"Theo tôi vấn đề đặt ra là phải truy cứu trách nhiệm của những người đề ra chủ trương này, chứ không thể dừng ở đây được. Hà Nội đã vi phạm, gây bức xúc cả nước thì Hà Nội không thể tự thanh tra mà thanh tra Chính phủ phải vào cuộc", GS.TS Nguyễn Lân Dũng nói tại hội thảo.

Chiều 23/3, tại Hà Nội diễn ra hội thảo “Từ đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội”, thu hút rất đông các nhà khoa học, quy hoạch và luật sư đến tham dự. Tuy nhiên không có đại diện của UBND TP.Hà Nội cũng như Sở Xây dựng Hà Nội.

Hà Nội không thể tự thanh tra

GS.TS Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành sinh vật Việt Nam đánh giá, đề án chặt hạ 6.700 cây xanh tại Hà Nội đã gây ra bức xúc vô cùng lớn trong nhân dân. 

"Thủ đô Việt Nam rộng thứ 3 thế giới, chỉ sau Bắc Kinh và Tokyo. Hà Nội rất đẹp nhờ hồ và cây. Chúng ta đã lấp rất nhiều hồ. Bài học đó đau đớn lắm rồi, giờ lại đến cây xanh. Có 50.000 cây mà chặt tới 1/7, thì tôi không thể tưởng tượng nổi", GS.TS Nguyễn Lân Dũng nói đầy tiếc nuối.

{keywords}
GS.TS Nguyễn Lân Dũng đề nghị thanh tra Chính phủ cần vào cuộc làm rõ những sai phạm trong đề án chặt 6.700 cây của Hà Nội.

Theo GS Dũng, Hà Nội không thèm quan tâm đến các nhà khoa học, không thèm quan tâm đến nhân dân. Điều đau xót là Hà Nội không biết rút kinh nghiệm.

Ông Dũng cho rằng, việc thành phố lấp liếm do nhà tài trợ nôn nóng và do thông tin không đầy đủ là chưa thỏa đáng. Thành phố khẳng định không phải chiến dịch, nhưng đây rõ ràng là chiến dịch: Huy động đông người, triển khai cấp bách.

"Quy hoạch cần phải lâu dài, không thể cứ quy hoạch là lại chặt cây. Trong khi việc chặt cây không có trong quy hoạch, vì vậy ở đây cần phải thanh tra. Theo tôi vấn đề đặt ra là phải truy cứu trách nhiệm của những người đề ra chủ trương này, chứ không thể dừng ở đây được. Hà Nội đã vi phạm, gây bức xúc cả nước thì Hà Nội không thể tự tranh tra. Truyền thông các Mỹ, Đức, Trung Quốc, Thái Lan... họ cũng đã lên tiếng cả rồi nên thanh tra Chính phủ phải vào cuộc", GS Nguyễn Lân Dũng đề nghị.

Đồng quan điểm, luật sư Phạm Đức Bảo, ĐH Luật Hà Nội cho rằng, việc chặt cây mang tính triệt hạ như vừa qua chính là sự vi phạm.

Trách nhiệm này phải làm đến nơi đến chốn. Ít nhất phải có lãnh đạo đứng ra chịu trách nhiệm. Thái độ cầu thị, thái độ dũng cảm là không có. 21 câu hỏi như 21 phát đại bác mà không nhận được trả lời.

"Tôi đồng ý không để Hà Nội tự thanh tra, tự giải quyết mà phải do Chính phủ vì anh đã vi phạm Điều 10 và 14 Luật Thủ đô, vi phạm Nghị định 64 của Chính phủ", luật sư Bảo nhấn mạnh.

{keywords}
TS. Nguyễn Tiến Hiệp mang mẫu vật là cành cây "vàng tâm" trên phố Nguyễn Chí Thanh và khẳng định, đó chỉ là cây mỡ

Từng có nhiều năm làm công tác quy hoạch cây xanh, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường đô thị cho rằng đề án chặt cây của Hà Nội vừa không có cơ sở khoa học, vừa không có thực tiễn.

"Quyết định dừng chặt cây là chưa đủ, chưa tương xứng. Nếu dũng cảm thì phải xin lỗi dân vì đã làm một việc phản khoa học. Không đúng thì phải sửa, phải lên kế hoạch giải quyết ngay hậu quả, vừa xử lý người có liên quan, kể cả những người cao hơn. Sở Xây dựng chỉ là người chấp hành thôi", GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng nêu ý kiến.

500 cây hay 2.000 cây?

Liên quan đến số cây xanh tại Hà Nội bị chặt hạ, Sở Xây dựng Hà Nội trước đó khẳng định mới chỉ chặt 500 cây.

Tuy nhiên tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, luật sư khẳng định, con số thực tế lớn hơn rất nhiều lần.

Luật sư Trần Vũ Hải - Trưởng VP luật sư Trần Vũ Hải thống kê, chỉ tính riêng đường Nguyễn Chí Thanh đã gần 400 cây, đường Nguyễn Trãi 500 cây, chưa kể nhiều tuyến phố khác. Người bạn tôi cũng đã đi lòng vòng nhiều con phố có cây bị chặt và khẳng định, số cây bị chặt phải 2.000 cây. Con số này có cơ sở.

