- Từ đầu năm đến nay, Formosa đã sử dụng 51 tấn hóa chất, còn tồn trong kho 248 tấn.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, phóng viên báo Thanh niên đặt câu hỏi về hai cuộc kiểm tra đối với công ty Formosa do liên bộ Công thương và Tài nguyên Môi trường chủ trì.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nhiều đoàn của Chính phủ và bộ ngành đã vào Formosa kiểm tra vì đây là một vụ việc hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, nền kinh tế và cả chính trị của đất nước. 

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải

"Việc vào cuộc của Chính phủ và nhiều cơ quan Đảng, Nhà nước, QH là hết sức cần thiết", ông cho hay.

"Bộ Công thương đã có 2 đoàn kiểm tra, một là kiểm tra việc vận hành hoạt động của Formosa xem có đúng quy trình, quy định về an toàn lao động, thiết vị, xử lý... 

Hai là đoàn kiểm tra riêng về việc sử dụng hóa chất mà Formosa đã nhập khẩu vào VN, theo quy định là phải qua Cục Hóa chất của Bộ Công thương và phải sử dụng đúng theo kê khai", ông Hải nói.

Thứ trưởng Công thương cung cấp các con số: Từ năm 2015 đến nay, Formosa đã nhập khẩu 384 tấn hóa chất, gồm 103 loại, được đăng ký và được chấp nhận nhập khẩu, sử dụng. Từ đầu năm nay, Formosa đã được chấp thuận nhập khẩu 224 tấn gồm 43 loại hóa chất.

Mục đích sử dụng theo Formosa từ đầu là để làm sạch bề mặt kim loại, khử khuẩn, xử lý nước, ổn định, làm mát... Từ đầu năm đến nay, công ty này đã sử dụng 51 tấn hóa chất, còn tồn trong kho 248 tấn.

Báo VnmMedia đặt câu hỏi:: "Lượng hóa chất Formosa nhập khẩu vào thải ra môi trường an toàn đến đâu? Bộ Công thương đã tính toán đến tác động môi trường của việc sử dụng và xả thải này như thế nào?"

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải so sánh với việc ngành y tế phải nhập thuốc rất độc để chữa bệnh.

“Tương tự, việc nhập hóa chất độc hại phải sử dụng đúng quy trình. Khi ra đến bể thải phải tuân thủ các quy định về môi trường. 

Formosa có tuân thủ đúng môi trường và xử lý thế nào chờ kết quả kiểm tra, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ cụ thể”, ông nói.

Thủ tướng đã chủ động chỉ đạo sớm

Báo Pháp luật TP.HCM đặt câu hỏi: "Sự việc cá chết gây mang mang cho người dân đến nay tuy có đỡ hơn nhưng trước đó sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương còn lúng túng. Chính phủ có rút kinh nghiệm? Khi nào có kết quả xác định nguyên nhân cá chết?"

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho hay, vụ việc lần đầu tiên xảy ra trên diện rộng tại nhiều vùng biển nên ta chưa có kinh nghiệm xử lý những tình huống như vậy.

Nhưng khi sự việc xảy ra, Thủ tướng đã chủ động, sớm chỉ đạo quyết liệt, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ TN&MT, NN&PTNT vào trực tiếp nơi xảy ra cá chết, mời chuyên gia nước ngoài cùng chuyên gia trong nước xem xét đánh giá với tinh thần dựa tên kết luận khoa học, chứng cứ xác đáng.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại quan điểm của Thủ tướng là xử lý nghiêm, không loại trừ tổ chức, cá nhân nào nếu có sai phạm.

"Hôm nay Thủ tướng có rút kinh nghiệm thông tin báo cáo của địa phương lên Chính phủ còn chậm và thụ động. Còn việc xử lý, Thủ tướng rất chủ động và quyết liệt", Bộ trưởng cho biết.

Một số báo thổi phồng quá mức

Báo Zing đặt câu hỏi cho Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn, người vừa đích thân đi đến các khu vực bị ảnh hưởng để kiểm tra, về việc khoanh vùng giới hạn an toàn đến 20 hải lý.

Bộ trưởng khẳng định, ngay khi vụ việc xảy ra, ông nhận chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến các tỉnh để kiểm tra tình hình thực tế có đúng như báo chí nêu không.

{keywords}
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Báo chí phải tuyên truyền thông tin hai chiều

"Một số cơ quan báo chí đã tích cực vào cuộc, giúp cơ quan có trách nhiệm kịp thời dự báo, cảnh báo người dân. Nhưng cũng có một số báo đưa tin thổi phồng quá mức, suy diễn thủ phạm, khi các cơ quan chức năng đang xem xét thì truy bức họ phải đưa ra nguyên nhân”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trao đổi.

Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu tuyên truyền hai chiều, một mặt khuyến cáo người dân thu gom tiêu hủy cá chết, không ăn hay tiêu thụ cá chết, cá lừ đừ, nhưng các loại cá đánh bắt xa bờ là hoàn toàn an toàn.

Có ngư dân phải khóc vì đánh bắt xa bờ 150 hải lý nhưng vì người dân tẩy chay, không ai mua mà phải đổ cá ra đường”, Bộ trưởng TT&TT lưu ý tuyên truyền không được gây hoang mang dư luận, vì hiện đã xuất hiện tâm lý cứ cá biển là không an toàn.

Ông khẳng định khi nguyên nhân được các nhà khoa học, cơ quan chức năng tìm ra trong thời gian sớm nhất, Bộ TT&TT sẽ trực chờ thông tin.

"Khi có sẽ cung cấp ngay cho báo chí, kể cả ban đêm. Chúng tôi để điện thoại 24/24h để chờ thông tin và đảm bảo sẽ cung cấp cho báo chí ngay khi có”, Bộ trưởng TT&TT khẳng định.

Chung Hoàng - Thu Hằng - Ảnh: VGP