Sử dụng đất tiết kiệm, để dành cho thế hệ sau

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc cơ quan soạn thảo chuẩn bị tài liệu với hàng trăm biểu mẫu, nhiều chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến "một quy hoạch sử dụng đất quốc gia đồ sộ và đúng tầm".

Quy hoạch đất đai phải là nền tảng quan trọng để phát triển các loại hình khác trong KTXH. Theo dữ liệu bình quân đất đai của Việt Nam được xếp hạng vào loại thấp, chính vì thế Chủ tịch nước nhấn mạnh vai trò của việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, để dành đất cho thế hệ sau.

“Đất không sinh ra, chúng ta phải quản lý có hiệu quả, đây là yêu cầu rất lớn, lâu dài”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

{keywords}
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Chủ tịch nước nêu rõ: “Vừa qua giàu lên nhờ đất rất nhiều nhưng tù tội về đất cũng rất nhiều, kỷ luật đảng cũng rất nhiều. Cho nên, yêu cầu đặt ra là chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai”.

Nói về các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cụ thể, Chủ tịch nước lưu ý, bên cạnh dành đất cho phát triển kinh tế, cũng phải quan tâm đến môi trường sống của người dân.

Tán thành với tờ trình khi giữ lại quy hoạch đất lúa 3,5 triệu ha, Chủ tịch nước nhắc về Nghị quyết 26 của Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Xung quanh vấn đề này có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng "bây giờ cần gì sản xuất lúa, làm thứ khác hiệu quả hơn". Nhưng từ khóa trước khi chủ trì tổng kết Nghị quyết 26 ông vẫn bảo vệ quan điểm “giữ đất lúa ổn định”.

Chủ tịch nước phân tích, đất lúa có đặc điểm riêng mà chỉ Việt Nam và một số nước mới có, thế giới hiện nay vẫn có trên 1,5 tỷ người đang đói kém, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đe dọa thì vấn đề lương thực có vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, phải tạo ra không gian, chính sách sử dụng đất trồng lúa linh hoạt, chặt chẽ; không làm ô nhiễm đất để khi cần vẫn sản xuất trồng lúa được.

“Chúng ta phải sử dụng đất hiệu quả, đặc biệt là có chính sách cho vùng sản xuất lúa rất quan trọng. Đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc Bộ phải quan tâm hơn để phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống của người dân”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Ông cũng thấy cần thiết phải có 15 triệu ha đất trồng rừng để thực hiện Nghị quyết đại hội XIII của Đảng là độ bao phủ 42-43%, dành hơn 120 nghìn ha đất cho khu công nghiệp.

“Đất kém hiệu quả, vùng đồi, vùng không trồng lúa 2 vụ trở lên được thì nên quy hoạch để làm công nghiệp, dịch vụ”, ông nói.

Về giải pháp thực hiện, Chủ tịch nước đề nghị, ngoài chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý sử dụng đất đai cần phải cải cách hành chính, công khai hóa. Điều này rất quan trọng bởi lĩnh vực đất đai thủ tục còn phiền hà, phức tạp. Cần áp dụng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. 

Cần làm rõ đất trồng lúa tăng, giảm ở đâu

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất rất quan trọng, vì có tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân.

Song việc làm này còn hình thức, kém hiệu quả, chủ yếu chỉ đăng tải trên cổng thông tin, khó theo dõi và đóng góp ý kiến.

{keywords}
ĐB Nguyễn Mạnh Cường.

Ông Cường đề nghị đánh giá, tìm ra giải pháp, làm sao để việc lấy ý kiến nhân dân phải hiệu quả, thực chất, tránh hình thức.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá, quy hoạch sử dụng đất thời gian qua còn nhiều bất cập, không chỉ chậm, mà chất lượng quy hoạch cũng không cao, lại điều chỉnh nhiều lần, đặc biệt tình trạng “quy hoạch treo” gây lãng phí rất nghiêm trọng.

Lần quy hoạch này có khắc phục được bất cập, hạn chế thời gian qua không? Ông Cường cũng băn khoăn, khi quy hoạch sử dụng đất 5 năm chỉ thấy cấp vùng nhưng lại thiếu bóng dáng cấp tỉnh.

Lưu ý công tác quy hoạch phải dựa vào Luật Quy hoạch và Luật Đất đai, ĐBQH Cường đề nghị làm rõ hơn đến chỉ tiêu đất trồng lúa.

“Diện tích đất trồng lúa đáp ứng yêu cầu, bảo đảm an ninh quốc phòng, nhưng diện tích cũng chỉ là một vấn đề, điều quan trọng là vị trí nằm ở đâu, nếu không thuận lợi cho trồng lúa sẽ bất cập. Đất lúa tăng chỗ nào, giảm ở đâu, phải hết sức tính toán”, ông Cường nói và dẫn ví dụ vựa lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, hay đồng bằng sông Hồng phải giữ.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ phương án quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030.

Đất nông nghiệp: Để đáp ứng mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo độ che phủ rừng đạt 42 - 43% và tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp quy hoạch đến năm 2030 có 27,73 triệu ha.

Trong đó, diện tích đất trồng lúa và lúa kết hợp với các cây lương thực có 3,568 triệu ha, giảm 349 nghìn ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và đất rừng sản xuất là 15,85 triệu ha.

Đất phi nông nghiệp: Để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển hạ tầng đồng bộ quy hoạch đất phi nông nghiệp đến năm 2030 là 4,90 triệu ha.

Trong đó, đất khu công nghiệp đến năm 2030 có 210,93 nghìn ha (tăng 120,10 nghìn ha so với năm 2020); đất quốc phòng là 289,07 nghìn ha (tăng 45,91 nghìn ha); đất an ninh là 72,33 nghìn ha (tăng 19,62 nghìn ha); đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia là 1,75 triệu ha (tăng 412,20 nghìn ha).

Đất đô thị: Để đáp ứng mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%, quy hoạch sử dụng đất đô thị đến năm 2030 là 2,95 triệu ha, tăng 925,78 nghìn ha.

 

Trần Thường - Hương Quỳnh

Nguồn lực đất đai đang bị các nhóm lợi ích xâu xé

Nguồn lực đất đai đang bị các nhóm lợi ích xâu xé

Nhắc đến các vụ việc liên quan đến đất đai tại Bình Dương, Khánh Hoà... hay trong vụ án Vũ Nhôm, nhiều nhà khoa học cảnh báo nguồn lực của quốc gia đang bị các nhóm lợi ích xâu xé.