- Cơn mưa tầm tã đón các anh – những chiến sĩ dũng cảm, tài hoa về lòng đất mẹ, còn lại đó nỗi tiếc thương cồn cào và hụt hẫng khôn nguôi…

Trong số 18 chiến sĩ anh dũng hi sinh trong vụ Mi-171 gặp nạn tại Hòa Lạc có nhiều người còn rất trẻ, nhưng cũng có không ít người là những phi công, huấn luận viên giàu kinh nghiệm.

{keywords}
Di ảnh đại tá Hoàng Lại Long. Ảnh: VTC

Các anh hi sinh khiến gia đình mất đi một người con, người chồng, người cha trụ cột, đất nước mất đi một chiến sĩ anh hùng, đồng đội mất đi một người lính chân thành, một tổ lái giàu kinh nghiệm…

Có mặt tại lễ truy điệu đồng đội vào sáng 11/7, trung úy Nguyễn Văn Cường (Trung đoàn 916) cho biết, anh vẫn không thể tin đồng đội mình đã hy sinh. Mọi thứ xảy đến quá bất ngờ.

“Đây là sự cố rất hy hữu, ngay cả những phi công dày dạn kinh nghiệm cũng không thể tin nổi vụ tai nạn lại có thể xảy ra”, trung úy Cường nói.

Theo anh Cường, đại tá Hoàng Lại Long (53 tuổi, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 916 – phi công lái chính chiếc Mi-171) là một người rất nhiều kinh nghiệm.

Anh đã có trên 1.600 giờ bay tích lũy, đã từng tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới phía Bắc, chiến trường Campuchia, đã có thời gian công tác tại Trung đoàn hơn 30 năm và là giáo viên dạy bay suốt từ những năm 1999 đến nay…

Trong quá trình công tác, anh đã từng bay trên rất nhiều loại máy bay như Mi-8, 24, 17, 171, 172… từng tham gia nhiều nhiệm vụ quan trọng như cứu hộ, cứu nạn, bay dập lửa… Gần đây nhất, đại tá Hoàng Lại Long là chỉ huy bay khắc phục sự cố sập cầu treo Chu Va (Tam Đường, Lai Châu).

“Vậy nên khi tai nạn xảy ra, mọi người rất bất ngờ, hụt hẫng. Anh ấy đã rất dũng cảm khi điều khiển máy bay tránh xa khu dân cư”, trung úy Cường nghẹn ngào nói.

Cũng theo trung úy Cường, là người giỏi giang nhưng mãi đến năm 39 tuổi đại tá Long mới lập gia đình.

Hiện anh Long có 2 con nhỏ, con gái lớn học lớp 7 còn cậu con trai út mới học lớp 2. Bố mẹ anh Long từng là công chức nghỉ hưu, nhưng hiện đã mất cả. Trước khi xảy ra vụ tai nạn, anh Long mới ứng lương để cho vợ đi chữa bệnh.

Khi nói về cuộc sống đời thường của đại tá Hoàng Lại Long, trung úy Trung không giấu được xúc động: “Phải nói anh Long là một trong những người cực kỳ quan tâm đến cấp dưới, sống cực kỳ gần gũi và tình cảm. Lúc nào anh ấy cũng hòa nhã, gần gũi, quan tâm và có trách nhiệm với đồng chí, đồng đội”.

Anh Trung cũng “tiết lộ”, đại tá Hoàng Lại Long là một người rất đa tài, cả về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ hay thể dục thể thao.

Kém đại tá Hoàng Lại Long 5 tuổi, trung tá Đặng Thành Chung (48 tuổi), giáo viên Dù , Trung tâm Quốc gia huấn luyện, tìm kiếm, cứu nạn đường không thuộc Quân chủng PK-KQ cũng là một con người cực kỳ ấn tượng trong mắt đồng nghiệp, bạn bè, những người chỉ gặp 1 lần và cả những người… chưa từng gặp.

Dù không công tác cùng đơn vị, song trung úy Trung cho biết, anh cũng nghe nói rất nhiều về anh Đặng Thành Chung, về sự đa tài, tính nhiệt huyết của anh.

{keywords}
Một bức ảnh trong chùm ảnh do anh Cao Mạnh Tuấn phối hợp cùng trung tá Nguyễn Thành Chung thực hiện. Ảnh: Cao Mạnh Tuấn

Nhắc đến tên anh Đặng Thành Chung, không ai ở CLB dù lượn Vietwings không biết, thậm chí anh Cao Mạnh Tuấn (PV báo Thể thao&Văn hóa) còn quả quyết, tên anh Chung nổi tiếng trong giới thể thao mạo hiểm khắp cả nước và cả ở nước ngoài. Người ta gọi anh là “người trời”.

Anh Tuấn cho biết, anh gặp anh Chung vào khoảng đầu năm 2011, thời điểm môn dù lượn đã mở rộng, tiếp nhận học viên bên ngoài.

Anh Chung là người rất muốn giới thiệu mở rộng môn thể thao hấp dẫn này ở Việt Nam và luôn mong mỏi một ngày nào đó các phi công Việt Nam có thể ra đấu trường quốc tế thi đấu.

{keywords}
Trung tá Đặng Thành Chung trong một lần nhảy dù. Ảnh: Đặng Thành Chung

Tại Việt Nam, anh Chung là một trong rất ít người được phong cấp Dù vuông - một loại dù có sải cánh đòi hỏi kỹ thuật điều khiển rất phức tạp, là cấp độ cao nhất trong làng dù.

Theo anh Cao Mạnh Tuấn, anh là một trong những phóng viên hiếm hoi được anh Chung lái dù để chụp ảnh. Bộ ảnh có tên Bay trên gấm vóc đã khiến mọi người vừa kinh ngạc, vừa thích thú.

Anh Tuấn khẳng định, anh Chung là một người rất ấn tượng, người đã biến giấc mơ bay của những người trẻ trở thành sự thật.

“Anh ấy là một người lính nhưng lại quảng giao. Lịch đi dạy, đi huấn luyện lúc nào cũng kín mít, nhưng thấy anh đi lại như con thoi, có khi vừa ở Nha Trang đã lại thấy về Hòa Lạc rồi hôm sau lại thấy ở Sài Gòn… Một con người quá nhiệt tình và yêu công việc”, anh Tuấn chia sẻ.

Anh Chung cũng là người có tình yêu đặc biệt với nhiếp ảnh. Hiếm có phi công nào chụp nhiều như anh và cũng hiếm có ai vừa bay vừa chụp như anh.

Anh thích chụp và chụp tất cả mọi người, tất cả những sự kiện mình tham dự để chia sẻ với bạn bè, người thân, nhiều báo cũng sử dụng để đăng tải.

Sự ra đi đột ngột của “người trời” đã để lại một khoảng trống vô hạn trong giới yêu thể thao mạo hiểm, trong lòng đồng đội và những người thân yêu.

T.Hạnh