Ông Đặng Đình Ninh kể: 

9h tối 13/6/1957, tôi được gọi lên Sở chỉ huy sân bay Gia Lâm. Tại đây, ông Đặng Tính, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng hỏi khá cặn kẽ về tình trạng kỹ thuật những chiếc máy bay do tôi phụ trách. Đó là 6 chiếc máy bay đầu tiên của nước ta, sơn phù hiệu cờ đỏ sao vàng trên đôi cánh bạc. 

Sau khi nghe báo cáo, anh Tính nói: “Chúng ta có nhiệm vụ đưa một cán bộ cao cấp vào Vinh và Đồng Hới. Cục quyết định chọn chiếc Li-2 số 203 làm việc này. Ngày mai các đồng chí cho kiểm tra lại thật kỹ, thay xăng dầu mới, bay thử hai vòng rồi tổ chức canh gác cẩn thận để ngày kia cất cánh”. 

{keywords}
Bác Hồ chụp ảnh kỷ niệm với tổ bay Li-2, số hiệu 203 trong chuyến bay về thăm Quảng Bình. Ảnh tư liệu

Mỗi tuần chúng tôi đều thực hiện ba chuyến bay từ Gia Lâm vào Vinh và Đồng Hới, đã chở nhiều cán bộ cao cấp nhưng chưa lần nào phải chuẩn bị kỹ như thế này... mà chiếc Li 203 là máy bay mới nhận, sao phải cẩn thận đến thế? 

Nhiệm vụ quan trọng

Tuy Cục trưởng không nói ra nhưng tôi cảm giác mình sắp được thực hiện nhiệm vụ quá quan trọng và trong tôi thầm nghĩ rằng sẽ là chuyến bay đưa Bác Hồ đi công tác. Cả ngày hôm sau, Ban cơ vụ làm việc hết mình kiểm tra tình trạng máy bay theo nội dung chuyên cơ đặc biệt. Buổi chiểu, sau khi bay thử, tôi đến báo cáo và nhận được lệnh của Cục trưởng: "Từ giờ đến lúc cất cánh, nhân viên tổ lái không được rời khỏi máy bay”.

Đến đây, ý nghĩ và mong ước của tôi lại bừng lên. Đúng rồi, chỉ có máy bay chở Bác Hồ mới được bảo đảm an toàn cao như thế, vậy là ước mong bao lâu nay thành hiện thực. 

Ngoài phi công, tổ cơ vụ trên máy bay gồm có Ngô Địch Thanh (thợ máy), Trần Tê (báo vụ viên) và tôi được chỉ định làm tổ trưởng. Sáng ngày 15, cất cánh từ Gia Lâm. Khác với mong mỏi, lúc này chỉ có Cục trưởng Đặng Tính đi cùng. Khi bay qua Phủ Lý, anh mới cho biết: “Bác đã đi ô tô vào Vinh từ mấy hôm trước. Hôm nay mình vào, ngày mai sẽ đón Bác đi Đồng Hới”. 

Sáng 16, tổ lái ra sân bay thật sớm, kiểm tra kỹ rồi bay thử một vòng. Còn hơn tiếng đồng hồ nữa mới được làm nhiệm vụ đặc biệt. Một tiếng thật dài, ai cũng bồn chồn, mắt luôn nhìn ra phía cổng sân bay. Giờ chờ đợi đã đến, một chiếc com măng ca mui trần từ từ tiến vào đường băng, trên xe chỉ có hai người, lái xe và người bên cạnh mặc áo ka ki màu vàng, đội mũ cát két. Mọi người lại ngóng ra cổng.... Bỗng có ai đó reo lên: Bác Hồ! Bác đến, Bác đến!

Nhà khách sân bay nhộn nhịp hẳn lên, ai cũng muốn được gần Bác. Ai đó nói lên “Bác tài thật, đồng bào thành phố Vinh biết tin nên đã đứng chật hai bên đường, khi thấy đoàn xe đi qua vây kín, mong được  nhìn thấy Bác, không ai ngờ Bác lại ở chiếc xe đầu”.

Giờ cất cánh đã đến. Cờ tín hiệu giơ cao, tổ lái vào vị trí, chỉ còn tôi đứng chờ ở cửa. Bác đến gần, tươi cười hỏi: “Các chú chuẩn bị xong rồi chứ?”. Tôi lễ phép: “Thưa Bác xong rồi, mời Bác lên ạ”. Thang lên máy bay thời ấy rất mỏng manh, tôi vội vàng cầm tay đỡ Bác lên, cảm xúc ấy đến giờ tôi vẫn không quên.

