XEM VIDEO: Xúc động nghe nguyên Chủ nhiệm VP Chính phủ Vũ Mão hát về tình hữu nghị

 

Là chính trị gia nhưng ngoài đời, ông Vũ Mão là người cởi mở, vui tính. Ông là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông Vũ Mão còn làm thơ. Nghe nói, ông là một trong những người “kích thích” ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Quốc hội khi đó làm thơ nhiều hơn. Nói về thơ nhạc của mình, ông Vũ Mão thừa nhận “chưa được sâu sắc” nhưng đem lại cho ông và bạn bè, đồng nghiệp không ít niềm vui.

Tham gia Trung ương Đảng từ khoá 5, khi đó ông Vũ Mão là Bí thư thứ nhất Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đó là thời kỳ rất khó khăn của đất nước, kinh tế khó khăn, năng lượng thiếu thốn.

Lúc đó có chủ trương xây dựng các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện. Khi xây dựng nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, Đoàn thanh niên có sáng kiến là nhận đỡ đầu công trình này vì công trình đó cần đến hàng vạn con người, chủ yếu là thanh niên.

Ông Vũ Mão từng kể, để thanh niên thực hiện tốt nhiệm vụ trên công trình, ngoài nhiệm vụ chính trị, cần phải có phương thức hoạt động mới cho thanh niên đồng thời phải tạo được đời sống văn hoá văn nghệ cho thanh niên vì họ rất cần.

{keywords}
 

Với ý nghĩ như thế, ông đã viết bài hát “Bài ca công trường thanh niên cộng sản Sông Đà”. Theo ông thì nó như một tiếng kèn thôi thúc thanh niên lên sông Đà.

Vào cuối năm 1982, khi họp hội nghị Trung ương, ông Vũ Mão phát biểu ý kiến về giải pháp gì để góp phần vào việc khôi phục, xây dựng đất nước. Ông cho rằng, trong thời kỳ mới, thanh niên phải đi đầu như lớp cha anh đã đi trước. Muốn vậy cần có phương thức hoạt động mới cho thanh niên, trong đó có vấn đề phải có được phong trào văn hoá, văn nghệ đủ sức cuốn hút...

Và tại cuộc họp, ông đã hát tặng các cán bộ Trung ương bài hát của mình.

"Hôm nay công trường rộn lên, niềm vui bao thương mến mang tên Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Bước chân của chúng tôi, tuổi trẻ từ khắp nơi về đây đắp xây công trình thủy điện Tổ quốc ta..."

“Thấy tôi hát, mọi người vô cùng ngạc nhiên. Lúc giải lao, đồng chí Lê Duẩn, Tổng bí thư khi ấy nói với tôi rằng ‘thanh niên mạnh dạn quá!’, còn hai bác Trường Chinh, Phạm Văn Đồng cùng bảo ‘ừ, được đấy’. Anh Tố Hữu nói ‘anh liều quá đấy!".  

Vì sao tôi dám hát trước Trung ương? Bởi vì tôi muốn thể hiện khí phách, tình cảm của thanh niên ngày hôm nay. Thứ đến, khi đó tôi thuộc loại trẻ nhất trong các uỷ viên TƯ, tôi nghĩ các đồng chí lớn tuổi như là bậc cha chú, mình là bậc con cháu nên cứ mạnh dạn, chắc là nếu có sơ suất gì thì các đồng chí ấy cũng tha thứ cho mình thôi.

Sau này gặp nhau ở mỗi kỳ Quốc hội, anh Tố Hữu cứ bảo tôi rằng “anh là người liều mạng nhất Trung ương vì tôi cũng chưa khi nào dám đọc thơ  trước Trung ương cả”, lời ông Vũ Mão khi chia sẻ với báo chí.

{keywords}
Bài ca sông Đà từng được ông Vũ Mão hát trong hội nghị Trung ương. 

Không chỉ hát tại hội nghị Trung ương, ông Vũ Mão còn từng đọc thơ trước Quốc hội.

Đó là vào ngày 27/11/2004, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận về Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế. Tưởng rằng luật rất chuyên sâu nên ít ý kiến phát biểu, chỉ hết buổi sáng là xong, tuy nhiên phiên thảo luận đến chiều cũng chưa hết.

