- Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Mekong 2016 (WEF-Mekong) diễn ra chiều nay tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Hunsen,Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Tổng thống Myanmar Htin Kyaw, Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak tham dự hội nghị. 

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo một số nước Mekong, đại diện WEF, các doanh nghiệp tại phiên khai mạc hội nghị. Ảnh: VGP

Ngoài ra còn có khoảng 200 đại biểu gồm nhiều bộ trưởng phụ trách kinh tế của các nước Mekong, đông đảo các doanh nghiệp, tập đoàn thành viên WEF...

Với chủ đề “Phát triển khu vực Mekong: Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và kết nối”, hội nghị gồm 5 phiên họp tập trung thảo luận nhiều vấn đề về phát triển và hội nhập của các nước Mekong. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vị trí và vai trò quan trọng của khu vực Mekong ở Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương, tiềm năng phát triển to lớn của khu vực.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực, tăng cường hợp tác công – tư vì sự phát triển bền vững của Việt Nam cũng như của cả khu vực.

Trong khi đó, Thủ tướng các nước Mekong và các đại biểu đều nhấn mạnh tiềm năng khu vực Mekong trở thành một trung tâm sản xuất mới của khu vực và thế giới.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã nêu nhiều ý tưởng, khuyến nghị về tăng cường liên kết kinh tế, kết nối cơ sở hạ tầng trong khu vực Mekong, nhất là hạ tầng giao thông trên các hành lang kinh tế tiểu vùng; thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, du lịch; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường hợp tác thu hút các nguồn vốn trong và ngoài khu vực, trong đó có đầu tư của các doanh nghiệp theo hình thức quan hệ đối tác công - tư…

{keywords}

Hội nghị WEF về khu vực Mekong. Ảnh: VGP

Bế mạc hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh phát triển bền vững và bao trùm là mục tiêu ưu tiên hàng đầu đối với khu vực Mekong.

Để đạt mục tiêu này, Phó Thủ tướng cho rằng, các nước Mekong cần tăng cường hợp tác để thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy phát triển bền vững, nhất là quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong. 

Các nước Mekong cần tranh thủ các thỏa thuận kinh tế khu vực và toàn cầu để tham gia hiệu quả các chuỗi giá trị, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và kết nối kinh tế với thế giới; nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để tranh thủ cơ hội của các cách mạng công nghiệp mới. 

Hội nghị WEF-Mekong là sáng kiến của Việt Nam được WEF và các nước Mekongủng hộ. Đây là lần đầu tiên, WEF tổ chức một hội nghị riêng về khu vực Mekong. 

Tối nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tiệc chiêu đãi chào mừng các đại biểu tham dự các hội nghị cấp cao CLMV 8, ACMECS 7 và WEF-Mekong. 

Thái An