Tại phiên thảo luận sáng nay (26/3), một số Đại biểu Quốc hội đề cập đến việc lấy phiếu tín nhiệm trong một nhiệm kỳ Quốc hội. Hiện nay, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được thực hiện một lần trong nhiệm kỳ.

Đánh giá về vấn đề này, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (đoàn Hải Dương) nhận định, Quốc hội đã được thực hiện “rất công tâm, khách quan”.

“Mỗi đại biểu đã phát huy được vai trò của mình”, ông Thưởng nói.

Cùng đề cập vấn đề, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) cho hay, lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động được người dân kỳ vọng.

“Đây cũng là thước đo trong đánh giá cán bộ, là cơ hội để những lãnh đạo chính trực toả sáng thêm một lần và cũng là nơi đòi hỏi các vị đại biểu thể hiện tinh thần thẳng thắn, dám đấu tranh khách quan, công bằng. Hoạt động này chỉ mang ý nghĩa thiết thực khi nó không bị ảnh hưởng bởi tính hình thức”, bà Mai nói.

{keywords}
ĐB Vũ Thị Lưu Mai.

Nữ đại biểu đánh giá, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội khoá XIV đã mang lại hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên qua tiếp xúc cử tri, bà Mai cho biết, nhận được câu hỏi của người dân rằng “ông/bà thấy việc lấy phiếu tín nhiệm mang tính thực chất hay không?”.

“Tôi hiểu và cảm nhận được rằng đằng sau câu hỏi đó còn là băn khoăn, lo lắng của người dân và có lẽ cử tri chờ đợi điều gì nhiều hơn thế”, bà Mai chia sẻ.

Từ đó, bà Mai đề xuất, nên chăng thực hiện 2 lần lấy phiếu tín nhiệm trong 1 nhiệm kỳ để đánh giá những cố gắng, tiến bộ của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Bên cạnh đó, theo bà Mai, nên đánh giá lại việc để 3 mức khi lấy phiếu tín nhiệm.

“Hiện nay chúng ta đang để 3 mức khi lấy phiếu tín nhiệm là tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Để 3 mức có thể đề cao tính nhân văn, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạch lạc trong việc đánh giá. Nhiều ý kiến cho rằng, việc để 3 mức như vậy sẽ khó so sánh trong đánh giá kết quả của những người được lấy phiếu tín nhiệm”, bà Mai nêu.

Chiều qua 25/3, khi thảo luận tại tổ về hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) cũng phân tích về việc lấy phiếu tín nhiệm.

{keywords}
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm.

"Hiện nay lấy phiếu tín nhiệm một lần, nghe có vẻ hợp lý nhưng xét ra, tính giám sát quyền lực không cao. Bởi nếu lấy phiếu một lần, cơ hội cho những chức danh đó sửa đổi và giám sát cái sự sửa đổi đó thế nào, Quốc hội không có điều kiện để theo sát", bà Quyết Tâm nhìn nhận. 
Từ đây, theo bà Quyết Tâm, nên hai năm lấy phiếu tín nhiệm một lần.

Nữ đại biểu đoàn TP.HCM lý giải, năm thứ hai lấy phiếu để chứng tỏ sự nhạy bén, nắm bắt công việc của người được giao nhiệm vụ. Năm thứ 4 cận kề với bầu cử Quốc hội, cận kề Đại hội Đảng tiếp tục lấy phiếu một lần nữa để Đảng có cơ sở tham khảo, xét xét, bố trí cán bộ thông qua đánh giá của Quốc hội.

"Việc này tôi nghĩ sẽ tốt hơn cho hoạt động kiểm soát quyền lực chứ không có hại gì", bà nhận định.

Trần Thường - Hồng Nhì

Nếu thiếu sự liêm chính sẽ tạo ra những văn bản pháp luật nhiều "khuyết tật".

Nếu thiếu sự liêm chính sẽ tạo ra những văn bản pháp luật nhiều "khuyết tật".

Nhiều ĐBQH nhấn mạnh đến sự liêm chính, chống lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật.