Chia sẻ với VietNamNet về các chính sách thích ứng an toàn với dịch, phục hồi kinh tế phát triển, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải khẳng định: "Tỉnh Thái Nguyên đã và đang là vùng xanh, an toàn của cả nước trong phòng, chống dịch Covid-19".

Dân nhường vắc xin cho KCN

Sở dĩ Thái Nguyên có được thành quả này là nhờ vào việc đánh giá sát tình hình dịch bệnh để đưa ra hướng đi chuẩn xác.

“Chúng tôi đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch trong các KCN bao giờ cũng cao hơn. Vì vậy ngay từ đầu có vắc xin về tỉnh đã tạo điều kiện ưu tiên đầu tiên phủ xanh vắc xin tại các KCN”, Bí thư Thái Nguyên nhấn mạnh.

{keywords}
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải thăm hỏi các sinh viên

Thái Nguyên đã hoàn thành tiêm cho toàn bộ người lao động trong tất cả các KCN cách đây cả tháng. Kế đến, tỉnh ưu tiên tiêm vắc xin cho những người tham gia vào dịch vụ vận tải để tránh việc di chuyển dễ làm lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Còn khu vực dân cư của tỉnh tiêm sau vì nếu có ca mắc thì việc bóc tách các ca F0 dễ hơn.

“Các DN ở Thái Nguyên rất cảm ơn người dân và đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên không chỉ “nhường cơm sẻ áo” mà nhường cả vắc xin cho DN”, bà Hải nói.

Nhờ giữ được vùng xanh an toàn như vậy cho nên thời gian qua, Thái Nguyên thuộc nhóm các tỉnh, thành có tốc độ phát triển kinh tế GRDP cao so với cả nước.

Nói về các chính sách thích ứng an toàn, hiệu quả với đại dịch để phục hồi kinh tế, bà Hải cho rằng, mỗi một địa phương, một đơn vị cần xây dựng cho mình một kế hoạch riêng phù hợp với tình hình thực tiễn.

“Như Thái Nguyên hiện nay đang rất xanh. Cho nên vấn đề đầu tiên để cùng cả nước phục hồi kinh tế là Thái Nguyên tăng cường kết nối với các tỉnh bạn để khắc phục kịp thời các chuỗi liên kết. Hiện nay tỉnh đã mở hơn 60% hoạt động vận tải liên tỉnh ”, Bí thư Thái Nguyên nhấn mạnh.

Vấn đề nữa theo bà Hải là câu chuyện nguồn nhân lực. Hiện tỉnh Thái Nguyên đang rất thiếu lao động. Vì vậy tỉnh đưa ra chính sách rất mở cho DN tuyển dụng lao động từ các tỉnh ngoài vào làm việc để đẩy mạnh sản xuất, phục hồi phát triển kinh tế. Đi kèm với đó là phương án dự phòng các khu cách ly để trong trường hợp nhà máy nào xảy ra ca lây nhiễm có thể đưa đi cách ly, đảm bảo an toàn, giúp cho DN vẫn có thể yên tâm sản xuất.

Song song với đó, tỉnh cũng triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ đến tay người dân và doanh nghiệp…

Vững vàng trong kiểm soát dịch bệnh nhờ chuyển đổi số

Bên cạnh dó, tỉnh thúc đẩy 100% các dịch vụ công được đưa lên mạng ở mức độ 4. Từ đó tỉnh hỗ trợ DN giảm các mức phí thực hiện các thủ tục hành chính.

“Hiện tỉnh đang trình HĐND chủ trương giảm một số loại phí thuộc thẩm quyền của địa phương để thực hiện các thủ tục hành chính online, giúp giảm chi phí cho DN và người dân”, bà Hải cho hay.

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan dây chuyền sản xuất Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Thái Nguyên

“Có thể thấy chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là con đường ngắn nhất, kinh tế nhất để giúp chúng ta hiện thực hóa được nhiều mục tiêu trong phát triển kinh tế, là cơ hội tạo ra những bứt phá mạnh mẽ trong quá trình phát triển. Chính vì vậy Thái Nguyên đã rất nhanh nhạy, có một sự quan tâm hết sức đặc biệt đối với vấn đề chuyển đổi số”, Bí thư Thái Nguyên nói.

Bà Hải cho biết, Thái Nguyên chính là một trong những tỉnh đầu tiên trong toàn quốc ban hành nghị quyết về chuyển đổi số và có ngày chuyển đổi số. Hiện, tỉnh đứng thứ 12/63 tỉnh thành phố về chuyển đổi số, trong đó đặc biệt chính quyền số đứng thứ 3 toàn quốc.

“Chúng tôi nhận thấy rất rõ ràng: chuyển đổi số thành công sẽ giúp phát huy được hết những tiềm năng, lợi thế của mình trong phát triển công nghiệp đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch kèm theo là phát triển về hệ thống thương mại, dịch vụ, giáo dục y tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao,… góp phần tạo ra giá trị tăng trưởng mới, thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững”, bà Hải nhấn mạnh.

Đặc biệt, chuyển đổi số đã giúp Thái Nguyên vững vàng trong kiểm soát dịch bệnh thời gian vừa qua. Cụ thể, trong việc quản lý các khu cách ly F1, F2, quản lý người ra vào tỉnh rất hiệu quả… Nhờ đó Thái Nguyên hoàn thành mục tiêu kép với mức độ tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt gần 5%, cao hơn mức trung bình cả nước

“Việc đi trước đón đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số là một trong những giải pháp giúp Thái Nguyên thực hiện được giấc mơ của mình là cực tăng trưởng, là trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại không chỉ của vùng Trung du miền núi phía Bắc mà còn là của vùng Thủ đô vào năm 2030”, Bí thư Thái Nguyên nói.

Bà cho biết, trong thời gian Thái Nguyên đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng cơ chế, chính sách; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể là xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo khoảng 200 chuyên gia chuyển đổi số từ cấp xã đến cấp tỉnh; phấn đấu mỗi xã, phường (178 đơn vị) có ít nhất 1 chuyên gia về chuyển đổi số.

Bà Hải cho biết, trong chỉ đạo, điều hành, tỉnh luôn đề cao vai trò người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và cơ chế bảo vệ cán bộ theo kết luận số 14 của Bộ chính trị vừa mới ban hành tháng 9/2021 vừa qua.
Cùng với đó là đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết xử lý nghiêm, bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà, trục lợi, vi phạm đạo đức, lối sống, kỷ luật công vụ.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Thu Hằng

Thái Nguyên và cách chống dịch lấy công nghệ làm nền tảng

Thái Nguyên và cách chống dịch lấy công nghệ làm nền tảng

Thái Nguyên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch. Tỉnh đẩy mạnh chương trình tình nguyện xanh “Ứng dụng số - Chống dịch an toàn”.