Chiều 18/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch.

Phát biểu mở đầu cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ: Đảng, Nhà nước, Nhân dân thấu hiểu những gì lực lượng y tế tuyến đầu đã làm trong suốt 2 năm qua, đặc biệt trong đợt dịch thứ 4 diễn ra hết sức khốc liệt với biến chủng Delta lây lan nhanh và nguy hiểm.

Thủ tướng ghi nhận, lực lượng y tế đã đóng góp hết sức quan trọng, là lực lượng tuyến đầu chống dịch, cùng quân đội, công an và các lực lượng khác.

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi các y, bác sĩ 

Dịch bệnh tuy còn diễn biến phức tạp, khó lường và có thể xuất hiện các đợt dịch khác, các biến chủng khác, nhưng đợt dịch này đã tạm thời lắng xuống, được kiểm soát và chúng ta an tâm được phần nào. 

“Tại cuộc gặp mặt này, chúng ta dành thời gian để ôn lại những ngày tháng khốc liệt và sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc chiến mới. Công việc còn nhiều, các chính sách với lực lượng chống dịch đang tiếp tục được nghiên cứu, đề xuất để hoàn chỉnh, do thời gian vừa qua, chúng ta tập trung chống dịch cho nên việc hoàn thiện chính sách còn khiếm khuyết và có phần chậm trễ. Tinh thần của gặp mặt là chia sẻ khó khăn, đoán định những khó khăn sắp tới sẽ vượt qua thế nào”, Thủ tướng nói.

Giành giật sự sống cho hàng vạn bệnh nhân nặng và nguy kịch

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tâm sự, hơn 5 tháng qua là thời gian thật sự khó khăn và đầy thử thách trong lịch sử của ngành. 

Hàng trăm nghìn cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tại các tỉnh, thành có dịch và gần 20.000 thầy thuốc chi viện từ các đơn vị y tế tuyến trung ương và địa phương đã kề vai sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu vào các điểm nóng dịch Covid-19, đương đầu với dịch bệnh.

Có những gia đình hai vợ chồng xung phong vào tâm dịch. Nhiều cặp đôi đã chọn tâm dịch làm đích đến. Các nữ thầy thuốc thu xếp việc gia đình, nhờ bố mẹ chăm sóc con nhỏ để tới những miền đất xa chăm sóc bệnh nhân. Có những bác sĩ nghỉ hưu lặn lội hàng ngàn cây số vào Nam. Có những người phải trải qua nỗi đau mất người thân mà không thể về chịu tang...

"Cả lý trí và tình cảm của họ đều thôi thúc rằng người thầy thuốc phải luôn có mặt tại điểm nóng dịch bệnh. Đó không chỉ là nghĩa vụ với nghề, mà còn là trách nhiệm công dân khi Tổ quốc cần, là nghĩa đồng bào, là tình đồng chí cao cả", GS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

{keywords}
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long

Theo Bộ trưởng Y tế, đến hôm nay, những cố gắng, nỗ lực, đóng góp, hy sinh của các thầy thuốc, các y bác sĩ, nhân viên, cán bộ y tế đã góp phần mang lại kết quả. Chúng ta đã bước đầu thành công, dịch bệnh được khống chế tại tâm dịch và được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.

Nhắc lại giai đoạn căng thẳng thời gian qua, ông Long cho biết, các bệnh viện tuyến trung ương trong thời gian ngắn kỷ lục đã thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19; huy động lực lượng y tế tinh nhuệ và trang thiết bị hiện đại để giành giật sự sống cho hàng vạn bệnh nhân nặng và nguy kịch.

"Đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế tham gia chống dịch vừa qua đã nỗ lực gấp 2-3 lần so với bình thường. Họ không chỉ phải vượt qua những khó khăn vì phải cứu người trong những hoàn cảnh ngặt nghèo và thiếu thốn, mà còn phải chịu nhiều áp lực rất lớn khi số lượng bệnh nhân tăng lên quá nhanh, phải giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhân cùng lúc", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ.

