Ngày 28/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thăm, nói chuyện thân mật với các cán bộ, nhân viên Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva và các chuyên gia Việt Nam đang làm việc tại các tổ chức quốc tế tại Thụy Sĩ.

Trụ sở Phái đoàn được thiết kế theo phong cách Việt Nam, mô phỏng Khuê Văn Các, bên ngoài toà nhà Phái đoàn màu đỏ giống màu cờ Tổ quốc với biểu tượng Quốc huy là điểm nhấn nổi bật. Trụ sở là nơi làm việc của 21 cán bộ, nhân viên ngoại giao Việt Nam.

{keywords}
Chủ tịch nước và Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tại Phái đoàn

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cho biết, Geneva là địa điểm nước ngoài có sự gắn bó lâu dài với lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước của Việt Nam, đây là nơi ghi nhận Hiệp định Geneva 1954 - chiến thắng ngoại giao đa phương vì hòa bình của ngành ngoại giao Việt Nam nổi tiếng thế giới. Geneva còn là nơi đặt trụ sở của gần 40 tổ chức quốc tế, cơ quan liên Chính phủ.

Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam được thành lập năm 1974 chỉ sau 3 năm Việt Nam-Thuỵ Sĩ thiết lập quan hệ ngoại giao, đến năm 1977 thì Việt Nam trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc

Đại sứ nêu rõ chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa mang dấu ấn quan hệ song phương, vừa mang dấu ấn quan hệ đa phương, thể hiện mạnh mẽ quan điểm của Việt Nam đối với các vấn đề đa phương, phát triển bao trùm và bền vững; duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Chuyến thăm truyền đi thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam - đó là đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các công việc chung của Liên Hợp Quốc và thế giới. 

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng cho biết lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva đều dành tình cảm tốt đẹp cho đất nước, con người Việt Nam và nồng nhiệt chào đón, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức chuyến thăm của Chủ tịch nước đến Liên Hợp Quốc. Mặc dù chỉ làm việc tại Geneva khoảng một ngày nhưng đoàn có tới 10 hoạt động.

Vui mừng khi đến thăm cán bộ nhân viên Phái đoàn tại Geneva và trò chuyện với các chuyên gia Việt Nam đang làm việc tại các tổ chức quốc tế tại Thụy Sĩ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chuyến thăm Thụy Sĩ nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, mở ra một chương mới.

"Nước ta đang phát triển, với đường lối đa dạng hoá, đa phương hoá, đặc biệt thực hiện Chỉ thị 25 của Ban Bí thư Trung ương về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Do đó, chuyến thăm Văn phòng Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế tại Geneva có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

{keywords}
Chủ tịch nước phát biểu tại cuộc gặp mặt.

Chủ tịch nước biểu dương, đánh giá cao những cán bộ ở phái đoàn đã khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, những đóng góp tích cực của Phái đoàn và các chuyên gia đối với thành tích đối ngoại chung của cả nước trong những năm qua. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Phái đoàn vẫn hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó... 

"Chúng ta đã phối hợp tốt trong vấn đề vắc xin, COVAX đã hỗ trợ Việt Nam tiếp cận được vắc xin, đây là ví dụ điển hình, ngoài ra còn nhiều hoạt động khác...", Chủ tịch nước dẫn chứng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cán bộ, nhân viên Phái đoàn và chuyên gia Việt Nam tại các tổ chức quốc tế phải nỗ lực cố gắng làm hết sức mình, làm sao cho xứng đáng với “2 chữ Việt Nam”. Ông lưu ý các cán bộ cần không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, đoàn kết trong công việc. Qua đó, đóng góp cho việc thu hút nguồn lực đa phương hỗ trợ Việt Nam qua các sáng kiến, dự án nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi của nền kinh tế và hướng đến việc hoàn thành thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cán bộ luôn trau dồi chuyên môn và kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm để gia tăng đội ngũ chuyên gia làm việc tại các tổ chức quốc tế, đóng góp vào công tác của các tổ chức và thể hiện vai trò, tiếng nói tại các tổ chức quốc tế, khẳng định hình ảnh và sức mạnh mềm của tri thức và trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế.

Trần Thường từ Geneva, Thuỵ Sĩ

Việt Nam đi đầu, là hình mẫu chống biến đổi khí hậu

Việt Nam đi đầu, là hình mẫu chống biến đổi khí hậu

Bà Tatiana Valoya, Tổng Giám đốc Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Geneva nhận định, Việt Nam là nước đang phát triển nhưng thể hiện vai trò đi đầu và là hình mẫu trong chống biến đổi khí hậu