- Ngày 1/4/1975, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền nhận được điện của anh Lê Duẩn truyền đạt nội dung Nghị quyết Bộ Chính trị họp ngày 31/3/1975 - trích hồi ký của Đại tướng Lê Đức Anh.

 

VietNamNet trân trọng giới thiệu một số đoạn trích chương 8: Chỉ huy cánh quân hướng Tây - Tây Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh, trong Hồi ký Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh:

Sau khi hoàn thành chuẩn bị chiến lược cả về thế và lực, cả ở miền Bắc và miền Nam, cuộc tổng tiến công chiến lược của ta đã mở đầu. Ngày 4/3/1975, ta thực hiện cắt đường 19, đánh một số mục tiêu ở Pleiku để nghi binh tạo thế chiến dịch Tây Nguyên. Sáng ngày 10/3, ta đánh Buôn Ma Thuột, mở đầu chiến dịch Tây Nguyên, cũng là mở cửa đột phá của cuộc tổng tiến công và nổi dậy chiến lược mùa Xuân 1975. Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên.

Ngày 14/3, Nguyễn Văn Thiệu quyết định rút khỏi Tây Nguyên về Nha Trang, giữ đồng bằng. Ý định của địch là tháo chạy theo các đường 21, 19, 14, nhưng các con đường này đã bị ta chiếm giữ, địch buộc phải rút theo đường 7 đi Cheo Reo. Đến 19 giờ ngày 16/3, Đại tướng Văn Tiến Dũng điện cho Bộ Tư lệnh Quân khu 5: "Địch rút chạy trên đường 7, tổ chức truy kích ngay"; cho lực lượng vũ trang Phú Yên kịp thời tổ chức đánh địch. Cuộc rút lui của địch bị bộ đội địa phương tỉnh Phú Yên đánh tan rã và bắt sống. Ngày 16/3, lực lượng địa phương giải phóng Kon Tum, ngày 18/3, giải phóng Pleiku. Đến ngày 24/3, quân ta giải phóng Tây Nguyên.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột và cả Tây Nguyên tạo ra bước phát triển nhảy vọt cả về thời cơ và thế chiến lược mới. Ngày 25/3, lực lượng quần chúng ở cả 3 vùng chiến lược đã trong tư thế sẵn sàng phối hợp với bộ đội chủ lực thực hiện ba mũi giáp công (chính trị, quân sự, binh vận và địch vận)...

...Sau khi giải phóng Tây Nguyên, Huế, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, thì lực lượng Quân khu 7, Quân khu Sài Gòn - Gia Định, Quân khu 8, Quân khu 9 đã bám sát trong và ngoài đô thị với tư thế sẵn sàng phối hợp với quân chủ lực thực hiện ba mũi giáp công, giải phóng toàn miền Nam.

 

{keywords}

Trung tướng Lê Đức Anh - Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh (ngoài cùng bên phải hàng đứng) - chụp ảnh cùng các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng... dự hội nghị tổng kết chiến dịch Hồ Chí Minh tại Đà Lạt, Lâm Đồng, cuối năm 1975

Ngày 1/4/1975, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền nhận được điện của anh Lê Duẩn truyền đạt nội dung Nghị quyết Bộ Chính trị họp ngày 31/3/1975:

"Gửi: Anh Bảy Cường, anh Sáu, anh Tuấn,

Bộ Chính trị đã họp ngày 31/3/1975 nghe Quân ủy Trung ương báo cáo tình hình phát triển của cuộc tổng tiến công của ta trong ba tuần qua, đặc biệt trong thời gian gần đây.

Bộ Chính trị nhận định:

1. Tiếp theo thắng lợi lớn của ta ở khu IX và giải phóng tỉnh Phước Long ở miền Đông Nam Bộ, cuộc tổng tiến công chiến lược của ta trên thực tế đã bắt đầu với việc đánh chiếm Tây Nguyên và trong một thời gian rất ngắn đã giành được những thắng lợi cực kỳ to lớn.

Chúng ta đã tiêu diệt và làm tan rã trên 35% sinh lực địch, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hai quân đoàn địch, tiêu diệt khoảng 40% các binh chủng kỹ thuật hiện đại, thu và phá hơn 40% cơ sở vật chất hậu cần, giải phóng 12 tỉnh, đưa tổng số dân vùng giải phóng lên gần 8 triệu.

Đặc biệt trong trận Đà Nẵng, đã thực hiện được kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng do có những nhân tố mới là: nhân dân căm phẫn địch cao độ chỉ chờ cơ hội là vùng dậy, đại bộ phận sĩ quan và binh lính địch mất hẳn tinh thần chiến đấu. Quân và dân mặt trận Quảng - Đà đã lập được một chiến công xuất sắc: chỉ trong 30 giờ từ khi nổ súng, với lực lượng ít hơn địch, đã kịp thời, táo bạo, tiến công và nổi dậy đánh chiếm căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất của quân ngụy ở miền Nam.