Cùng đi với Bác có đồng chí Vũ Kỳ, bác sĩ Bảo, một đồng chí bảo vệ, một chiến sĩ cần vụ và hai nhà quay phim trẻ tuổi. Bác ngồi ở hàng ghế đầu, trước mặt là chiếc bàn nhỏ có mấy tờ hoạ báo. Anh Tính ngồi ghế sau. Trời nóng, Bác phải cởi áo kaki bạc màu, để lộ hai cánh tay gầy nhưng rắn chắc.

Khi bay qua vùng biển Hà Tĩnh, dưới nắng hè chói chang, mặt biển thật lấp lánh, thấy rõ những con thuyền đánh cá. Đang chuyện trò vui vẻ, Bác dừng lại đọc câu Kiều: “Buồn trông cửa bể chiều hôm/Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”.

Cục trưởng nhìn theo tay Bác, dừng một lát rồi lẩy mấy câu: “Bác về thăm lại quê nhà/Năm mươi năm ấy nay đà đổi thay”. 

Sau 45 phút bay, chúng tôi đã đưa Bác đến Đồng Hới, Cục trưởng lệnh cho máy bay lượn vòng quanh thị xã để Bác nhìn quang cảnh phía dưới. Nhưng chỉ một lúc, rồi đôi mắt Người đăm chiêu, dõi ra xa, về phương nam. Mấy phút bay nữa là đến sông Bến Hải, ở bên kia giới tuyến tạm thời đồng bào “đang chìm trong lửa bỏng nước sôi”. Tôi biết Người đang nghĩ về miền Nam. 

Máy bay hạ cánh, Bác đến thẳng sân vận động để nói chuyện với đồng bào, tối hôm đó Người làm việc với Tỉnh uỷ Quảng Bình và gặp các cán bộ lão thành.

Theo kế hoạch, 7 giờ sáng hôm sau chúng tôi sẽ đưa Bác về Hà Nội, nhưng từ chập tối, tất cả đứng ngồi không yên. Bên khí tượng thông báo: khoảng 8 giờ mai sẽ có dông xuất hiện trên dọc đường bay từ Đồng Hới ra Hà Nội. Suy nghĩ mãi, nửa đêm anh Tính gọi điện vào tỉnh uỷ, xin phép xuất phát từ 5 giờ. 

Món quà đặc biệt của Bác 

4h30, khi chúng tôi vừa kiểm tra xong thì ô tô đưa Bác đến. Anh Tính mời Bác vào phòng khách nhưng Người vẫy chúng tôi ngồi lại trên vạt cỏ còn ướt đẫm sương đêm. Bác hỏi tuổi, quê quán từng người rồi Bác dặn: “Bây giờ nước ta còn nghèo, chưa có nền khoa học hiện đại, các chú phải cố gắng học tập để làm chủ kỹ thuật, phục vụ cho một ngành hàng không tiên tiến”. 

Chúng tôi cất cánh, đưa Bác về Hà Nội. Hai ngày sau, tổ bay được đón sang Phủ Chủ tịch, tại đây Bác đã dành hẳn một giờ để tiếp chúng tôi. Quanh chiếc bàn kê trong vườn, Bác hỏi chuyện từng người, động viên cố gắng học tập, công tác tốt.

Lúc chia tay, tôi bùi ngùi nhìn đôi mắt thâm quầng của Người, rồi chợt thốt lên câu chào: “Bác nghỉ ạ”. Nhìn tôi,  Bác cười đôn hậu: “Bác phải đi làm việc chứ”.

Tuần sau đó, vào ngày 22/6/1957, tôi nhận được phong bì dày cộp trong đó có 8 tấm ảnh lớn, chụp anh em chúng tôi đang quây quần quanh Bác và bức thư nội dung: “Chánh văn phòng Phủ Chủ tịch gửi đồng chí Đặng Đình Ninh. Nhờ đồng chí chuyển đến anh em có mặt trong ảnh này mỗi người một tấm. Đây là quà của Bác gửi tặng”.

Ôi tình cảm của Người sao mà bao la lại gần gũi đến thế. Gần 50 năm, nét ảnh dẫu có phai mờ, nhưng trong tôi, ký ức về Bác không thể mờ phai. 

Thanh Lê (Theo lời kể của ông Đặng Đình Ninh)

Bức điện mật khi Bác Hồ qua đời trong ký ức nguyên Phó Thủ tướng

Bức điện mật khi Bác Hồ qua đời trong ký ức nguyên Phó Thủ tướng

 Tôi không bao giờ quên tâm trạng bàng hoàng vào buổi tối 2/9/1969 khi cầm trên tay bức điện mật từ trong nước báo tin dữ.