- Việc các thủ khoa, thạc sĩ, tiến sĩ thi trượt công chức tại Hà Nội là chuyện bình thường, bởi hầu hết thí sinh đều là người giỏi.

Lý giải này được Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nêu sáng nay tại hội nghị tổng kết chương trình 04 của Thành ủy về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" giai đoạn 2011-2015.

Theo báo cáo tổng kết, trong số cán bộ, công chức Hà Nội có 54 tiến sĩ, 900 thạc sĩ , 11.870 cử nhân. Khối viên chức có 275 tiến sĩ, 3.182 thạc sĩ, 50.149 cử nhân. Hầu hết số cán bộ đều được đào tạo lý luận chính trị, có kiến thức chuyên môn vững.

{keywords}
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị

Theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Hà Nội có cơ chế đào tạo, thu hút, sử dụng đội ngũ trí thức, nhân lực có tay nghề cao trong các trường đại học, viện nghiên cứu, đóng góp trên địa bàn chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước.

Đề cập đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, ông Nghị nhắc lại câu chuyện thi tuyển công chức thời gian qua.

Ông cho rằng, một nơi mà nguồn nhân lực sẵn sàng ứng cử vào các vị trí làm việc với mật độ đông như Hà Nội thì việc tiến sĩ, thạc sĩ thi không đỗ "cũng là bình thường thôi". Bởi theo ông lý giải, hầu hết người thi đều là những người giỏi, đều là thạc sĩ, tiến sĩ, thủ khoa cùng thi với nhau.

"Nếu như có thạc sĩ nào, cử nhân nào, thủ khoa nào trượt thì giữa các thủ khoa, người này đỗ thì người kia trượt, chứ làm sao trúng hết được. Nếu trúng hết thì khỏi cần phải thi, chỉ việc thông báo ngày này ngày kia xin  mời các vị thạc sĩ, thủ khoa đến ghi tên vào làm việc thôi".

"Đã nói thi thì có người trúng, có người trượt", ông Nghị nhấn mạnh.

Lãnh đạo Hà Nội cũng khẳng định, vấn đề có hay không tiêu cực, móc ngoặc, hối lộ cũng cần phải xem xét, xử lý.

Cần sớm ban hành bộ quy tắc ứng xử

Cũng tại hội nghị, Bí thư Phạm Quang Nghị yêu cầu Ban chỉ đạo chương trình 04 cần xác định thời điểm đưa ra bộ quy tắc ứng xử cho người Hà Nội.

"Tuy vẫn có ý kiến trao đi đổi lại nhưng cơ bản đồng thuận, vừa làm vừa bổ sung, hoàn thiện, rút kinh nghiệm. Đề nghị Ban tổ chức xác định thời điểm đưa bộ quy tắc này ra, chưa đưa ngay đồng bộ 4 -5 lĩnh vực thì đưa trước 1 - 2 lĩnh vực như giáo dục, thực hiện xem như thế nào. Rồi  trong các cơ quan công sở, bệnh viện, bác sĩ, y tá phải như thế nào. Chứ bây giờ các đồng chí nghiên cứu lâu quá", Bí thư Nghị nhắc nhở.

Ông cho rằng, muốn xây dựng Thủ đô văn hóa, trước hết phải xây dựng con người có văn hóa. Nếu cứ nói những điều có tính chất mong ước, lý tưởng nhưng tự mình lại không thực hiện thì rất khó để có một Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Hồng Nhì