- Sau 40 năm, những người làm báo Việt Nam đều chia sẻ nhận định những đồng nghiệp bên kia chiến tuyến đã đóng góp rất nhiều vào việc giúp thế giới nhìn đúng về cuộc chiến VN.

Trong các cuộc hội thảo, tọa đàm được tổ chức liên tục dịp kỷ niệm 40 năm kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, những người làm báo lão thành có dịp gặp nhau để một lần nữa nhìn nhận lại những năm tháng tác nghiệp ở chiến trường, cũng như nhìn nhận vai trò của những người cầm bút, cầm máy ở bên kia chiến tuyến.

Đề dẫn cho hội thảo quốc tế "Báo chí về đề tài chiến tranh" do Học viện Báo chí Tuyên truyền tổ chức hôm nay, PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện, nhận định: Chiến tranh là một trong những mối quan tâm lớn nhất của loài người. Để đáp ứng nhu cầu thông tin đó, nhà báo luôn có mặt tại những điểm nóng nhất trên thế giới. Những thông tin báo chí nóng hổi về cuộc chiến có vai trò quan trọng trong việc giúp dư luận có cái nhìn đúng đắn về cuộc chiến.

{keywords}

Ảnh: VTV

"Nhà báo chính là những người trong cuộc, nhân chứng lịch sử, nhưng cũng là người tái hiện lịch sử theo cách thức riêng. Không chỉ phản ánh chân thực những diễn biến của cuộc chiến, thông tin từ họ còn lan tỏa đến công chúng qua thời gian và không gian, thức tỉnh loài người, thuyết phục nhân dân thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa, chấm dứt chiến tranh, bảo vệ hòa bình", ông Trương Ngọc Nam nói.

Có thể kể ra trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, báo chí VN đã có những tên tuổi nhà báo nổi tiếng như Trần Kim Xuyến, Đinh Thúy, Trần Đăng, Hồng Hà, Thép Mới, Phạm Phú Bằng, Đoàn Công Tính... Nhiều nhà báo quốc tế cũng làm nên tên tuổi khi đưa tin về chiến tranh VN: Malcolm W. Browne, Bob Simon, Eddie Adams (Mỹ); Françoise Demulder (Pháp); Hubert Van Es (Hà Lan); Henry Burrows (Anh); Wilfred Graham Burchett (Australia); Robert Capa (Hungary); Nick Út (người Mỹ gốc Việt); Henri Huet (người Pháp gốc Việt)...

"Những nhà báo này đã góp phần quan trọng trong dấu ấn lớn nhất mà báo chí làm được ở cuộc chiến giữa Mỹ và VN: thay đổi chính kiến của người dân Mỹ. Từ thái độ ủng hộ cuộc chiến trong những năm đầu, đến nghi ngờ mục đích của cuộc chiến tranh và cuối cùng là phản đối cuộc chiến đó, góp phần đưa đến quyết định của Mỹ rút quân khỏi VN", ông Nam nói.

"Năm 1975, nhà nghiên cứu truyền thông người Canada Marshall Luhan nhận xét: 'Truyền hình đã đưa những hình ảnh tàn khốc của cuộc chiến vào tận các phòng khách của từng hộ gia đình ở Mỹ. Cuộc chiến VN đã thất bại từ ngay trong những phòng khách này chứ không phải trên chiến trường VN'. Câu trích nổi tiếng này đã cho thấy sức mạnh thay đổi cả cục diện cuộc chiến của báo chí".

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Ban Tuyên giáo TƯ, khẳng định: "Chiến tranh không bao giờ là sự lựa chọn, càng không bao giờ là mong muốn của một dân tộc. Với dân tộc VN, đối mặt với hàng chục hàng trăm cuộc xâm lược từ phía biển, từ đất liền, chiến tranh là sự tự vệ, là sự lựa chọn bất đắc dĩ khi bị dồn đến chân tường. Từ thời đại Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, đến thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta đều cầm vũ khí là để bảo vệ Tổ quốc, để giữ được độc lập, tự do".

Có lẽ chính chính nghĩa đó là điều mà các phóng viên quốc tế đã nhìn thấy khi đến VN, để rồi chính họ đã thay đổi cách nhìn của mình về cuộc chiến, sau đó qua những bài báo, bức ảnh, thước phim của mình thay đổi cách nhìn của công chúng nước họ.

"Trong chiến tranh, báo chí luôn phải đứng ở một phía nào đó, vì xét cho cùng, báo chí mang tính giai cấp, nhưng ở chiến tranh VN, báo chí cả hai bên đã cùng đứng về phía sự thật, phía chính nghĩa", ông Nguyễn Thế Kỷ nhận định.

Trong buổi tọa đàm về tác nghiệp của phóng viên chiến trường chiều nay tại TTXVN, nhà nhiếp ảnh Ngô Minh Đạo kể một câu chuyện: Những năm ở Quảng Trị, tôi đã gặp một phóng viên người Anh ở bên sông Thạch Hãn, người đã viết bài và sử dụng ảnh của TTXVN để gửi về nước. Nhờ những nhà báo như thế mà công chúng nước ngoài biết nhiều hơn về chiến tranh VN.

Nhà báo Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo VN, cũng ghi nhận: "Công chúng phương Tây chắc chắn tin truyền thông phương Tây hơn là tin chúng tôi, vì chúng tôi đưa tin về đất nước mình. Vì vậy, chúng tôi biết ơn các nhà báo phương Tây đã đưa tin khách quan và ủng hộ VN trong cuộc kháng chiến chống Mỹ".

Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi chia sẻ: "Giờ chiến tranh đã kết thúc, mong rằng truyền thông thế giới tiếp tục thông tin trung thực, tạo sự thấu hiểu lẫn nhau giữa các dân tộc, để thế giới không còn những phóng viên chiến tranh mà chỉ còn những phóng viên hòa bình".

Chung Hoàng