Di tích lịch sử quốc gia từ đường cụ Nguyễn Khuyến (làng Vị Hạ, xã Yên Đổ, Bình Lục, Hà Nam) được xây dựng trên mảnh đất tổ tiên của thi hào để lại. 

{keywords}
Cổng vào từ đường thờ thi hào Nguyễn Khuyến có khắc 3 chữ: "Môn Tử Môn"

Cổng bước vào khu từ đường cụ Nguyễn nhô hẳn một bên ra phía ngõ, khách đến thăm bái phải “cua” một đường theo hình chữ “V”. Đấy là dụng ý cụ Nguyễn nhắc rằng, đây là nhà con một.

Trên cổng, bức đại tự đề 3 chữ: “Môn Tử Môn”, ý rằng, đấy là cửa ra vào của học trò. Những người đã đến bái sư cụ Nguyễn, sau này thành danh, xênh xang áo mũ, khi trở lại chốn này vẫn phải giữ đúng cái đạo học trò. 

{keywords}
Ông Nguyễn Thanh Tùng, hậu duệ đời thứ 5 của cụ Nguyễn Khuyến

Cái ao xuất hiện trong chùm thơ thu nổi tiếng, giờ đã hẹp lại. Ông Nguyễn Thanh Tùng, hậu duệ đời thứ 5 là người trực tiếp trông coi, chăm sóc từ đường cho biết, ngày trước, ao rất rộng, chạy dài đến tận mép con mương bao quanh làng. Thời kỳ hợp tác xã những năm 60, xã trưng dụng cái ao của cụ, kè bờ, đắp mảng, phân nhỏ thành dăm ba miếng…

Khi Từ đường thờ cụ Nguyễn Khuyến được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia, công tác trùng tu, tôn tạo mới được tiến hành. Chiếc ao cũ còn lại một khoảnh được be bờ vuông vắn. Học sinh cấp 3 trường huyện nhận việc trồng tre bụi bao quanh ao.

Hai ba lần trồng, đám tre mới sống, quấn quýt nhau đan cành, chằng tay, xanh rì cả một khoảng… Lũ chim biết đất lành, rủ nhau về cư trú. Sớm, chiều, tiếng chim chao chát cả một góc vườn.

{keywords}
Bức tượng tạc Thi hào Nguyễn Khuyến thong dong chống chiếc gậy trúc - món quà của con trai mang về trong một lần trẩy kinh ứng thí

Mùa hè, bè rau muống chen chân cùng với hoa sen, hoa súng. Mùa khô, nước cạn phơi rõ lòng ao, chỉ có tụi cá nhỏ vẩn vơ dưới những tàng rong rêu. Cái ao vuông vắn tựa như một chiếc nghiên lặng lẽ khuôn hết bầu trời.

Kế bên ao là con lạch nhỏ, nằm song song tựa như một chiếc bút với chiếc nghiên hướng lên trời. Ông Tùng lý giải, đó là dụng ý của cụ Nguyễn, cũng liên quan tới cách ấn trạch phong thuỷ của người xưa. Ao lớn, có một cái bờ cỏ thẳng ngăn ở giữa rồi mới đến một lạch nước. Nó là hai cái ao hình cái bút lông và cái nghiên mực của bậc sĩ phu.

Ao của cụ hình bán nguyệt, trước ở đây có một ngọn hải đăng rất cao xây bằng gạch và đắp hình quyển sách tung bay giữa trời.

{keywords}
Cái ao trong 3 bài thơ thu nổi tiếng: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh

Bên góc ao là bia đặt trong lầu xây hình bát giác khắc bài thơ “Thu điếu” bằng ba thứ tiếng (chữ Nôm, chữ quốc ngữ và tiếng Anh). Đường vào ao được lát gạch nghiêng một quãng.

Ngôi từ đường được che kín bởi hai cây nhãn cổ thụ. Nó là thứ nhãn quý được vua ban, cụ đem về trồng trong vườn nhà.

{keywords}
Bức cuốn thư treo ngay cửa ra vào là món quà mà cụ Dương Khuê - bạn thân cụ Nguyễn Khuyến tặng.

Qua khoảng sân rộng, khu đại tế mới được phục dựng nhưng vẫn giữ nguyên nền cũ, cao chín bậc, có lưỡng long chầu nguyệt. Cánh cửa gỗ đã lên nước, có mộng xoay, hẹp và thấp.

