HTML clipboard
- Hơn 2 ngày đường từ Tiền Giang về Tam Kỳ (Quảng Nam), rồi dò hỏi đường tìm về nhà người em ruột của mình, bà không thể tin khi nhìn tấm ảnh thờ và tấm bằng Tổ quốc ghi công mang tên mình treo bên cạnh.

Sự thực hiện hữu là bà vẫn còn sống và đã tìm về sau 36 năm 'là liệt sĩ', trong niềm vui đầy nước mắt.

Nữ chiến binh trên đất lửa Khu 5

Chiến tranh ngày càng ác liệt, mới 15 tuổi đầu, bà Nguyễn Thị Ngọc (SN 1952, ở thôn 4, xã Kỳ Thịnh, huyện Tam Kỳ, Quảng Nam, nay là thôn 5, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh) trốn nhà lên rừng theo cách mạng.

Sự nghiệt ngã của chiến tranh ác liệt trên chiến trường Khu 5 đã cướp đi một phần thân thể và trí nhớ của bà. Mãi đến bây giờ, trong ký ức của mình sau hơn 40 năm kể từ ngày lên rừng và tìm đường trở về quê hương, bà chỉ còn nhớ mang máng khu vườn cũ và những người em ruột thịt.

“Liệt sĩ" Nguyễn Thị Ngọc trở về kể chuyện những ngày lưu lạc

Tôi gặp bà và những đứa em ruột của mình trong niềm vui đoàn tụ ngập tràn nước mắt vào buổi sáng đầu tháng 8 khi bà lần tìm về quê cha đất tổ.

Bà Ngọc nhớ lại: Năm 1966, cả khu căn cứ Ao Lầy xã Tam Vinh là trọng điểm đánh phá của địch. Nhìn cảnh làng quê bị tàn phá, cô gái trẻ Nguyễn Thị Ngọc (Khi bị thương mất trí nhớ bà khai là Đặng Thị Bích Ngọc) lên rừng tham gia du kích.

Đánh nhau với địch tại quê nhà gần 1 năm, bà được điều động về Trung đội 2, Đại đội 4 thuộc đơn vị cơ động Khu 5 làm cán bộ y tá phục vụ chiến trường.

“Những năm đánh nhau ác liệt trên chiến trường Khu 5, tui bám theo đơn vị làm nhiệm vụ cứu thương và tải đạn...” - bà Ngọc nhớ lại.

Trong một trận đánh ác liệt của đơn vị tập kích vào Plâyku (tỉnh Gia Lai) vào ngày 16/8/1967, bà đã bị thương nặng khi đang cứu chữa cho thương binh. Viên đạn ác nghiệt đã xuyên qua ngực trái làm bà mất 1 lá phổi và một viên khác găm vào cổ. Đồng đội đã khiêng bà vượt qua lửa đạn về điều trị tại bệnh xá Quân khu 5 đóng tại huyện Trà My. 

“Hồi đó tui tưởng là chết rồi. Ai ngờ vẫn còn sống, nhờ mấy đồng chí trong đơn vị tận tình cứu chữa, các bác sĩ quân y phẫu thuật cắt một lá phổi bên trái. Nhưng vết thương trên đốt sống cổ quá nặng, ảnh hưởng đến thần kinh, tui không nhớ chi hết...”, bà Ngọc hồi tưởng.

Do vết thương tái phát, đến cuối năm 1967, bà Ngọc được đơn vị chuyển ra điều trị tại Bệnh viện E Hà Nội. Những ngày điều trị bệnh giữa lòng thủ đô, bà đã quen và nên nghĩa vợ chồng với một thương binh đang điều trị tại đây tên là Bùi Văn Bé Hùng, quê Cai Lậy, Tiền Giang.

Nhờ sự tận tình chăm sóc của các y bác sĩ và tình yêu chắp cánh, hơn 1 năm điều trị, các vết thương hồi phục, bà Ngọc cùng chồng lại khăn gói lên đường trở về đơn vị cũ vào cuối năm 1969 để tiếp tục chiến đấu.

Bà Ngọc rưng rưng nước mắt cầm tấm ảnh thờ mình tại nhà người em

Chiến tranh đã cuốn hai vợ chồng bà vào những trận đánh sinh tử trên khắp chiến trường Khu 5 và Tây Nguyên. Rồi giải phóng hoàn toàn miền Nam, bà và chồng sát cánh bên nhau cùng đơn vị tiến về giải phóng Sài Gòn vào 30-4-1975.

Sau giải phóng, bà theo chồng về công tác tại Sở Y tế Tiền Giang, rồi về Bệnh viện Cái Bè. Đến năm 1982, vết thương cũ tái phát, lúc tỉnh, lúc mê nên bà nghỉ việc.

Hỏi tại sao bà không tìm về quê sau giải phóng, bà kể: “Giải phóng tui muốn tìm về nhà, nhưng điều kiện kinh tế khó khăn, rồi công việc cuốn trôi, rồi vết thương tái phát lúc tỉnh, lúc mê. Vậy mà đã 36 năm chừ mới tìm đường về quê hương...”.

