- Nguyên Bộ trưởng TT&TT, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam Lê Doãn Hợp chia sẻ, những người lao động trí óc, nghiên cứu, làm quản lý... mà phải nghỉ hưu ở tuổi 60 tuổi thì rất lãng phí.

Bình quân tuổi thọ ở nước ta hiện nay là 75, trong thực tế những người 60 tuổi còn rất khỏe mà đó lại là độ tuổi chín chắn, tích lũy nhiều kinh nghiệm, vốn sống tốt mà nghỉ hưu thì rất lãng phí cho Nhà nước.

Thứ nữa, tuổi thọ trung bình của Việt Nam đang tăng lên nhưng tăng trưởng bảo hiểm lại không tương xứng nên mất cân đối. Vì thế cần điều chỉnh tuổi hưu để đảm bảo sự cân đối giữa đóng bảo hiểm và tuổi thọ sau hưu.

{keywords}
Ông Lê Doãn Hợp vẫn nhiệt thành làm việc sau khi nghỉ hưu

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Truyền thông số, việc tăng tuổi nghỉ hưu nên chú ý 2 vấn đề:

Thứ nhất, phải theo từng bước. Bước 1 có thể nâng tuổi hưu của nữ từ 55 lên 58, nam từ 60 lên 63. Bước tiếp theo thì nâng tuổi hưu nữ từ 58 lên 60, nam từ 63 lên 65. Hai bước này có thể chia ra làm trước năm 2020 và sau năm 2020. Như vậy có thời gian để chuẩn bị tinh thần, tư tưởng cũng như các yếu tố khác.

Thứ hai, nên có phần cứng và phần mềm. Ở "phần cứng" nữ đến 60 tuổi và nam đến 65 tuổi thì nghỉ hưu.

"Phần mềm" là đối với người lao động sức khỏe hạn chế, gia đình khó khăn, bản thân muốn nghỉ sớm hơn mà đã đóng bảo hiểm đủ (từ đủ 55 tuổi trở lên với nữ và đủ 60 tuổi trở lên với nam) thì Nhà nước có thể tạo điều kiện nghỉ bất kỳ lúc nào.

Là người còn nhiệt thành làm việc và cống hiến sau khi nghỉ hưu (năm nay 65 tuổi), ông Hợp cho rằng khi mình còn sức khỏe, có kiến thức thì tiếp tục đóng góp cho xã hội.

"Mình có thể chọn những việc mình thích, những việc mình có năng khiếu, chuyên môn để tiếp tục công hiến khi xã hội đang cần", ông Hợp chia sẻ.

Cán bộ nghỉ hưu mà còn được tín nhiệm thì họ tham gia đóng góp rất hứng khởi. Nếu không thì kiến thức, kinh nghiệm rồi cũng sớm theo từng con người “vào lòng đất”.

Là người đi nhiều, tham khảo nhiều mô hình quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp của nhiều nước trên thế giới, nguyên Bộ trưởng TT&TT cho rằng, nữ đến tuổi 55, nam 60 có thể nghỉ làm quản lý và chuyển sang làm cố vấn, tham mưu cho cán bộ trẻ.

Thế hệ trẻ có 4 thứ: sức khỏe, được đào tạo cơ bản, quỹ thời gian nhiều, có hoài bão và muốn chứng minh bản thân. Còn thế hệ già lại có 3 thứ mà thế hệ trẻ chưa có: các mối quan hệ đối ngoại, kỹ năng và kinh nghiệm quản lý.

"Kết hợp giữa sức công phá của thế hệ trẻ với sự chín chắn, kinh nghiệm của cán bộ già sẽ tạo ra ekip rất tốt. Làm được như vậy sẽ không lo chuyện tăng tuổi hưu khiến lớp già chiếm chỗ của lớp trẻ", nguyên Bộ trưởng kết luận.

Thu Thủy