Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến thời khắc mang tính bước ngoặt lịch sử do đại dịch Covid-19 gây ra, tác động đến đời sống kinh tế xã hội, ảnh hưởng sức khoẻ, mạng sống tới hàng tỉ người trên thế giới.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh "ở biến cố nào của lịch sử thì loài người vẫn chiến thắng" với dẫn chứng nhiều địa phương như TP.HCM chỉ 3% DN rời thị trường, còn lại 97% đang chờ đợi trở lại, với mức tăng trưởng hơn 1%. Còn Hà Nội tăng trưởng trên 3,5%; Hải Phòng tăng 14,9%…

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam không quá phụ thuộc vào thế giới như nhiều ý kiến, chứng tỏ năng lực nội sinh là vô cùng to lớn

Ngọn lửa tăng trưởng phải "cháy" và sớm "bùng lên"

Theo Thủ tướng, dự báo kinh tế thế giới có thể tăng trưởng âm 3,5% trong năm nay, đánh dấu cuộc suy thoái lớn nhất kể những năm 1930 trở lại đây. Nhiều nền kinh tế lớn, các nền kinh tế mới nổi, trong đó có ASEAN đều được dự báo tăng trưởng âm.

Riêng với Việt Nam, WB dự báo tăng 4,9%, Fitch Ratings đưa ra là 2,8% nhưng quý 1 ta đã đạt 3,8% - tăng thấp nhất trong nhiều năm nhưng là mức tăng trưởng cao nhất trong ASEAN.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế, cải cách thể chế, để ngọn lửa tăng trưởng phải "cháy" và sớm "bùng lên" khi kiểm soát dịch.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, tình hình chống dịch của Việt Nam được nhiều nước, tổ chức quốc tế đánh giá cao, trong 23 ngày chưa có ca nhiễm mới trong cộng đồng (trừ các ca nhiễm từ nước ngoài về), chưa có người tử vong.

Kết quả đạt được trước hết là vì dân tộc ta đã có sẵn chất đề kháng của tinh thần đoàn kết, tiếp đó là tính kỷ luật và tuân thủ của người dân. Điều này cho thấy chân lý mỗi người chấp nhận hy sinh một phần lợi ích nhỏ của mình thì tất cả đều được lợi.

Mặc khác Đảng, Nhà nước ta đã có quyết sách đúng, quyết liệt, đồng bộ. Chúng ta không chủ quan nhưng cũng đừng lo lắng vì đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua.

“Cơ bản đẩy lùi Covid-19 ở Việt Nam là thông tin quan trọng tôi muốn truyền đạt đến các quý vị ở hội nghị này”, Thủ tướng nói.

Việt Nam tích luỹ được nguồn lực nhờ những năm tăng trưởng thuận lợi gần đây. Điều này cho thấy Việt Nam không phải quá phụ thuộc vào thế giới như nhiều ý kiến và chứng tỏ năng lực nội sinh là vô cùng to lớn.

Nền kinh tế như chiếc lò xo bị nén mạnh, giờ là lúc bung ra, trên cơ sở cần thúc đẩy giải pháp phấn đấu GDP 2020 đạt tăng trưởng trên 5% và kiểm soát lạm phát 4%.

Theo đó, cần tập trung 5 mũi giáp công: Thu hút đầu tư các thành phần kinh tế, trước hết là kinh tế tư nhân; thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Không bàn lùi, than nghèo, kể khổ

Thủ tướng yêu cầu hội nghị hôm nay phải thể hiện tinh thần "yêu nước, phải có tinh thần hành động, quyết tâm mạnh mẽ, như lò xo bị nén lại và bật lên mạnh mẽ”, không phải là dịp "bàn lùi, than nghèo, kể khổ, than vãn khó khăn, mà phải nêu trở ngại lớn".

{keywords}
 

"Chính phủ không trực tiếp giúp DN, nhưng sẽ hỗ trợ DN tăng năng suất, là nguồn gốc cho phát triển mạnh mẽ, đảm bảo thực thi công bằng, bình đẳng, cạnh tranh và hiệu quả", Thủ tướng khẳng định.

