc biệt phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Họ đến tổ công tác mà chỉ ngồi với vai của bộ thì không thể phát biểu trái với bộ trưởng được. 

Dự kiến, ngày 15/1 tới đây, Thủ tướng sẽ ký ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, trong đó có việc thành lập tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng.

Hiện Thủ tướng đã thành lập một số tổ công tác tham mưu, giúp Thủ tướng thực hiện một số nhiệm vụ.

Cụ thể, năm 2016, Thủ tướng thành lập tổ công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, chỉ đạo kết luận của Thủ tướng, Chính phủ giao do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng.

Năm 2018, Thủ tướng thành lập thêm 2 tổ công tác gồm: tổ công tác của Thủ tướng về kiểm tra công vụ do Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân là tổ trưởng và tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phụ trách để tập trung xử lý một số vụ việc nổi cộm.

Mới đây, Thủ tướng thành lập tổ công tác đặc biệt rà soát những quy định chồng chéo, bất cập do Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long làm tổ trưởng.

Thu Hằng

Hạn chế để cục, vụ ban hành văn bản rồi bắt cả nước thực hiện

Hạn chế để cục, vụ ban hành văn bản rồi bắt cả nước thực hiện

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý hạn chế ban hành thông tư, nhất là để các cục, vụ ban hành rồi bắt cả nước thực hiện theo thì phải "bắt tận tay day tận trán", không để “rế cao hơn nồi”.