Qua những chiến thắng nói trên, các lực lượng vũ trang ta đã lớn mạnh vượt bậc: bộ đội thương vong ít, tinh thần và trình độ chiến đấu được nâng lên rõ rệt; vũ khí, đạn dược tiêu hao không đáng kể, ta lại thu được một khối lượng rất lớn vũ khí, đạn dược của địch. Quân chủ lực, trong một thời gian ngắn, đã tăng lên gấp bội, có sức cơ động khắp các chiến trường.

Trong tình hình đó, Bộ Chính trị nhận định: về chiến lược, về lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo, địch đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong. Mỹ tỏ ra hoàn toàn bất lực, dù có tăng viện cũng không thể cứu vãn được tình thế của ngụy. Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt mà thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu.

2. Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ "một ngày bằng hai mươi năm". Do vậy, Bộ Chính trị quyết định: Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm. Phải hành động "thần tốc, táo bạo, bất ngờ". Phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp. Tập trung lực lượng lớn hơn nữa và những mục tiêu chủ yếu trên từng hướng, trong từng lúc.

Phát huy sức mạnh của ba đòn chiến lược, kết hợp tiến công và nổi dậy, từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra. Trên từng hướng và trong từng trận, phải tập trung lực lượng áp đảo, tiêu diệt gọn, làm tan rã nhanh quân địch, tận dụng thời cơ và thuận lợi mới mà dồn dập tiến công, phát triển thắng lợi.

Trước mắt - như trước đã định, nay cần làm nhanh hơn - gấp rút tăng thêm lực lượng ở hướng tây Sài Gòn, thực hiện chia cắt và bao vây chiến lược, triệt hẳn đường số 4 và áp sát Sài Gòn.

Đồng thời nhanh chóng tập trung lực lượng ở hướng đông và đông - nam, đánh chiếm những mục tiêu quan trọng, thực hiện bao vây, cô lập hoàn toàn Sài Gòn từ phía Long Khánh, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tổ chức sẵn sàng những đơn vị chủ lực được trang bị binh khí, kỹ thuật thật mạnh, để lúc thời cơ xuất hiện thì tức khắc đánh chiếm những mục tiêu quan trọng nhất ở trung tâm thành phố Sài Gòn.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, cần thúc đẩy các lực lượng quân sự, chính trị của ra hành động mạnh bạo, khẩn trương, phát triển tiến công và nổi dậy, tiêu diệt chi khu, quận lỵ, phá banh từng mảng lớn hệ thống kìm kẹp của địch, nhanh chóng mở rộng vùng giải phóng ở các khu vực trọng điểm.

3. Muốn thực hiện phương hướng chiến lược nói trên cho kịp thời gian, thì ngay bây giờ, cần vạch kế hoạch hành động táo bạo với lực lượng sẵn có tại chiến trường miền Đông. Quân ủy Trung ương đã quyết định nhanh chóng chuyển Quân đoàn 3 cùng các binh khí, kỹ thuật từ Tây Nguyên xuống, đồng thời ra lệnh đưa quân đoàn dự bị vào. Nhưng để tranh thủ thời gian, không nên chờ đợi lực lượng tăng cường đến thật đầy đủ, cũng cần tránh điều động quân không hợp lý, làm ảnh hưởng đến kế hoạch tiến hành chiến dịch.

4. Trong khi Trung ương Cục và Quân ủy Miền vẫn làm nhiệm vụ như hiện nay, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy mặt trận Sài Gòn để tập trung, thống nhất cao độ sự lãnh đạo và chỉ đạo đối với chiến trường trọng điểm này. Khi anh Sáu, anh Tuấn vào đến nơi thì các anh trao đổi ý kiến để thực hiện ngay.

5. Ngoài này, Bộ Chính trị sẽ tập trung lực lượng chỉ đạo và đã có những chỉ thị cần thiết cho toàn quân, cho các chiến trường và các ngành, các cấp để bảo đảm trận quyết chiến lịch sử này giành thắng lợi.

Tôi gửi đến các anh lời chào quyết thắng.

BA".

Theo quyết định của Bộ Chính trị, anh Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng từ Tây Nguyên vào cùng các anh Đinh Đức Thiện - Chủ nhiệm Tổng Cục Hậu cần, Lê Ngọc Hiền - Phó Tổng Tham mưu trưởng và một số cán bộ, tổ chức thành một bộ phận ở chiến trường miền Nam, mang bí danh Đoàn A75. Chiều 3/4/1975, Đoàn A75 đã tới cơ quan Bộ Tư lệnh Miền ở phía Tây thị trấn Lộc Ninh (sau này thành chỉ huy sở cơ bản của chiến dịch giải phóng Sài Gòn). Phần lớn các đồng chí ở Trung ương Cục đã tới họp với Đoàn A75 để nghiên cứu quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị và bàn các giải pháp thực hiện.

Chiều ngày 7/4, chúng tôi đang họp thì anh Lê Đức Thọ tới. Anh Thọ cho biết: Trước khi anh lên đường, Bộ Chính trị và bác Tôn căn dặn là "Ra đi thắng lợi mới trở về"...