Bằng mọi giá, hội nghị phải có kết quả cụ thể, không nói suông, nói rồi để đó mà thể hiện tinh thần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển. Trách nhiệm các bộ ngành phải "xắn tay áo", địa phương phải tháo gỡ trực tiếp DN với tinh thần cải cách và đổi mới, dám nghĩ, dám làm dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới.

Đặc biệt cần lưu ý không phải "quyền anh, quyền tôi" mà vì đất nước, dân tộc, vì 100 triệu dân.

Do đó, bộ ngành cần nêu rõ các chính sách hỗ trợ, cụ thể, trách nhiệm thay vì chỉ nói toàn chuyện biết rồi, quản lý cán bộ công chức để chống lại sự vô cảm, thiếu trách nhiệm, gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin tốt hơn.

Hôi nghị phải nêu giải pháp mới, như thị trường, kết nối chuỗi giá trị, tạo chất keo kết nối đứt gãy, thuế, lao động, tín dụng. Ta đã có các chính sách an sinh, nên cần bàn chính sách tăng tốc, chính sách đòn bẩy.

"Tinh thần chống trì trệ như chống dịch cần phải được thúc đẩy. Virus trì trệ ở đâu, đừng nhìn người khác, cơ quan tổ chức khác, virus trì trệ nằm ngay trong chính chúng ta, bộ ngành, địa phương và chính DN”, Thủ tướng lưu ý.

Khó khăn không phải thứ sinh ra để đánh bại chúng ta 

Thủ tướng cũng nêu ra những điều DN cần làm là: Yêu Tổ quốc, thượng tôn pháp luật, có tinh thần chia sẻ, đoàn kết, hợp tác với nhau; không nản chí bởi như vậy là tự mình bỏ cuộc; năng động và quyết đoán; sáng tạo, có niềm tin.

Nhắc đến việc xây dựng văn kiện Đại hội Đảng 13 với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng vào 2045, Thủ tướng nhấn mạnh dịch bệnh thay đổi mục tiêu này và đặt câu hỏi: Tầm nhìn DN 2045 như thế nào, DN sẽ ở đâu vào 2045?

Theo Thủ tướng, mục tiêu đặt ra là năm 2045, với 25 năm có thể đủ thời gian để có DN Việt Nam lớn mạnh tầm thế giới “Made in Vietnam”. Vì vậy, DN Việt Nam nghĩ lớn, làm lớn đừng sợ thất bại, có ước mơ và hành động, biến ước mơ thành hành động.

Sau thời gian chống dịch bệnh, đây là cơ hội trăm năm cho DN Việt Nam, nên nếu không biết tận dụng, nắm bắt, thì doanh nghiệp FDI sẽ đến lấy.

Trước làn sóng chuyển dịch chuỗi giá trị đang xem Việt Nam như ô cờ trung tâm trên bàn cờ vua, Thủ tướng cho rằng DN Việt Nam đang cầm quân trắng và có cơ hội đi trước, nên cần tận dụng cơ hội đó.

"Những lúc khó khăn là thể hiện bản sắc dân tộc, "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu". Khó khăn không phải thứ sinh ra để đánh bại chúng ta mà để đánh bại nó. Ví không có cảnh đông tàn/Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”, Thủ tướng trích dẫn 2 câu trong bài “Tự khuyên mình” của Bác Hồ để khích lệ DN.

Thu Hằng

Thủ tướng: Nhiều cuộc điện thoại kêu khổ vì thủ tục nhiêu khê với tiền hỗ trợ

Thủ tướng: Nhiều cuộc điện thoại kêu khổ vì thủ tục nhiêu khê với tiền hỗ trợ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, rất nhiều cuộc điện thoại của người dân tại TP.HCM kêu khổ vì thủ tục nhiêu khê khi giải quyết tiền hỗ trợ dịch Covid-19.