Đến lượt ông phát biểu đã là 16h30 chiều. Lúc giải lao trước đó, bà Võ Thị Thuỷ, đại biểu Quốc hội Bình Định nói vui với ông rằng “anh nên có mấy câu thơ”. Ông mới nghĩ vội mấy câu lục bát rồi đọc trước Quốc hội:

Tưởng rằng buổi sáng là xong

Hoá ra làm việc suốt trong một ngày

Thứ bảy mà cứ hăng say

Tôi tự kiềm chế dãi bày ngắn thôi.

Thấy ông chưa vào đề gì, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An liền nhắc “xin anh vào đề luôn”. Ông Vũ Mão nói: “Anh cứ yên tâm, tôi sẽ nói rất gọn”.

Giải thích việc mình hát tại hội nghị Trung ương và đọc thơ trước Quốc hội, ông Vũ Mão bảo cũng suy nghĩ có nên hay không làm việc đó. Theo ông, cái cốt yếu là phải đạt được kết quả trong công việc. Tuy nhiên, trong lúc họp đã vào cuối ngày, ngày đó lại vào cuối tuần, mọi người đều đã mệt mỏi. Vì thế, ông nghĩ nên tạo ra một không khí vừa cởi mở vừa riêng của ông, mỗi người một phong cách.

Ở Quốc hội, mỗi khi trình bày về các dự án luật hay nghị quyết bao giờ ông cũng tìm ra một phong cách sao cho vui nhưng phải vào lòng người.

{keywords}
Ông Vũ Mão cùng cựu Tổng thư ký Quốc hội Thụy Điển Anders Forsberg song ca bài Hoàng hôn Stockholm

Có lần Chủ tịch QH Nguyễn Văn An phê bình ông Vũ Mão rằng thấy ông ngồi chăm chú nhưng hình như không tập trung nghe thảo luận.

Ông liền đáp rằng, tính ông khi đã nghe thảo luận là rất chăm chú, say sưa, quyết liệt và đã nghe là phải phát biểu. Mà ông đã phát biểu là dễ gai góc vì ý kiến thường không thuận chiều. Nhưng ngồi nghe mà không nói là khó chịu lắm nên cũng có lúc phải làm việc khác một tí, nhưng nguyên tắc là không để ảnh hưởng đến người khác, không nói chuyện riêng.

Vì vậy, ông ngồi viết ra những việc riêng của mình. Có lúc xem văn bản này, văn bản khác, nhưng cũng có khi đầu óc mệt mỏi, muốn thư giãn thì ông làm mấy câu thơ.

Nói là người chuyên “đỗ vớt” là không chuẩn

Trước thông tin dư luận nói rằng ông là người luôn “đỗ vớt” khi vào Trung ương, ông Vũ Mão khẳng định việc đó là không chuẩn. Theo ông, duy nhất ở khoá 9 thì ông đứng thứ 150. Tuy đứng thứ 150 nhưng vẫn là là ủy viên chính thức. Trung ương giới thiệu 158 bầu 150, ông đứng cuối cùng.

Theo ông, đây là điều dễ hiểu bởi vì đến khoá 9 thì ông thuộc diện đã già mà lại đã từng có 4 khoá Trung ương trước đó.

Ông cũng tự hào rằng mình có nhiều cái thuộc loại nhất. Đó là tham gia 5 khoá uỷ viên Trung ương liên tiếp, là uỷ viên chính thức trẻ tuổi nhất ở Trung ương khoá 5...

Làm thơ, viết nhạc, rồi hát ở Trung ương, đọc trước Quốc hội, nhiều người nói rằng ở những chỗ đó phải nghiêm túc lắm. Nhưng với ông thì luôn nghĩ rằng mình phải sống thật với mình.

Hay việc ông chơi tennis, nhiều người cũng cho rằng đất nước còn khó khăn mà lại chơi môn thể thao quý tộc này. Ông chỉ quan niệm là mình chơi cho có sức khoẻ để làm việc tốt hơn. Ông cũng chưa bao giờ đòi hỏi một sự giao phó, sự tín nhiệm với mình mà bản thân mình lại chưa đạt được yêu cầu của sự giao phó, tín nhiệm đó. Bản thân ông tự thấy trong bất kỳ công việc gì mình đều hết lòng.

Hương Quỳnh - Thành Nam

Video: VTC

Một nhân cách lớn, người đứng tuyến đầu cuộc đấu tranh đổi mới Quốc hội

Một nhân cách lớn, người đứng tuyến đầu cuộc đấu tranh đổi mới Quốc hội

Xin giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Sĩ Dũng về nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Vũ Mão.