Thường hình lưỡng long chầu nguyệt người ta hay để trên nóc nhà nhưng cụ Nguyễn lại để… dưới đất. Có người đến hỏi, cụ Nguyễn chỉ tủm tỉm cười mà rằng, để như thế tránh nắng hướng đông và nắng dọi hướng tây. Thực ra, vì vua “bán nước” theo giặc Pháp, cụ không cho cưỡi lên đầu mà chỉ “cho chầu” trước nhà mà thôi.

{keywords}
Hậu cung thờ cụ Nguyễn Khuyến

Hậu cung vẫn còn đầy đủ những câu đối quý. Bức câu đối bằng thân dừa do vua Tự Đức ban. Ống quyển, tráp gỗ đựng sách, bộ triều phục mà cụ Nguyễn mặc khi đang làm quan Ngự sử đương triều. Cuốn thư cụ Dương Khuê tặng khi cụ đỗ đầu cả ba khoa (Khua trống ba hồi nhất cả ba/ Thép văn phiêu bạt khiếp người ta/ Vị Xuyên khoá trước chưa ai kịp/ Giáp Tý năm nay có bác mà).

Bức tượng lớn tạc hình cụ Nguyễn chống gậy trúc, dáng vẻ khoan thai thoát tục, mắt ngước nhìn trời xanh được đặt mé phải của hậu cung. Cây gậy là quà tặng của con trai cụ Nguyễn Khuyến - cụ Nguyễn Hoan.

Trên đường về qua mạn Thanh Hoá sau cả tháng trời lều chõng trảy kinh ứng thí, có một cụ già bước đến bảo cụ Nguyễn Hoan: “Nhìn ông, tôi biết ông có cha già. Xin tặng ông cây gậy này để dâng cha!”.

{keywords}
Ông Nguyễn Thanh Tùng, người chăm chút "vườn Bùi xóm cũ"

Cây gậy cong, nhiều mắt, các đoạn ngắn, hẹp, xếp đầy đặn. Rõ ràng không phải là một cây gậy đẹp thế nhưng nó toát lên vẻ cương trực, thẳng thắn và rất cứng cáp. Cụ Nguyễn ưng nên giữ nó bên mình cả đời.

Ông Nguyễn Thanh Tùng cho hay, ngôi từ đường còn giữ lại được nguyên vẹn tới ngày nay là cả một kỳ tích. Năm 1947, cụ thân sinh của ông Nguyễn Thanh Tùng (hậu duệ đời thứ tư của cụ Nguyễn Khuyến) làm Tham mưu trưởng Tỉnh đội Nam Hà. 

Giặc Pháp biết hậu duệ cụ Nguyễn tham gia cách mạng, tìm cách phá hoại. Đồn trưởng bốt Cầu Sắt đã cấm lính của mình đụng đến. 

{keywords}
Tấm bia khắc bài thơ Thu điếu nổi tiếng của cụ Nguyễn Khuyến

Thời loạn lạc, kẻ trộm vào lấy đôi rồng nạm ngọc trong ngôi từ đường mà chẳng bán được cho ai. Đến khi sắp chết, người này mới bảo con cháu, mang trả lại từ đường cụ Nguyễn.

Ông Tùng cho biết thêm, cách đây mươi năm, có một bà cụ 90 tuổi sai con cháu cáng đến tận nhà ông Tùng. Sắp gần đất xa trời, bà đến mang trả mảnh gỗ, một phần câu đối của cụ Nguyễn Khuyến. Bà cụ đến xá tội với gia đình, vì đã trót dại lấy câu đối của cụ… đóng giường cưới cho con trai. Ông Tùng nhận mảnh gỗ, cất giữ trong số những kỷ vật của cụ Nguyễn Khuyến để lại.

Giải mã bí ẩn rừng lim cổ thụ được thần trăn bảo vệ

Giải mã bí ẩn rừng lim cổ thụ được thần trăn bảo vệ

Là niềm tự hào của người dân xã Hậu Thành (Yên Thành, Nghệ An), rừng lim nguyên sinh núi Tháp Lĩnh có cả nghìn cây cổ thụ 2 đến 3 người ôm không xuể.

Thái Bình