- 14h chiều nay, TAND tỉnh Tiền Giang đã tiến hành tuyên án vụ chai nước Number 1 có ruồi của Tân Hiệp Phát.

{keywords}
Anh Võ Văn Minh nghe tòa tuyên án chiều 18/12. Ảnh: Hoài  Thanh

Theo đó, ngày 3/12/2014, trong lúc lấy chai Number 1 loại 350ml (là sản phẩm của Công ty TNHH TM – DV Tân Hiệp Phát) ra bán cho khách, anh Võ Văn Minh phát hiện trong chai nước có con ruồi.

Sau đó, anh Minh đã điện thoại cho công ty Tân Hiệp Phát đề nghị mua lại chai nước trên với giá 1 tỷ đồng, sau đó hạ xuống 500 triệu đồng để đổi lấy chai nước và sự im lặng. Nếu không thông tin trên sẽ được phát tán.

Lo sợ trước sự đe dọa của anh Minh, bà Trần Ngọc Bích - GĐ công ty Tân Hiệp Phát - đã thực hiện yêu cầu, xuất chi 500 triệu đồng giao cho nhân viên đem xuống cho bị cáo Minh.

Căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, HĐXX đánh giá bị cáo Minh đã thực hiện hành vi theo ý thức chủ quan, biết đây là công ty có thương hiệu lớn, có uy tín trên thị trường nên việc bảo vệ thương hiệu là việc sống còn.

Trong nhiều lần gặp gỡ với anh Minh, công ty Tân Hiệp Phát đã giải thích quy trình sản xuất để chứng minh trong chai nước không thể có ruồi. Công ty cũng cho biết không có chủ trương giải quyết khiếu nại bằng tiền nhưng anh Minh vẫn giữ nguyên ý định.

Khi anh Minh nhận tiền từ nhân viên công ty Tân Hiệp Phát, bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan CSĐT đã bắt quả tang vụ việc.

Tân Hiệp Phát bị "ép buộc ngoài ý muốn"

HĐXX xét thấy hành vi của bị cáo Minh là nguy hiểm cho xã hội. Lẽ ra khi phát hiện sản phẩm kém chất lượng, bị cáo phải liên hệ với Cơ quan bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng hay cơ quan chức năng để giải quyết. Tuy nhiên, vì muốn có tiền bị cáo đã sử dụng chai nước trên để yêu cầu Tân Hiệp Phát chi tiền.

Đối với tội cưỡng đoạt tài sản, người phạm tội phải có hành vi uy hiếp, đe dọa gây thiệt hại về vật chất và tinh thần. Người phạm tội có thể có hành vi uy hiếp tinh thần hay sử dụng một thủ đoạn khác. Hành vi của bị cáo Minh được cho là đủ yếu tố cấu thành tội phạm, không nhất thiết phải là bị cáo lấy được tiền hay chưa.

{keywords}

Anh Minh được dẫn giải sau phiên tòa. Ảnh: Mai Phượng

Về quan điểm đây là giao dịch dân sự, theo HĐXX, nếu là giao dịch dân sự thì các bên phải thỏa thuận hoàn toàn tự nguyện, không bên nào bị ép buộc. Trong vụ án này, anh Minh đã liên tục điện thoại cho Tân Hiệp Phát nếu không chấp nhận yêu cầu thì sẽ rải tờ rơi, đăng lên báo chí để công ty mất uy tín. Lời đề nghị của bị cáo Minh ở đây, do đó không phải là lời đề nghị giao kết hợp đồng mà là đe dọa.

Đối với doanh nghiệp, uy tín, thương hiệu là điều sống còn. Thời điểm xảy ra vụ việc là gần Tết Nguyên đán, không cần biết con ruồi xuất hiện từ đâu nhưng sự việc đã gây ảnh hưởng đến thương hiệu của công ty. Do vậy, Tân Hiệp Phát trong sự ép buộc ngoài ý muốn đã phải chọn cách giải quyết trên. 

{keywords}
Vợ bị cáo tại tòa. Ảnh: Mai Phượng

Hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Hành vi phạm tội này đặc biệt nghiêm trọng nên cần xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, xét thấy bị cáo có nhân thân tốt, chưa tiền án tiền sự, số tiền đã được thu hồi trả lại cho bị hại, bị cáo có hoàn cảnh khó khăn nên cần xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt. Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo mức án 7 năm tù.

Đối với vật chứng là chai nước, HĐXX xét thấy theo kết quả giám định chai nước đã bị mở nắp nên không đủ cơ sở xác nhận đây có phải là chai nước của công ty hay không. Tuy nhiên, qua vụ án, công ty cũng cần lưu ý hơn về việc đảm bảo chất lượng trong quá trình sản xuất.

Mai Phượng