- Trao đổi với VietNamNet về đề xuất của Sở Nội vụ TP.HCM sáp nhập một số quận, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết quan điểm của Bộ là ủng hộ.

Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, việc sáp nhập một số quận như đề xuất của TP.HCM sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, đảm bảo thực hiện tinh giản biên chế hiệu quả hơn. Điều đó còn làm giảm bớt chi tiêu công không cần thiết, tiết kiệm ngân sách nhà nước.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn

Ông cũng khẳng định việc sáp nhập một số quận sẽ không gây cản trở, khó khăn gì cho người dân khi làm thủ tục hành chính. Bởi, theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, các địa phương đều đang xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng các trung tâm hành chính công thuộc UBND quận, huyện để giải quyết nhanh nhất các nhu cầu của người dân và các tổ chức. 

Do đó, cùng với các hoạt động đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước ở cấp quận với người dân và doanh nghiệp sẽ chỉ tốt hơn. 

“Tôi tin việc sáp nhập một số quận của TP.HCM sẽ đảm bảo bộ máy tinh gọn hơn,  thúc đẩy việc tinh giản biên chế, đưa những người không làm được việc ra khỏi bộ máy, giữ lại những người làm việc tốt, hoạt động của chính quyền địa phương sẽ hiệu quả hơn”, Thử trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Một số địa phương thích tách để thêm ghế

Theo ông, các địa phương khác, nhất là các TP lớn có nên sáp nhập một số quận tương tự như đề xuất của TP.HCM?

Trong trường hợp một số quận, huyện của địa phương đó không đáp ứng tiêu chí đã quy định thì nên khuyến khích sáp nhập. Vừa rồi triển khai luật Chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ QH đã ban hành nghị quyết số 1211 về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính. Trong đó, đã quy định rõ các tiêu chí, phân loại các đơn vị hành chính. 

Việc quy định như vậy đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc sáp nhập đơn vị hành chính quận, huyện, phường, xã.

Các đơn vị hành chính cấp quận huyện, xã phường, các  cơ quan hành chính, các tổ chức sự nghiệp, nếu có thể tinh gọn, sắp xếp lại, thực hiện việc sáp nhập phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng yêu cầu quản lý, đảm bảo phục vụ nhân dân tốt hơn thì quá tốt và nên thực hiện. 

Như thế sẽ khắc phục được tình trạng bộ máy cồng kềnh, nhiều biên chế mà hiệu quả hoạt động không cao.

Thực tế nhiều nơi thích chia tách đơn vị hành chính hơn là sáp nhập như vậy?

Trước đây đúng là có tư duy, suy nghĩ của một số cá nhân thích tách ra để thêm biên chế, thêm vị trí, thêm ghế, thực chất điều đó là vì cục bộ, lợi ích cá nhân. Tuy nhiên theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về xây dựng cơ quan hành chính nhà nước hiện nay, để phục vụ nhân dân tốt hơn thì chúng ta nên ủng hộ, khuyến khích việc sáp nhập và tôi tin nhiều cấp ủy đảng, nhiều địa phương và nhiều người sẽ ủng hộ việc này.

Như ông nói, việc sáp nhập sẽ giúp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Vậy việc sắp xếp lại cán bộ, công chức dôi dư sẽ xử lý như thế nào? 

Sắp xếp cán bộ dôi dư sẽ thực hiện theo nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và các văn bản quy định, hướng dẫn của Chính phủ. Trong đó có nhiều giải pháp, nhiều chính sách đồng bộ, hợp lý. 

Việc xác định vị trí việc làm; đánh giá, phân loại cán bộ, công chức; trách nhiệm của người đứng đầu là cơ sở, là gốc của việc tinh giản biên chế. Ai không đáp ứng được yêu cầu thì phải giải quyết, tạo điều kiện để họ tìm công việc mới. Còn những người đáp ứng được yêu cầu thì cần giữ lại, bên cạnh thu hút thêm người có năng lực. 

Bên cạnh đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng văn hóa công vụ, phân công chức trách, nhiệm vụ rõ ràng, rành mạch.