Nghị quyết nêu rõ, qua hơn 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài (FDI), đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, DN lớn với công nghệ hiện đại đầu tư vào nước ta; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động...

Chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi

Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới.

Số lượng dự án quy mô nhỏ, công nghệ thấp, thâm dụng lao động còn lớn; phân bố không đều; tỉ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký còn thấp. Tỉ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước có xu hướng giảm.

Liên kết, tương tác với các khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan toả về năng suất và công nghệ chưa cao; tỉ lệ nội địa hoá còn thấp. Các hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng.

Một số DN, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường...; phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp cả trong nước và quốc tế...

"Những hạn chế, yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu", nghị quyết nêu rõ việc thu hút đầu tư nước ngoài còn thiếu chọn lọc; năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thu hút, quản lý FDI nhiều nơi còn hạn chế; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm có lúc, có nơi chưa nghiêm.

Nghị quyết nhấn mạnh, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong DN...

Luật hóa việc chống chuyển giá

Nghị quyết đưa ra 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Đầu tiên là việc hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài, trong đó, có việc nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng".

Nghiên cứu bổ sung quy định "điều kiện về quốc phòng, an ninh" trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp...

Về hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư, nghị quyết yêu cầu xây dựng cụ thể danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết quốc tế; ngoài danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được đối xử bình đẳng như nhà đầu tư trong nước. Khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường ở những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam không có nhu cầu bảo hộ.

Đồng thời, xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; khuyến khích các DN hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt cam kết; có chính sách khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ dựa trên cơ sở thoả thuận, tự nguyện; khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho DN Việt Nam. 

Cùng với đó nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, bảo vệ môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới. Không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên...

Nghị quyết cũng đặt vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm bảo hộ và đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư; hoàn thiện thể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư, trong đó có việc hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá theo hướng nâng lên thành luật.

Đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, trong đó tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đối với đầu tư nước ngoài.

Các mục tiêu cụ thể:

- Vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỉ USD (40 - 50 tỉ USD/năm).

- Vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 100 - 150 tỉ USD (20 - 30 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỉ USD/năm).

- Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018.

- Tỉ lệ nội địa hoá tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.

- Tỉ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

 

Bộ trưởng TN&MT trả lời về việc cấp đất cho đại gia Xuân Trường xây chùa

Bộ trưởng TN&MT trả lời về việc cấp đất cho đại gia Xuân Trường xây chùa

Bộ trưởng Trần Hồng Hà vừa ký văn bản trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về việc cấp hàng ngàn ha đất cho DN xây chùa.

Thu Hằng