Sáng 11/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại đơn vị số 10 (Đoàn ĐBQH TP.HCM) đã có buổi tiếp xúc với cử tri huyện Củ Chi.

Tổ đại biểu số 10 (huyện Hóc Môn - Củ Chi) gồm các đại biểu: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ; Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM.

{keywords}
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tiếp xúc cử tri

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri huyện Củ Chi đặt ra nhiều vấn đề với tổ ĐBQH, như: cần nhanh chóng phục hồi kinh tế khi đã cơ bản kiểm soát dịch; vấn đề đưa và đón lao động trở lại; vấn đề tiêm vắc xin cho trẻ em….

Trao đổi với cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Củ Chi là một trong hai địa phương đầu tiên kiểm soát được dịch Covid-19 bằng các biện pháp hiệu quả và quyết liệt. Do đó, số người nhiễm và tử vong trên địa bàn huyện rất thấp.

“Huyện chỉ còn một xã (còn ca nhiễm), sẽ thành vùng xanh cả huyện. Trong đại dịch, huyện cũng đã thể hiện được tinh thần “đất thép” cùng đoàn kết phòng, chống dịch có hiệu quả như hôm nay”, Chủ tịch nước chia sẻ.

Theo Chủ tịch nước, hôm nay có 12 ý kiến chính thức trình bày với tổ ĐBQH. Các ý kiến rất tâm huyết, vì trách nhiệm chung và lợi ích chung của huyện và TP. Tổ đại biểu sẽ tập hợp các ý kiến, để có trình bày, góp ý trong các kỳ họp của Quốc hội.

Chủ tịch nước cũng ghi nhận kết quả nỗ lực của huyện Củ Chi trong việc thực hiện mục tiêu kép, giữ được tốc độ tăng trưởng khá, góp phần phát triển kinh tế TP. Đó là nỗ lực lớn của hệ thống chính trị huyện và sự đoàn kết của nhân dân cùng chung tay cho thành quả hiện có.

Theo Chủ tịch nước, thời gian qua, Bộ Chính trị có nhiều phiên họp để đưa ra các biện pháp thực hiện: chuyển chiến lược phòng, chống dịch từ "zezo Covid-19" sang thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch hiệu quả… Chủ trương này rất phù hợp với tình hình dịch bệnh và phù hợp với TP.HCM.

Đối với TP.HCM, Chủ tịch nước yêu cầu khi đã phủ rộng vắc xin thì cần thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch an toàn vừa phục hồi kinh tế.

“Không để TP.HCM rơi vào khủng hoảng sâu về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của nhân dân”, Chủ tịch nước lưu ý.

Người đứng đầu Nhà nước cũng cho biết, kinh nghiệm thích ứng vẫn phải là vắc xin và thực hiện nguyên tắc 5k.

Qua đó, Chủ tịch nước đề nghị bà con Củ Chi và TP.HCM cần nâng cao cảnh giác với dịch bệnh. Khi có vắc xin thì tiêm ngay, để cơ bản phủ rộng vắc xin cho người dân.

Vắc xin cho trẻ em được quan tâm đặc biệt

Trước vấn đề kiến nghị sớm tiêm vắc xin cho trẻ em, Chủ tịch nước cho biết, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm vấn đề này. Bộ Y tế cho biết, dự kiến cuối tháng 10 sẽ tiêm vắc xin cho trẻ em dưới 18 tuổi.

{keywords}
Cử tri phát biểu

Chủ tịch nước cũng nhắc lại, qua chuyến đi thăm Cuba vừa qua, Việt Nam đã đặt mua 10 triệu liều vắc xin, trong đó dành 5 triệu liều cho trẻ em.

Đoàn cũng đã làm việc với doanh nghiệp Mỹ, họ cam kết sẽ cung ứng 20 triệu liều vắc xin Pfizer cho trẻ em, cùng với việc mua của một số hãng khác.

“Đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề vắc xin cho trẻ em. Cuối tháng 10 này có thể tiêm cho trẻ nếu vắc xin về đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn cho học sinh khi mở cửa trường học”, Chủ tịch nước cho biết.

Chủ tịch nước cũng thông tin, Chính phủ đã chi gần 3.000 tỷ đồng bổ sung mua 20 triệu liều vắc xin cho trẻ em theo kế hoạch.

Pháo đài không phải là biệt lập

Về vấn đề phòng chống dịch, trước việc cử tri phản ánh “pháo đài” mỗi nơi làm một kiểu, gây khó khăn cho việc đi lại của bà con.

Trao đổi lại, Chủ tịch nước cho rằng khi nói mỗi xã, phường là một pháo đài, nghĩa là chúng ta đề cao vai trò của cấp cơ sở trong cuộc chiến với dịch Covid-19, chứ không phải hiểu pháo đài là biệt lập rồi ngăn sông, cấm chợ.

{keywords}
Tổ đại biểu tiếp xúc cử tri tại huyện Củ Chi

“Nhận thức không đúng, mỗi nơi làm một kiểu thì làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, làm đứt gãy các hoạt động kinh tế, giao thông đi lại”, Chủ tịch nước lưu ý.

Với huyện Củ Chi, Chủ tịch nước đề nghị đã kiểm soát dịch rồi thì cần nỗ lực sớm thoát khỏi dịch. Đẩy nhanh mục tiêu phục hồi sản xuất, các hoạt động kinh tế. Trong đó, cần phối hợp với các địa phương để bảo đảm an toàn về y tế và có phối hợp lưu thông hàng hóa, đi lại thuận lợi.

Trước ý kiến yêu cầu ĐBQH đề xuất củng cố hệ thống y tế cơ sở, Chủ tịch nước cam kết sẽ tiếp tục có ý kiến với TP và Bộ Y tế, quan tâm đầu tư củng cố y tế cơ sở về vật tư và nhân lực. Đặc biệt, xem xét cơ cấu y tế phù hợp với hệ thống y tế cơ sở.

Theo Chủ tịch nước, y tế cộng động, y tế gia đình, y tế cơ sở là rất quan trọng, nhất  là trong quá trình bùng phát dịch Covid-19 thể hiện rất rõ vấn đề này.

“Đã là vùng xanh cơ bản, Củ Chi không được để lỡ cơ hội phát triển; cần cải thiện thủ tục hành chính; làm tốt hơn việc giảm thủ tục hành chính; tiếp tục hoàn chỉnh hạ tầng, đào tạo nguồn lao động, phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn”, Chủ tịch nước yêu cầu.

Theo đó, Củ Chi phải phấn đấu tạo ra trung tâm cây, con giống cùng với Hóc Môn hoàn thành trách nhiệm này; đi sâu vào việc phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.

Đi liền đó là phục hồi phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và sinh kế cho người dân. 

Chủ tịch nước: Đỉnh dịch TP.HCM đã qua nhưng không được chủ quan

Chủ tịch nước: Đỉnh dịch TP.HCM đã qua nhưng không được chủ quan

Đỉnh dịch ở TP.HCM đã qua nhưng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không được chủ quan khi số người tử vong còn cao, người bệnh nặng đang điều trị còn nhiều.

Hồ Văn