...Bộ Chỉ huy chiến dịch điều động năm quân đoàn (trên dưới 15 sư đoàn). Đó là các quân đoàn 1, 2, 3, 4 và đoàn 232 có đủ các binh chủng hợp thành, với năm cánh quân theo năm hướng (bắc, tây bắc, đông, đông nam và tây - tây nam) cùng các lực lượng bộ đội địa phương, dân quân và lực lượng nổi dậy của quần chúng ở nông thôn và thành thị... Trong khi đó địch chỉ còn khoảng năm sư đoàn đang bảo vệ vòng ngoài Sài Gòn và Quân đoàn 4 đang ở đồng bằng sông Cửu Long, một số quân dù và liên đoàn biệt động quân...

Bộ Chỉ huy chiến dịch xác định phải đánh địch, không cho chúng co cụm về Sài Gòn; ngược lại, không để cho quân địch chạy về miền Tây. Tổ chức các mũi thọc sâu, mũi đánh vòng ngoài kết hợp giữa chủ lực với bộ đội địa phương và kết hợp giữa bộ đội với quần chúng nhân dân, đột phá liên tục, dồn dập cho đến toàn thắng...

...Trước khi chỉ huy các cánh quân trở về đơn vị triển khai kế hoạch tấn công, anh Phạm Hùng đã gặp gỡ và nói: "Bằng mọi cách, chúng ta phải chiến thắng trận quyết chiến chiến lược cuối cùng này. Làm sao lúc kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ, chúng ta đã có mặt ở Sài Gòn".

Bộ Chỉ huy chiến dịch nhất trí điện về Bộ Chính trị đề xuất xin được lấy tên Bác đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Đến 11 giờ ngày 9/4/1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận được điện của anh Lê Duẩn, thay mặt Bộ Chinh trị chỉ thị: "Khi đã phát động tiến công thì phải tấn công thật mạnh và liên tục, dồn dập cho đến toàn thắng, vừa phát động tấn công ở ngoại vi , vừa có lực lượng đã chuẩn bị sẵn sàng nắm thời cơ thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn từ nhiều hướng. Thực hiện từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào, tạo điều kiện cho đồng bào nổi dậy. Không chia làm 2 bước... Đó là phương án cơ bản và chắc thắng nhất; đồng ý có dự kiện và chuẩn bị tình huống cuộc chiến đấu có thể kéo dài một thời gian".

Chiều ngày 14/4/1975, trong bức điện số 37-B/TK của anh Lê Duẩn gửi Bộ Chỉ huy chiến dịch nêu rõ: "Đồng ý chiến dịch Sài Gòn lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh"...

...Một vấn đề đặt ra là nếu địch ngoan cố rút nhanh vào nội thành và phá hoại các cầu trên các trục đường tiến vào Sài Gòn thì sao? Ta phải dự kiến để có kế hoạch sẵn sàng đối phó. Ta dùng đặc công chiếm và giữ cho kỳ được các cầu trọng yếu trên các hướng tiến quân.

Chúng ta có tất cả 6 trung đoàn đặc công sẵn sàng từ vùng ven đến nội thành. Quân đoàn 3 lại có riêng một trung đoàn đặc công nữa. Như vậy là ta có đủ sức làm nhiệm vụ giữ không cho địch phá cầu, bảo đảm cho các quân đoàn tiến thẳng vào mục tiêu không bị trở ngại...

...Ngày 18/4, anh Lê Đức Thọ, đại diện Bộ Chính trị, cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch duyệt lại lần cuối cùng quyết tâm chiến dịch. Tất cả đều nhất trí cao là thực hiện đúng phương châm của Bộ Chính trị đề ra: "Thần tốc - táo bạo - bất ngờ - chắc thắng". Riêng lực lượng chủ lực, ưu thế của ta đã gấp 3 lần so với địch về số lượng và gấp nhiều lần về chất lượng.

Ta phải bố trí lực lượng tiêu diệt quân địch phòng thủ bên ngoài, đồng thời cùng lúc có lực lượng mạnh thọc thẳng và nhanh vào mục tiêu chủ yếu bên trong. Phải đánh nhanh, mạnh từ ngoài vào kết hợp với tấn công và nổi dậy từ bên trong để địch không kịp trở tay, không kịp phá hoại. Bộ đội kết hợp với lực lượng quần chúng nổi dậy chiếm lĩnh ngay mọi cơ sở, phố phường trong toàn thành, trong thời gian ngắn nhất. Đây là nội dung và ý nghĩa của thần tốc.

Bộ Chính trị, Bộ chỉ huy chiến dịch quy định năm cánh quân phải hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, 5 mục tiêu chủ yếu phân chia cho năm cánh quân phải được chiếm gần như cùng một thời gian, nhưng lấy mục tiêu dinh Độc Lập làm mục tiêu trung tâm cuối cùng. Cánh quân nào đã chiếm xong mục tiêu chủ yếu của mình thì phải tiến ngay về dinh Độc Lập. Nếu chưa có lực lượng nào chiếm thì phải đánh chiếm và treo cờ chiến thắng của ta lên. Nếu đã có lực lượng ta chiếm rồi thì lui ngay về khu vực tấn công của mình.

Đại tướng Lê Đức Anh

(Còn tiếp)