- Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung chỉ ra những kết quả quan trọng của chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Chuyến thăm của Thủ tướng là chuyến thăm chính thức TQ đầu tiên của lãnh đạo cấp cao ta sau Đại hội 12 và kỳ họp thứ nhất QH khóa 14; cũng là chuyến thăm chính thức TQ đầu tiên của ông Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị người đứng đầu Chính phủ.

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường duyệt đội danh dự

Chuyến thăm lần này có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước ta đối với việc củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với TQ; là dịp để lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không để ảnh hưởng tới môi trường hòa bình, ổn định cũng như sự phát triển của quan hệ hai nước.

TQ vừa là nước láng giềng vừa là nước lớn, đối tác quan trọng hàng đầu về kinh tế - thương mại của ta. Việc phát triển quan hệ ổn định, lành mạnh và bền vững với TQ luôn là lựa chọn chiến lược và là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của VN; có ý nghĩa quan trọng góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, thực hiện thắng lợi mục tiêu đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

TQ coi trọng chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn, tổ chức những nghi thức lễ tân cao nhất đối với người đứng đầu Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình; hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng bí thư, Chủ tịch QT Tập Cận Bình

Chuyến thăm đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện trên 3 phương diện chính:

Một là, tăng cường tin cậy chính trị. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo cấp cao TQ đã đi sâu trao đổi, đạt được nhận thức chung rộng rãi về việc không ngừng củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung phát triển ổn định, lành mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của mỗi nước.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao TQ khẳng định coi trọng và kiên trì thực hiện nhất quán phương châm phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài với VN.

Lãnh đạo hai bên cũng nhất trí về các biện pháp nhằm tăng cường tin cậy chính trị, bao gồm duy trì tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước bằng các hình thức linh hoạt để kịp thời trao đổi ý kiến về những vấn đề lớn và quan trọng trong quan hệ hai nước; phát huy tốt vai trò của UB chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung trong việc điều phối, thúc đẩy thực hiện nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước; triển khai hiệu quả hợp tác giữa hai Đảng; tăng cường giao lưu, hợp tác hữu nghị giữa cơ quan lập pháp, các tổ chức chính trị và trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật của hai nước; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao lưu hữu nghị nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước.

Hai là, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất phát triển cân bằng, hiệu quả. Tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lý Khắc Cường, hai bên đã dành nhiều thời gian trao đổi và đạt nhất trí về một loạt các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước, nhất là thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính giữa hai nước bước sang giai đoạn phát triển mới cân bằng, hiệu quả.

Hai bên nhất trí chú trọng áp dụng các biện pháp thiết thực cải thiện hơn nữa sự mất cân bằng thương mại hai nước, mở rộng hơn nữa hợp tác về đầu tư, tài chính tiền tệ. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác về nông nghiệp, môi trường, khoa học công nghệ, giao thông vận tải; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tăng cường hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi chân thành, thẳng thắn về một số bất cập trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước hiện nay; đề nghị hai bên đẩy nhanh giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong các dự án hợp tác tại VN; nêu rõ những ưu tiên và tiêu chí trong chiến lược phát triển bền vững của ta làm cơ sở quy hoạch, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước phát triển trong thời gian tới.

Phía TQ khẳng định sẵn sàng thúc đẩy thương mại song phương phát triển cân bằng, ổn định; khuyến khích doanh nghiệp TQ mở rộng nhập khẩu các mặt hàng có sức cạnh tranh của VN, bao gồm nông, lâm, thủy sản, gạo, các sản phẩm sữa, hoa quả đã chế biến.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết TQ đã áp dụng nhiều biện pháp tăng cường nhập khẩu các mặt hàng của VN, trong đó có mặt hàng gạo; sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để VN thành lập thêm các văn phòng xúc tiến thương mại tại một số địa phương của TQ; tăng cường đầu tư vào các dự án phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển bền vững của VN.

Trong chuyến thăm, hai bên đã ra Thông cáo chung đánh giá quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua, đề ra các định hướng, biện pháp cụ thể trong thời gian tới; ký kết được hơn 10 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính, nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu, giáo dục, du lịch.

Phía TQ đã cam kết viện trợ thiết bị hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu trị giá 20 triệu NDT dành cho VN; hỗ trợ VN nghiên cứu các giống lúa, cây trồng thích nghi với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long. Hai bên nhất trí triển khai hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, xử lý thỏa đáng các vụ việc nảy sinh về nghề cá trên biển phù hợp với quan hệ hữu nghị hai nước.

Ba là, kiểm soát tốt bất đồng, ổn định tình hình trên biển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước VN, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông đối với chiến lược phát triển của mỗi nước, sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ Việt - Trung và đối với hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế; đề nghị các bên kiềm chế không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa.

Lập trường của VN là kiên trì giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, thông qua đàm phán tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; bày tỏ mong muốn ASEAN và TQ đạt được thỏa thuận đề cương của COC giữa năm 2017, hoàn tất COC trong năm 2017 nhân dịp 15 năm ký DOC (2002).

Hai bên nhất trí tuân thủ “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển VN - TQ”, phát huy tốt các cơ chế đàm phán hiện có; thực hiện toàn diện, hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

PV