Các thầy thuốc đều xác định “không được phép buông tay”, vượt lên mọi gian khổ, sẵn sàng đón nhận rủi ro về phía mình, cống hiến hết mình, phát huy sáng tạo, đoàn kết hiệp lực để chiến thắng dịch bệnh. Hàng nghìn cán bộ y bác sĩ, nhân viên y tế đã bị nhiễm Covid-19, có người đã vĩnh viễn ra đi khi vẫn đang tràn đầy hoài bão và cháy bỏng khát vọng cống hiến. ​

Bộ trưởng Y tế ghi nhận và biểu dương những cống hiến to lớn, tinh thần xả thân và nhiệt huyết của tất cả các chiến sĩ áo trắng đã tham gia chống dịch.

BS. Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai chia sẻ: "Với lương tâm, trách nhiệm của một thầy thuốc, tôi cảm nhận được động lực giúp mình quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, tất cả vì sức khỏe và tính mạng người dân. Với nhiều đêm thức trắng, có mặt tại tất cả các điểm nóng trên địa bàn toàn tỉnh cùng với chính quyền và ngành y tế tuyến huyện, xã tổ chức công tác chống dịch. Có thể nói rằng, những tháng ngày ấy, trong suy nghĩ và hành động của mình chỉ còn 2 chữ 'chống dịch'".

Xóa bỏ các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến 

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Bình Dương cho rằng, qua dịch Covid-19, chúng ta đã thấy được những giá trị cốt lõi của con người. Đó chính là sự đùm bọc, che chở nhau trong hoạn nạn và cả những tấm gương hy sinh vì dân, khiến không ai trong chúng ta không trân trọng và cảm phục.

{keywords}
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Tự thực tế phòng chống dịch tại Bình Dương, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đưa ra hàng loạt đề xuất, trong đó có việc "Xoá bỏ các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến, hình thành mạng lưới chăm sóc bệnh nhân tại nhà theo cấp phường, xã".

Theo đó, người nhiễm Covid-19 được tự chăm sóc theo bộ tiêu chí đã được Bộ Y tế ban hành. Khu vực bị nhiễm có thể cách ly hẹp. Nếu số lượng ca nhiễm tăng đột biến (hơn 10% số mẫu lấy ngẫu nhiên) có thể cách ly cả thôn hay xí nghiệp ấy.

Đưa y tế vào bên trong để chăm sóc và theo dõi sức khỏe. Các ca tăng nặng, bệnh nền không ổn định hay người chưa tiêm có thể đưa sớm vào bệnh viện điều trị. Chiến lược này có thể áp dụng cho tất cả các địa phương tỷ lệ tiêm chủng cao như TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội ...

Ông cũng đề nghị, tách đôi bệnh viện với 2 lối đi riêng biệt cho người nhiễm hoặc không nhiễm Covid-19. Xác định bằng test nhanh sàng lọc. Người nghi nhiễm cần khẳng định bằng PCR ở vùng đệm. Nếu chắc chắn âm tính sẽ đưa vào khu điều trị thông thường. Xét nghiệm ngẫu nhiên mẫu đại diện cần làm thường xuyên cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà của họ nhằm tránh bỏ sót các ổ dịch trong bệnh viện.

Ngoài ra, ông cũng đề nghị khu điều trị Covid-19 nên chia làm 3: Hồi sức cấp cứu, điều trị bệnh mức độ vừa và khu hậu Covid-19. Cần đưa y tế tư nhân vào cuộc... 

"Không sợ Covid-19 là cách sống mới mà chúng ta cần chấp nhận. Nếu tỷ lệ tử vong trong số người đã tiêm phòng như cúm mùa vậy sao ta phải sợ. Giảm tối đa các ca tử vong là nhiệm vụ của chúng tôi", Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh.

Thu Hằng 

Thủ tướng: Địa phương không áp dụng các quy định trái với Trung ương

Thủ tướng: Địa phương không áp dụng các quy định trái với Trung ương

Thủ tướng lưu ý, các địa phương áp dụng linh hoạt, sáng tạo nhưng không được trái với quy định của Trung ương; nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn phải báo cáo cấp trên.