Trong khi phía chủ đầu tư khẳng định dự án giao thông thủy xuyên Á không gây tổn hại cho vùng hạ lưu sông Hồng thì nhiều nhà khoa học lại có quan điểm trái ngược.

Trong những ngày qua, dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng được Bộ Công Thương gọi là giao thông thủy kết hợp với thủy điện đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận bởi quy mô đầu tư của dự án lên tới hơn 1 tỉ USD và dự án này liên quan tới sông Hồng - mạch sống của sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ.

TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm phát triển tài nguyên nước và biến đổi khí hậu sẽ cùng bình luận về vấn đề này.

- Trước tiên xin hỏi ông rất nhanh, ông phản đối hay ủng hộ dự án này?

Tôi rất ủng hộ vấn đề cải thiện giao thông đường thủy. Tuy nhiên, đối với dự án này, chắc không chỉ riêng tôi mà còn rất nhiều người phản đối. Nó sẽ xây dựng hệ thống đập dày đặc trên một dòng sông rất lớn.

- Điều làm ông lo ngại nhất đối với dự án này là gì?

Thứ nhất là các dòng sông hiện đang bị chia cắt bởi rất nhiều bởi công trình thủy điện, trong khi đó sông Hồng lại là một con sông quan trọng. Đầu năm nay, chúng ta đã rất lo lắng khi hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long trở nên nghiêm trọng. Khi nhìn nhận sự phát triển ở phía thượng nguồn trong trường hợp đồng bằng sông Cửu Long ra sao thì với sông Hồng, chúng ta sẽ thấy sự lo lắng của các nhà khoa học là hoàn toàn chính đáng. Kia rất xa chúng ta đã rất lo rồi.

- Trong văn bản trình Chính phủ, Bộ KH&ĐT khẳng định mực nước dâng tại các vị trí thiết kế đập thủy điện luôn thấp hơn mực nước lũ hàng năm do đó ít gây ngập lụt, không ảnh Hưởng và hầu như không làm thay đổi so với hiện trạng, tại sao ông vẫn chưa yên tâm?

Không thể có chuyện như thế được. Một dòng sông lòng hẹp bình thường thoát lũ đã khó khăn, giờ lại xây đập có nghĩa cản trở dòng chảy, với 6 con đập như thế tưởng tượng cơn lũ sẽ chảy qua những vật cản như thế nào?

Đó là lý do tại sao có luật Nước 2012, trong đó có những điều nghiêm cấm không được làm cản trở, không được xây dựng các vật cản, xây dựng các công trình kiến trúc trên sông.

Trả lời lo ngại của TS. Đào Trọng Tứ, đại diện phía nhà đầu tư - ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó TGĐ phụ trách đầu tư của Công ty Xuân Thiện.

- Thưa ông Hoàng, các chuyên gia lo ngại 6 chiếc đập này sẽ làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp vùng hạ du. Lợi ích kinh tế của dự án này không thể bù đắp được với những thiệt hại của sản xuất nông nghiệp? Với tư cách chủ đầu tư, ông có thể đảm bảo dự án này không làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp vùng hạ du?

Ông Nguyễn Huy Hoàng: Các chuyên gia lo ngại là đúng. Tuy nhiên, nếu họ đọc và nghiên cứu kỹ hồ sơ của chúng tôi đưa ra sẽ thấy rõ 6 đập này khi hình thành sẽ có mực nước dâng trong dập thấp hơn nước lũ hàng năm khi chưa có đập.

Những con đập này phát huy tác dụng chủ yếu vào mùa khô, nhằm nâng cao mực nước mùa khô lên 2,5m, đảm bảo cho tàu thuyền đi lại quanh năm. Vào mùa lũ, mở tất cả các cánh van để trả lại mặt cắt thoát lũ và phù sa cho dòng sông như lúc chưa có đập. Thậm chí, đáy cửa van còn sâu hơn đáy sông hiện hữu nên không xảy ra chuyện ngập lụt, lắng đọng phù sa.

Vì vậy, 6 đập này không ảnh hưởng tới dòng chảy và sản xuất nông nghiệp của vùng hạ du.

- Thưa ông Đào Trọng Tứ, ông bình luận như thế nào vì lập luận vừa rồi của chủ đầu tư?

Ông Đào Trọng Tứ: Rất tiếc tôi không có thời gian tranh luận với ông Hoàng. Có rất nhiều vấn đề trong lập luật ông Hoàng đưa ra, như câu chuyện ngưỡng đập thấp hơn mực nước lũ hiện tại chẳng hạn thì sẽ tốt hơn, tôi cũng không tưởng tượng được rồi mùa lũ sẽ như thế nào. Rồi vấn đề làm cống xả đáy thấp hơn cả đáy sông hiện tại. Trong dự án có nạo vét 288km, sau nạo vét lại xây đập...

Cho tới thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vì chưa đủ căn cứ và cơ sở theo quy định của pháp luật. Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ xem xét dự án sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng được quy hoạch tổng thể việc khai thác trên sông Hồng. Trong lúc đó, dự án giao thông thủy xuyên Á vẫn được các nhà khoa học và cơ quan chức năng nghiên cứu, mổ xẻ thêm.

Theo VTV