Phạm Quang Linh (24 tuổi, quê Nghệ An), hiện đang sinh sống tại Angola (châu Phi). Linh và nhóm bạn đang mang lại một luồng “sinh khí” mới trên đất nước quanh năm chỉ có nắng cháy, khô cằn này.

Việc làm nhận được rất nhiều sự hưởng ứng

5 năm trước, Linh quyết tâm đến đất nước ở bên kia bán cầu tìm một cuộc sống mới. Thời gian đầu sang đây, chàng trai người xứ Nghệ làm nghề xây dựng.

Sau một thời gian làm việc, tích lũy được ít vốn, Linh đã mở một xưởng đá nhỏ để kinh doanh. Đây cũng là thời điểm Linh bén duyên với Youtube vào năm 2019.

Linh chia sẻ: “Công việc của mình bên này ban đầu làm xây dựng sau đó mình bắt đầu làm xưởng đá. Lúc này mình mới quay lại clip đăng lên Youtube để hy vọng có người xem và có thể chia sẻ công việc bên này để người thân biết được cuộc sống xa nhà. Mình không nghĩ lại có nhiều người biết đến như bây giờ”.

{keywords}
Chàng trai xứ Nghệ mang niềm tự hào Việt Nam đến với châu Phi. Ảnh: NVCC
{keywords}
 

Qua hai năm miệt mài ghi lại những khoảnh khắc sống và làm việc ở châu Phi đăng tải trên kênh Youtube “Quang Linh Vlogs - Cuộc Sống ở châu Phi”, đến nay đã được 1,77 triệu lượt người đăng ký.

"Kênh Youtube của Linh chủ yếu đăng tải những video cuộc sống thường nhật người dân đất nước Angola. Đặc biệt là những lần bỏ tiền túi mình ra để tặng quà, nhu yếu phẩm cho các em nhỏ nghèo ở Bailundo. Việc làm này nhận được rất nhiều sự hưởng ứng của người con Việt trên toàn thế giới" - Linh cho biết.

Mang bản sắc, văn hóa Việt đến với châu Phi

Linh hào hứng, bên cạnh những việc đã làm và nhận được những chia sẻ tích cực, Linh đã tìm cách kết nối mang bản sắc Việt đến với đất nước nửa vòng trái đất này.

Và Linh đã thực hiện một đám hỏi mang đậm phong cách Việt cho người dân Angola - có tên là Lindo. Đám hỏi được thực hiện công phu, chu đáo và đúng với bản sắc Việt, gồm có bưng mâm ngũ quả đưa đến nhà gái, thưa hỏi, tiệc mừng…

“Mang bản sắc của Việt Nam đến với người dân châu Phi luôn là tâm nguyện của mình và nhóm bạn. Việc làm nhỏ này để người dân nơi đây biết được văn hóa của Việt Nam và được người dân Angola đón nhận nên tôi rất vui" - Linh tự hào.

Trong quá trình xây dựng kênh Youtube, Quang Linh đã có một số bạn bè tạo thành nhóm để mang những nét văn hóa Việt Nam sang. Nhóm này gồm cả người Việt Nam và Angola.

{keywords}
Không khí Tết cổ truyền của Việt Nam được nhóm Linh thực hiện trên đất Angola.
{keywords}
Đám hỏi mang phong cách Việt đến với người dân Angola (châu Phi)
{keywords}
 

Quang Linh đã bỏ tiền túi để xây nhà cho các chàng trai người Angola trong nhóm. Một ngôi nhà đã được xây dựng xong của Lindo, bốn ngôi nhà đang xây của Maitiloi, Victori, Fendi, Doimingu. Tất cả 5 người này đều đi với Linh từ lúc xây dựng kênh Youtube đến bây giờ.

Bên cạnh kênh “Quang Linh Vlogs - Cuộc Sống ở Châu Phi”, Linh cùng nhóm của mình cũng xây dựng một kênh về nông nghiệp đó là: “Ẩm thực châu Phi”, kênh này đã đạt được hơn 600 nghìn lượt đăng ký với hai người bạn đồng hành là Đông và Hùng đang sinh sống tại Angola.

