Có mặt tại họp báo Chính phủ chiều tối 5/11, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi lời chia buồn tới gia đình có thân nhân gặp nạn trong vụ 39 người tử nạn tại Anh.

Bộ trưởng lưu ý, cần tách bạch giữa hai việc khác nhau là quản lý lao động nước ngoài với tội phạm buôn người, hay việc di cư bất hợp pháp qua nước ngoài. Việc đưa người đi lao động nước ngoài được thực hiện theo luật Đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài.

Theo đó, tất cả quốc gia đưa người đi lao động ở nước ngoài đều có bản hiệp định lao động và bản ghi nhớ giữa 2 quốc gia.

{keywords}
Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung: Không nên đi theo con đường bất hợp pháp và con đường không được cấp phép

Tư lệnh ngành lao động cũng cho hay, những người đi lao động nước ngoài hợp pháp thường đi theo 5 hình thức: qua các DN được Bộ cấp phép; đi theo hợp tác giữa các DN, tập đoàn và công ty giữa 2 nước; đi cá nhân, ký trực tiếp với tổ chức ở nước ngoài nhưng đăng ký với Sở LĐTBXH và cơ quan ở nước ngoài; hợp tác đào tạo giữa 2 bên được cấp phép; và gần đây, Chính phủ cho phép hình thức trao đổi và hợp tác công việc giữa 2 nước trong thời gian ngắn hạn.

“Hiện nay chúng ta có khoảng gần 400 DN được cấp phép, đủ tư cách đưa người Việt đi lao động nước ngoài. Ba năm qua, mỗi năm ta đưa trên 100.000 người đi lao động đi nước ngoài, chủ yếu sang Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Thông tin về tình hình lao động ở châu Âu, ông Dung cho hay Việt Nam ký hợp tác với 2 quốc gia là Rumani (đã đưa khoảng 3.000 người đi) và Đức (đã đưa 1.066 điều dưỡng viên sang lao động).

"Tôi đã trực tiếp kiểm tra nơi những người này làm việc tại Đức, kiểm tra việc ăn ở thì thấy cuộc sống tương đối tốt. Mức thu nhập ban đầu là 2.600 euro, sau đó thỏa thuận tăng lên 3.000 euro", Bộ trưởng thông tin.

Ông cũng nhấn mạnh: “Chúng ta đưa người Việt đi lao động nước ngoài đều đảm bảo sự minh bạch, công khai địa bàn, mức thu phí, mức lương từng doanh nghiệp. Ai đưa đi đều được cấp visa, hộ chiếu, bảo hộ công dân và đóng BHXH”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng LĐTBXH cũng nêu thực tế có hiện trượng DN không có chức năng đưa người lao động ở nước ngoài nhưng vẫn trá hình đưa người đi. Hoặc DN không được cấp giấy phép nhưng làm cò mồi, làm chui, làm lậu. 

Thời gian qua, các cơ quan chức năng xử lý nhiều, đều chuyển cơ quan điều tra làm rõ hành vi vi phạm.

"Trong tổng số gần 400 DN được cấp phép đưa người đi lao động nước ngoài, ông Dung cho hay vừa qua đã thanh tra, kiểm tra 118 DN. Và trực tiếp Bộ trưởng đã thu hồi giấy phép, thậm chí cấm vĩnh viễn DN vi phạm, trong đó có DN có bề dày 25 năm", ông Dung cho biết.

Bộ trưởng cũng nêu thực tế các địa phương, có nhiều người đi nhưng hết thời hạn trốn ở lại, không chịu về, điển hình năm 2016 có 56% người lao động Việt ở lại Hàn Quốc, sau 3 năm kiên trì vận động giờ còn 26%.

Ông khuyến cáo người dân, nhất là thanh thiếu niên đi lao động nên đi theo con đường hợp pháp, thông qua các cơ quan được cấp phép, ở nước sở tại, phải được DN bên đó ký hợp tác với mình, và được bảo hộ công dân với mức lương được thỏa thuận giữa các nước.

“Chúng tôi trực tiếp thỏa thuận và công khai tên tuổi, danh sách tất cả các đơn vị hợp pháp. Người dân không nên đi theo con đường bất hợp pháp và con đường không được cấp phép”, Bộ trưởng lưu ý.

Thu Hằng - Hồng Nhì - Trần Thường

Sớm thông báo danh tính nạn nhân vụ 39 người chết về địa phương, gia đình

Sớm thông báo danh tính nạn nhân vụ 39 người chết về địa phương, gia đình

Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan thông báo về các địa phương và gia đình - Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Công an trả lời báo chí.