Cuộc sống những ngày sau giải phóng quá cơ cực, bà cùng chồng về lại quê công tác, rồi vết thương tái phát, rồi cơm áo nuôi 5 đứa con ăn học, cứ thế cuốn bà vào vòng xoáy của cơm áo cuộc sống đời thường, nên con đường về lại quê với bà đã xa vời vợi.

Bà kể: “Nhiều lúc tỉnh tui nhớ quê da diết, nhớ cha mẹ, nhớ em. Nhưng khó khăn quá. Hồi vết thương tái phát, tui nghỉ việc, làm chế độ thương binh, nhưng hồ sơ thất lạc, không làm được. Tui cứ nghĩ thôi coi như mình đã hy sinh để cho cha mẹ ở quê hưởng chế độ liệt sĩ. Lần lữa mãi đến chừ nhờ con cái cho ít tiền, vay mượn thêm mới đủ tiền tìm về được quê”.

Liệt sĩ trở về

Sau giải phóng, gia đình không nhận được tin tức gì về bà. Đơn vị cũ tưởng bà đã hy sinh, vì mất liên lạc. Giấy báo tử gửi về, bà đã hy sinh không tìm được xác. Thế là bà được công nhận liệt sĩ.

Tấm hình duy nhất trước ngày bà lên rừng được người em lục tìm trong rương gỗ và phóng to đưa lên bàn thờ cùng với cha mẹ. Cạnh bên là tấm bằng tổ quốc ghi công treo trang trọng trong nhà.

Bà Ngọc bật khóc khi nhìn tấm ảnh thờ và bằng tổ quốc ghi công mang tên mình suốt hơn 36 năm qua

 

Người em con bên dì của bà là ông Nguyễn Ý Chí, nguyên cán bộ công an khu 5, người đã tiễn chân bà ra Bắc điều trị năm 1967 nhớ lại: “Lúc đó hai chị em gặp nhau ở Trà My, tui bảo chị cố ra điều trị, không biết chiến tranh chết sống thế nào, nếu còn sống thì cố tìm về”.

Bà đã tìm về sau chuyến đi điều trị bệnh, nhưng chiến trường Khu 5 ngày đó quá ác liệt, bà mải miết theo những đoàn quân chiến đấu đến ngày giải phóng.

Những năm sau giải phóng, ông Nguyễn Ý Chí nhiều lần cất công đi tìm hài cốt của bà, nhưng vô vọng. Vì không một dòng tin tức bà hy sinh ở đâu. Gia đình chỉ nhận được giấy báo tử đã hy sinh trong một trận đánh và mất xác ở chiến trường Khu 5.

Sáng ngày 7/8, khi nghe tin bà tìm về quê, ông Đặng Phú (87 tuổi) người cùng làng với bà lọ mọ tìm đến thăm. Ông Phú nhớ lại: "Ngày tui vào du kích nó còn nhỏ, khi nó lên rừng tui mới biết nó về làm y tá ở đại đội cơ động Khu 5 và kể từ đó đến bây giờ biệt tích. Cứ tưởng nó chết mục xương rồi. Ai ngờ chừ nó về, mừng quá...”.

Trong niềm vui đoàn tụ sau hơn 36 năm là liệt sĩ, bà Ngọc trở về trong ngỡ ngàng và niềm vui ngập tràn trong nước mắt của người thân
 

Anh Nguyễn Văn Vận, người em ruột của bà và cũng là người thờ cúng suốt 36 năm nay rưng rưng kể trong nước mắt: “Ngày chị Ngọc lên rừng tui còn ẳm ngửa. Sáng hôm qua (6/8) khi thấy hai người tìm về nhà, tui cứ tưởng là khách lạ đi hỏi mua cái gì. Ai ngờ khi chị Ngọc bước vào nhà nhìn tấm ảnh của chị trên bàn thờ, chị oà khóc. Lúc đó tui không tin đó là chị ruột của mình còn sống tìm về sau hơn 36 năm là liệt sĩ mà tui thờ cúng...”.

Đã 36 năm trôi qua, bà đã là liệt sĩ, tên tuổi, quê quán của bà vẫn được khắc ghi trên tấm bia nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Vinh (nay là thị trấn Phú Thịnh) huyện Phú Ninh. Tôi cùng bà ra nghĩa trang giữa trưa đầu tháng 8, bà lần tìm tên mình trên tấm bia đá và bật khóc.

“Tui còn sống trở về đây các đồng chí à. Mấy chục năm ni tui cùng ở đây với các đồng chí. Chừ tui về rồi, cho tui được thắp cho các đồng chí nén nhang...” - lời khấn cầu của bà trước những nấm mộ ở nghĩa trang liệt sĩ Tam Vinh giữa trưa tháng 8.

Vũ Trung