Các video đăng tải trên trên kênh được nhóm Linh đăng tải về ẩm thực Việt Nam và châu Phi. Điều đặc biệt là nhóm đã giúp người dân nơi đây biết trồng trọt hoa màu - việc mà trước nay ở đây chưa làm được. Đến nay những vườn rau cải, cây ngắn ngày như dưa leo, cà chua, bắp giống Việt Nam, sắn… được nhóm giúp người dân khai luống, chỉ dẫn cách chăm sóc và thu hoạch.

Hiện tại, nhóm cũng đang giúp người dân nơi đây chuẩn bị cho chăn nuôi đúng khoa học để có năng suất cao.

Linh tâm sự: “Thấy người dân nơi đây còn khó khăn về mặt trồng trọt và chăn nuôi nên nhóm quyết định hỗ trợ về mặt phương pháp. Mặc dù các anh em kinh nghiệm chưa nhiều nhưng được sự “tư vấn” nhiệt tình từ các bạn xem kênh nên hiện tại vẫn đi đúng hướng như dự định.”

{keywords}
Những luống rau trên đất khô cằn sỏi đá
{keywords}
Những quả dưa leo trên vùng đất châu Phi.

Nói về khó khăn của mình khi thực hiện những việc này, chàng trai xứ Nghệ chia sẻ: “Khó khăn về giao tiếp hiện tại mình cũng chưa giao tiếp giỏi lắm. Người dân bản địa họ dùng ngôn ngữ riêng của họ rất khó hiểu. Các món ăn cũng khá khác, họ chủ yếu ăn bột ngô chứ không sử dụng gạo như ở Việt Nam”.

Ý tưởng nhân văn 

Những việc làm trên được đón nhận đã thôi thúc nhóm bạn trẻ cần phải làm những gì tốt hơn cho người dân nơi đây. Linh và nhóm bàn bạc và đi đến quyết định thực hiện một dự án đó là “5000 trẻ được tới trường”.

Dự án này khởi phát cách đây chưa đầy 1 tháng khi thấy được sự khó khăn của các em nhỏ nơi này không có điều kiện đến trường.

“Dự án này là tâm huyết lớn nhất đối với nhóm, bên cạnh mong muốn giúp đưa 5000 em nhỏ đến trường, nhóm cũng đang triển khai sửa sang lại nơi học cho các em gồm sơn sửa phòng học và mua bàn ghế cho các em” - Linh nói về dự án của nhóm.

{keywords}
Nhóm Linh đang sửa chữa trường học để thực hiện dự án “5000 em được tới trường”.
{keywords}
 
{keywords}
Chàng trai 9X mang niềm tự hào Việt Nam đến châu Phi
{keywords}
 

Dự án này đang được cộng đồng của Linh ủng hộ nhiệt tình, nhóm của Linh sẽ bán áo để gây quỹ từ thiện. Mỗi chiếc áo bán ra sẽ giúp đỡ 1 em có điều kiện đi học trong vòng 1 năm. Hiện tại, số áo bán ra đã được hơn 1.000 cái.

Chia sẻ với VietNamNet về kinh phí, Linh tâm sự: “Kinh phí cho việc xây dựng nhà cửa, giúp đỡ người dân trồng trọt, sửa chữa trường học đều đến từ việc làm Youtube này.”

Theo Linh, hành trình đến với người dân Angola xuất phát từ tâm của mỗi thành viên trong nhóm. Anh đã được giúp đỡ nhiệt tình khi mới sang đây từ những người xa lạ. Đây là thời gian mà anh muốn mang lại một điều tốt đẹp gì đó đến với họ.

“Mình cảm nhận được họ sống tốt lên mỗi ngày và hạnh phúc dù thiếu thốn nhiều thứ. Chính vì những thứ như vậy mình muốn giúp đỡ nhiều người hơn nữa” - Linh xúc động.

Công Sáng

Trồng rau ở châu Phi, bộ đội Việt Nam khiến bạn bè quốc tế nể phục

Trồng rau ở châu Phi, bộ đội Việt Nam khiến bạn bè quốc tế nể phục

Mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng “mũ nồi xanh” của QĐND Việt Nam như một đại sứ, là cầu nối giữa Việt Nam với bạn bè các nước trong phái bộ và người dân nước sở tại.