Nhấn mạnh đến những sai phạm trong đề án chặt cây, ông Hải phân tích, đề án này vi phạm Luật Thủ đô, trong đó có điều cấm chặt phá cây xanh, không được chặt phá trừ trường hợp bất khả kháng. Theo Nghị định 64 của Chính phủ về Quản lý cây xanh, trường hợp được cấp phép cũng không có.

{keywords}
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng cung cấp thông tin sốc: Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông không hề nhắc tới việc chặt cây.

"Qua nghiên cứu trực tiếp, Sở Xây dựng Hà Nội cũng không cấp phép mà chỉ có công văn cho phép chặt hạ, thay thế", ông Hải khẳng định.

Nói thêm về vấn đề này, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng cho biết, Nghị định 64 chỉ quy định 3 loại cây chặt không cần xin phép bao gồm: cây bị đổ và có nguy cơ đổ gây nguy hại, cây chết và cây nằm trong các dự án kinh tế phát triển.

Với các trường hợp khác, muốn chặt phải có đơn xin phép chặt cây nào, phải được chụp ảnh, địa chỉ ở đâu, lý do vì sao phải chặt. Tuy nhiên Hà Nội đã không tuân thủ những điều này.

"Trong đề án làm tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, tôi được mời tham gia đánh giá tác động môi trường của dự án, nhưng thực tế đề án không hề nhắc tới việc phải chặt 2 hàng xà cừ 2 bên", ông Đăng công bố thông tin sốc.

Cây thay thế là gỗ mỡ, không phải vàng tâm

Liên quan đến những tranh cãi về loại cây được trồng thay thế trên các con phố Hà Nội thời gian qua là vàng tâm thật hay giả. Tại hội thảo, các nhà khoa học một lần nữa khẳng định: Các cây được trồng là gỗ mỡ, chứ không phải vàng tâm trong sách đỏ.

Trực tiếp đến tận nơi thu nhận cành lá của cây "vàng tâm" trên phố Nguyễn Chí Thanh và mang mẫu vật đến hội thảo, TS. Nguyễn Tiến Hiệp - Trung tâm bảo tồn thực vật Việt Nam khẳng định cây thay thế đích xác là gỗ mỡ.

"Đây là cây bình thường, gỗ không tốt đâu, là nguyên liệu sản xuất giấy ở vùng Tuyên Quang, Yên Bái. Nó thuộc họ mộc lan cùng với vàng tâm chứ không phải là vàng tâm trong sách đỏ", TS Hiệp cung cấp thêm.

Với cây gỗ mỡ, TS.Hiệp cho biết, cây sẽ ra hoa vào tháng 2-3, hoa kéo dài từ 25-30 ngày. Ban đầu thoang thoảng thơm, nhưng khi rụng nhiều thì tạo ra mùi xú uế rất khó chịu.

"Với kiến thức về sinh học, tôi dự đoán khả năng chết của những cây này rất cao. Tôi đã thử nghiệm trồng cây này ở vườn ươm nhưng chết rất nhiều", TS.Hiệp nhận định.

Theo ông Hiệp, các cây họ mộc lan phải sống ở độ cao trên 300m ở điều kiện tự nhiên. Còn trường hợp nó có sống được cũng không nên đưa vào vì đây không phải cây bóng mát.

Nói thêm về điều kiện sống của cây gỗ mỡ, GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, độ cao của Hà Nội chỉ 6m so với mặt nước biển, không có độ chua, không có mnù, không có độ ẩm thì cây khó sống được.

"Kể cả nếu nó mọc được, 10 năm nữa cũng không có bóng mát không. Cả vàng tâm lẫn mỡ đều không thích hợp", GS Nguyễn Lân Dũng khẳng định.

Nói về chuyện chặt cây sâu bệnh, GS Dũng chia sẻ, cây cũng giống như người, lúc khỏe, lúc yếu. Chuyện cây bị bệnh là chuyện bình thường, vấn đề là cứu hay không cứu, hay cứ bệnh là chặt hạ. Ở Mỹ cây 500 tuổi bị sâu người ta vẫn cố cứu.

TS.KTS Phó Đức Tùng - Nguyên chủ nhiệm bộ môn Lâm nghiệp đô thị, ĐH Lâm nghiệp cũng đặt ra câu hỏi: Tại sao những cây đó yếu, tại sao cây sâu bệnh? Vì từ trước đến nay, Hà Nội chưa bao giờ trồng cây đúng quy cách.

"Trồng cây đô thị khác hẳn cây lâm nghiệp hay nông nghiệp. Phải được trồng bằng giá thể, vi lượng. Ở các nước, họ chỉ trồng vài loại cây. Với hiện trạng trồng cây như hiện tại, thì dù có trồng cây mới gì đi nữa mà kỹ thuật vẫn như cũ thì cũng khó mà sống được", TS Tùng đánh giá.

Thúy Hạnh