- Việc Thủ tướng thể hiện quyết tâm cải cách hành chính, xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ không làm tôi ngạc nhiên. Với trải nghiệm của mình, ông đã quá hiểu điều gì đang cản trở đất nước.

Thủ tướng: Kiên quyết xóa lợi ích nhóm chi phối chính sách

LTS: VietNamNet giới thiệu bài viết của nguyên Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Lâm về cải cách hành chính:

Bước vào nhiệm kỳ 2016-2021, những khuyết tật cố hữu của một nền hành chính vẫn mang nặng tính quan liêu, bảo thủ, phiền hà, chia cắt bộc lộ rõ. Dư luận xã hội đồng loạt lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu phải có sự cải cách thật sự.

Trong bối cảnh đất nước tham gia hội nhập sâu vào các nền kinh tế thế giới, hệ thống thể chế, hệ thống thủ tục hành chính rườm rà, khác biệt cùng phương thức quản lý, tổ chức bộ máy, phong cách, lề lối làm việc xưa cũ bắt buộc phải được thay đổi một cách căn bản, nếu không sẽ là lực cản trên con đường xây dựng đất nước.

{keywords}
Ảnh minh họa

Tình hình đó đặt trách nhiệm lên vai Chính phủ khóa mới, và đó là một công việc không hề đơn giản, yêu cầu phải có sự dũng cảm, kiên quyết vì lực cản sẽ ở ngay trong chính nội bộ các cơ quan hành pháp.

Việc lựa chọn công việc để đột phá và việc tổ chức lại các đầu mối cơ quan làm công tác cải cách hành chính là hai trong số các công việc cần thiết nhất mà Chính phủ cần phải triển khai ngay. Rất đáng mừng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định theo định hướng đó.

Công khai, minh bạch

Tôi được biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người đã có một số biện pháp cải cách từ thời ông là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. 

Khi làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, ông là kiến trúc sư trưởng của Đề án 30 - một Đề án cải cách hành chính mà tôi đồng tình với cách đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là “thành công nhất từ trước tới nay ở Việt Nam”, chí ít cũng là lần đầu tiên chúng ta công khai, minh bạch, sắp xếp được “một rừng” thủ tục hành chính vào các bộ thủ tục hành chính một cách gọn gàng trong từng Bộ, ngành, tỉnh, huyện, xã; đơn giản hóa trên 4000 thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền.

Do vậy, việc Thủ tướng thể hiện quyết tâm cải cách hành chính, xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ không làm tôi ngạc nhiên. Với trải nghiệm của mình, ông đã quá hiểu điều gì đang cản trở sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Một trong những hành động đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, ông đã chủ trì một cuộc họp rộng mở với giới doanh nhân trong, ngoài nước, những người đã và sẽ có vai trò quyết định đối với sự phát triển của đất nước trong quá khứ, hiện tại và tương lai, những người đang có nhiều uẩn ức về một nền hành chính mà các thủ tục hành chính tầng tầng lớp lớp được ban hành rõ ràng chỉ để nhằm quản lý chặt chẽ hơn với họ, bó buộc họ. Ông đã lắng nghe, thấu hiểu và có thông điệp tại chỗ.

Ngay sau đó, ngày 16/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Lâu rồi tôi mới thấy một văn bản phát hành từ Chính phủ có chất lượng hiện thực, ít sáo ngôn như vậy.

Trong đó, đáng chú ý là giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ rà soát, sửa đổi, xây dựng một loạt các dự thảo văn bản pháp quy cho phù hợp với những đổi mới mang tính cải cách của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Và điều tôi đánh giá cao nhất là Điểm đ khoản 2 Điều II, xin trích nguyên văn: “Đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng chính phủ điện tử và kiểm soát thủ tục hành chính, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ”.

Đây là một chủ trương đúng đắn. Chúng ta biết rằng, cải cách thủ tục hành chính được Chính phủ xác định là nhiệm vụ quan trọng từ năm 1994, nghĩa là sau 8 năm đổi mới, đến năm 2001, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 được ban hành, tiếp theo là Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 ra đời với những nội dung chưa có nhiều đột phá.

Kết quả việc thực hiện các chương trình đó rõ ràng không thể nói là cao vì nền hành chính của chúng ta gần 20 năm qua vẫn như vậy, rời rạc và phiền hà. 

Dấu ấn đáng kể nhất chính là việc công khai, minh bạch và đơn giản các bộ thủ tục hành chính từ trung ương xuống địa phương theo Đề án 30 và việc Bộ Nội vụ triển khai cơ chế một cửa tại trụ sở cơ quan hành chính các cấp.

Thất bại khi không kiên định, dũng cảm

Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho công tác cải cách hành chính ì ạch, ít dấu ấn cải cách là do việc chỉ đạo, điều hành công tác này còn phân tán, chồng chéo, thiếu tập trung, thống nhất. Bộ, ngành nào cũng làm cải cách hành chính nhưng cuối cùng, kết quả không được như mong muốn. 

Bản tính cục bộ, bản vị cố hữu của người Á Đông không cho phép ai lại tự cắt bỏ, giảm bớt quyền lực đi liền với lợi ích của mình, của cơ quan mình.

Đầu mối chính thức làm cải cách hành chính hiện nay có: Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm cải cách hành chính chung; Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm về cải cách thủ tục hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính nhưng việc giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa lại do Bộ Nội vụ theo dõi, Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông cùng chịu trách nhiệm xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông là chính.

Nói tóm lại là rất loằng ngoằng, chồng chéo và rõ ràng là không có một đầu mối thống nhất, không có một trung tâm đủ mạnh để người đứng đầu Chính phủ có thể trực tiếp giao nhiệm vụ thực hiện ý chí chính trị của mình.

Cải cách hành chính, bản thân nó là một công việc va chạm, yêu cầu phải có sự kiên định, dũng cảm, nếu không do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo thì chắc chắn thất bại, mọi ý chí cải cách chỉ là nỗ lực hình thức. Bài học cải cách hành chính từ các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan,… đều như vậy.

Tổ công tác thực hiện Đề án 30 khi đó, nếu không phải là Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trực tiếp qua Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thì chắc chắn là Tổ công tác đó cũng sẽ chỉ lập để cho vui.

Từ những suy nghĩ trên, tôi cho rằng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quyết tâm của Chính phủ về đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính là một chủ trương đúng đắn, sáng suốt, hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và nếu trở thành hiện thực, sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của đất nước trong giai đoạn mới.

Nguyễn Văn Lâm
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