- “Chúng ta cứ cho đi rồi tự nhiên khắc được nhận lại. Hồi đó tôi giúp các cháu bé nhiễm HIV và hôm nay cháu bé ấy giúp tôi bình an qua đường. Thế là cháu bé trả ơn tôi rồi đấy!”, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam chia sẻ trong buổi trò chuyện với báo chí.

Tai hại từ sự vô ý

Mấy chục năm công tác trong ngành y, làm việc ở nhiều vị trí quan trọng, vị giáo sư (GS) già chứng kiến và đúc rút biết bao bài học xương máu từ những cú vấp ngã của đồng nghiệp.

{keywords}
GS Hùng: Tôi đã được trả ơn rồi đấy!

Câu chuyện về một nam bác sĩ bị nữ bệnh nhân kiện tội quấy rối tình dục luôn được GS Hùng lấy làm bài học cho học trò mình.

Anh em báo cáo về vụ kiện tụng ở một bệnh viện. Trên đường đi công tác tôi đã ghé vào vì muốn nghe tận tai vị bác sĩ kia bộc bạch.”, GS Hùng kể.

Theo bản tường trình của nam bác sĩ, chuyện xảy ra trong phòng phẫu thuật. Bác sĩ này có nhiệm vụ gây mê hồi sức, còn bác sĩ mổ chính đang đi rửa tay.

Bệnh nhân trước khi phẫu thuật được đặt ống thông tiểu, chẳng may ống thông tiểu bị tuột ra ngoài.

Chẳng thấy nhân viên y tế nào, nam bác sĩ gây mê tiện tay đặt lại ống thông tiểu cho bệnh nhân.

Sau ca phẫu thuật, nữ bệnh nhân này đã đệ đơn tố cáo nam bác sĩ lạm dụng tình dục mình.

Khi ban giám đốc bệnh viện hỏi ý kiến, GS Hùng cho biết rất thông cảm và tin rằng nam bác sĩ bị oan. Thế nhưng một mặt GS vẫn yêu cầu kỷ luật vị bác sĩ này ở mức độ nhẹ.

GS Hùng lý giải: “Ban đầu mọi người thấy ý kiến của tôi mâu thuẫn, nhưng khi tôi lý giải tất cả đều thấy rất đúng. Anh ta làm bác sĩ mà không thuộc lời dạy của Hải Thượng Lãn Ông: khi xem bệnh cho đàn bà, con gái và đàn bà góa, ni cô cần phải có người nhà bên cạnh mới bước vào phòng để tránh hết sự nghi ngờ…”.

Như vậy, bác sĩ này đã vô ý phạm phải sai lầm thăm bệnh cho đàn bà con gái ở trong phòng kín mà không có người thứ 3, dẫn tới bị hiểu lầm là khó tránh.

Ngoài câu chuyện trên, GS Hùng cũng lưu ý nhân viên y tế không chỉ chú tâm điều trị, chăm sóc cho người bệnh khi họ sống mà còn phải tỉ mỉ, chu đáo ngay cả khi họ qua đời.

Một hình ảnh do sự bất cẩn của một nhân viên y tế khiến GS Hùng suốt nhiều năm trời vẫn còn ám ảnh.

Lúc đó GS được nhân viên báo người nhà bệnh nhân đang rất phẫn nộ, khóc lóc thảm thiết. Khi xuống tận nơi xem, quả tình bản thân GS thấy hình ảnh vô cùng phản cảm.

Nam bệnh nhân vừa qua đời, nằm trên giường bệnh. Xác định bệnh nhân tử vong, cô y tá rút kim truyền dịch ra khỏi tay và…không cầm máu cẩn thận.

Máu rỉ từ vết kim ra, loang đỏ trên mảng khăn trải giường trắng toát. Gia đình bệnh nhân bức xúc vì con trai mình đã chết mà còn bị chảy máu như vậy.

Sau cảnh tượng ngày hôm ấy, tôi cứ nhắc đi nhắc lại với các đồng nghiệp, học trò mình rằng: chúng ta ngoài chuyên môn giỏi, điều trị tận tâm cho bệnh nhân, nhưng ngay cả khi họ mất chúng ta vẫn phải đối xử như lúc còn sống.

Một giọt máu nhỏ ra ở tay người còn sống còn có thể châm trước, nhưng với người đã khuất lại vô cùng bất kính.”, GS Hùng nhấn mạnh.

Kỷ niệm đẹp về tình thầy thuốc - bệnh nhân

Bên cạnh sự cố, tình huống hiểu lầm, vẫn tồn tại rất nhiều câu chuyện đẹp về tình thầy thuốc bệnh nhân.

{keywords}
Có không ít y, bác sĩ tâm huyết với nghề, ngày đêm chăm lo sức khỏe người dân. Ảnh: Thanh Huyền.

Bởi thế, vị GS già nhắn nhủ: “Cuộc đời có nhân có quả, nghề y cũng vậy. Chúng ta cứ làm hết sức mình, tận tâm với bệnh nhân đừng vụ lợi. Có thể người được chúng ta giúp không báo đáp ta ngay nhưng lại có một người khác giúp đỡ ta.

Hôm đó, GS từ nhà mình ở khu Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội) đi bộ qua đường để sang siêu thị. Xe cộ đông như mắc cửi, tới mức hễ GS vừa đặt chân xuống lòng đường lại có xe phóng qua mặt.

Ngay trong lúc không biết cách nào qua đường, bất ngờ một cậu bé đen đúa, ăn mặc lem luốc chạy tới nắm tay dắt GS qua đường.

Tôi không kịp phản ứng, chỉ biết nhắm mắt đưa chân đi theo thằng bé. Sang tới bên kia đường nó bảo, thôi chào bố nhé. Tôi gọi với theo hỏi cháu là ai thì thằng bé ngoái lại cười, nói bố không nhớ con à, con ở trong hội trẻ em nhiễm HIV được bố cưu mang đấy.

Tới lúc này tôi mới ngớ ra, sướng rơn người. Tôi tự nhủ ngày xưa mình giúp nó, giờ nó dắt mình qua đường là trả ơn mình đấy!”, GS Hùng mỉm cười.

Cách đây vài năm, chứng kiến cảnh trẻ em đường phố nhiễm HIV bị kỳ thị, GS Hùng thương lắm. Mỗi lần hễ tụ họp lại là những đứa trẻ này lại bị ngăn cản, xua đuổi.

GS Hùng đã viết giấy, liên hệ giúp các bé được mượn hội trường tại khu phố để sinh hoạt. Một lần, GS lén ghé xem buổi họp mặt của những đứa trẻ và ông đã rất hài lòng, sung sướng.

Những đứa trẻ dạy nhau cách làm sao để không lây nhiễm HIV cho người khác, dạy nhau về đường lây của HIV, chúng còn trao đổi nhau cách kiếm sống.

Qua những câu chuyện trên, chúng ta thấy bên cạnh số ít hạt sạn, xã hội vẫn không thiếu các thầy thuốc có tâm với nghề. Vai trò của người thầy thuốc vô cùng quan trọng.

Khi đứa trẻ sinh ra, người đầu tiên đón nó đến với cuộc đời không phải cha mẹ mà là bác sĩ. Chúng ta lớn lên, ốm đau bệnh hoạn chăm sóc, chữa bệnh cho ta cũng là bác sĩ. Và ngay cả khi ta nhắm mắt xuôi tay, người đầu tiên sửa soạn, tiễn ta cũng là những nhân viên y tế.” - GS Hùng nói.

Thanh Huyền