- Trao đổi với báo chí bên lề QH sáng nay về việc xử lý kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đang bàn. Chiều nay Ban cán sự Đảng CP họp tiếp để xem xét.

Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, Bộ Nội vụ đã có báo cáo đề xuất nhưng có nhiều phương án cần phải bàn thêm nên chưa quyết được.

{keywords}
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

“Chính phủ đang thảo luận để thống nhất phương án báo cáo Ban Bí thư, Bộ Chính trị chứ không thể nói cách chức nguyên Bộ trưởng được, rất thiếu khả thi”, Chủ nhiệm VPCP nói.

Việc này còn liên quan đến cơ sở pháp lý, luật pháp. Kỷ luật nhưng phải đảm bảo đúng pháp lý vì còn liên quan đến nhiều việc. Ví dụ, khi nói cách chức Bộ trưởng thì tính pháp lý của tất cả những văn bản của những người đã ký ban hành suốt thời gian đó thế nào, còn tư cách Bộ trưởng không.

Vậy cần phải tính biện pháp nào cho phù hợp để đồng bộ giữa quyết định xử lý kỷ luật bên Đảng với bên chính quyền và cũng phải đúng với quy định, pháp lý nữa.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong số các phương án được đề xuất, chưa thấy phương án nào nổi lên, tối ưu. Chính phủ đang phải bàn thêm. Đây là vấn đề thận trọng không thể vội vàng được.

Tuy nhiên ông cũng khẳng định: “Chắc cũng sẽ phải xong sớm, tiến hành sớm”

Bên QH cho biết đang chờ ý kiến từ bên Chính phủ?

Đúng vậy nên Thủ tướng cũng quán triệt quan điểm phải làm sớm thôi. Giờ đang bàn mấy phương án cơ quan tham mưu đề xuất nhưng phải rất thận trọng vì việc này chưa có tiền lệ.

Đặc biệt là thể chế, pháp luật của mình có gì đó chưa rõ thì phải bổ sung rồi mới thực hiện được để cho chuẩn mực về pháp lý chứ cũng không thể đùa được.

Cái gì chưa có thì phải bổ sung vì không phải chỉ để xử lý trường hợp này mà còn các trường hợp khác về lâu dài nữa.

Việc này rất khó

Tức là phải tính đến việc sửa luật, bổ sung quy định pháp luật mới xử lý?

Có chứ, phải hoàn thiện quy định chứ không thể nào nghĩ đâu làm đó được.

Được biết UB Pháp luật của QH có tham gia họp cùng Bộ Nội vụ để nghiên cứu đưa ra các hướng đề xuất xử lý rồi nhưng vẫn chưa chốt được vì việc này còn liên quan đến thẩm quyền.

Với chức vụ Bộ trưởng thì phê chuẩn thuộc thẩm quyền QH, bổ nhiệm là thẩm quyền của Chủ tịch nước. Theo nguyên tắc, ai bổ nhiệm thì người đó có quyền cách chức. Mà giờ cả người bổ nhiệm và người được phê chuẩn, bổ nhiệm đều đã nghỉ rồi.

Ngay việc Thủ tướng ký quyết định xử lý kỷ luật Bộ trưởng cũng không đúng, đó không phải là thẩm quyền của Thủ tướng.

Ví dụ, phó chủ tịch UBND tỉnh vi phạm pháp luật thì tỉnh đó cũng không có thẩm quyền ký quyết định kỷ luật được mà phải là thẩm quyền của Thủ tướng. Vì Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu cử với các chức danh này của địa phương đưa lên. Vậy nên khuyết điểm nếu có phải từ HĐND xem xét nhưng về phía chính quyền thì Thủ tướng phải xem xét từ đề xuất của HĐND.

Việc này rất khó là vì thế.

Nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão: Nên điều tra để xử lý được ông Vũ Huy Hoàng

{keywords}
Nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão. Ảnh: Phạm Hải

Theo tôi, Đảng nên giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu việc điều tra, xem xét mức độ vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng như thế nào. 

Trên cơ sở điều tra của Công an, Thanh tra Chính phủ, Viện kiểm sát, Kiểm toán… để có hướng xử lý đầy đủ, toàn diện.

Ví dụ, sai phạm chỉ ở mức độ trách nhiệm thì xử lý theo mức độ trách nhiệm. Nếu là những vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo pháp luật hình sự. 

Theo Hiến pháp, các quy định pháp luật, chưa có quy định việc kỷ luật 1 vị đã từng là Bộ trưởng, do QH phê chuẩn mà giờ đã thôi chức vụ rồi, không còn chức vụ đó nữa.

Việc kỷ luật để cách chức khi không còn chức nữa chưa có trong quy định của chúng ta. Mà đã chưa có quy định pháp luật thì không thể làm được và không nên làm như thế.

Do đó, việc điều tra xem xét kết luận xem vi phạm đến đâu là cần thiết. Khai trừ Đảng vẫn là biện pháp cần nếu xác định vi phạm ở mức độ như vậy và khi đã khai trừ Đảng thì tất cả những chức vụ, chức danh đã có đều không còn ý nghĩa.

Thu Hằng - Hồng Nhì