Khu vực nhà xe TCP tại ga quốc nội của sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM sáng 18/11 thông thoáng, không có tình trạng quá tải, chen lấn.

Nếu như những ngày trước, thang máy của nhà giữ xe không đủ để đáp ứng số lượng hành khách quá đông thì nay, khu vực này được rất ít người sử dụng.

{keywords}
Sáng 18/11, khu vực nhà xe TCP tại ga quốc nội của sân bay Tân Sơn Nhất thông thoáng. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

 

{keywords}
Các thang máy những ngày qua được hành khách sử dụng làm lối đi lên tầng 3, 4 để đón xe taxi công nghệ thì sáng 18/11, khá vắng vẻ. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Đặc biệt, các thang bộ hai bên gần như không có người sử dụng để di chuyển lên những tầng phía trên. Nếu có, cũng là các hành khách từ các tầng lầu phía trên đi xuống tầng trệt.

{keywords}
Thang bộ dẫn lên tầng 3, 4, 5 hầu như không có hành khách sử dụng. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Theo tìm hiểu của PV, từ ngày 14/11, khi sân bay Tân Sơn Nhất áp dụng cách thức mới với xe công nghệ, nhiều hành khách chật vật chờ thang máy, rồi leo bộ 3-4 tầng lầu mới đón được xe, vì chi phí rẻ.

Sau ít ngày, với nhiều phiền phức đó, nay đa số hành khách đành ngậm ngùi chọn các hãng xe taxi truyền thống, xe dịch vụ để rời sân bay dù giá thành khá cao.

Do đó, làn D nằm trong nhà xe TCP cho loại xe này luôn trong tình trạng đón khách liên tục, khách xếp hàng dài đợi xe. Trong khi đó, khu vực bắt xe công nghệ trở nên yên ắng, ít người đợi.

{keywords}
Khu vực dành cho hành khách bắt các hãng xe công nghệ vắng vẻ, ít khách đợi, bắt xe. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Trao đổi với PV, chị Tâm có nhà tại quận Tân Phú (TP.HCM) cho biết, chị chọn xe taxi truyền thống cho thuận tiện, nhanh chóng. Sau khi có quy định phân làn mới, việc đón xe taxi công nghệ trở nên khó khăn.

“Để bắt taxi công nghệ, tôi phải đi thang máy lên tầng 3, 4 của nhà xe, rất mệt mỏi, nên ra làn D, bắt xe về cho tiện. Hơn nữa, nếu đi xe grab phải đặt trước, rồi lại phải đợi xe tìm đường lên đón. Nói chung, tôi thấy rất lâu và phức tạp. Thôi thì, đắt hơn một tí nhưng đi xe dịch vụ, taxi truyền thống nhanh và thuận tiện hơn”, chị Tâm chia sẻ.

{keywords}
Hành khách phần lớn di chuyển sang làn D để đón xe. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Khó chấp nhận độ chênh về giá

Nhiều hành khách cũng cố gắng sử dụng thang máy để lên tầng 3, 4 đón xe công nghệ. Họ khó chấp nhận độ chênh giá giữa loại hình taxi truyền thống, dịch vụ so với taxi công nghệ.

Một hành khách cho biết, giá cuốc xe dịch vụ vận tải từ sân bay đến đường Lê Hồng Phong (quận 5) hơn 200.000 đồng. Trong khi đó, cùng quãng đường, nếu đi taxi công nghệ, khách chỉ phải trả mức giá 105.000 đồng.

{keywords}
Hành khách vẫn hết sức bức xúc về việc phải đón xe công nghệ tại các tầng 3, 4, 5 trong bãi giữ xe. Bởi, việc phân làn này dẫn đến nhiều bất cập, khó khăn. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Liên tục gọi điện thoại hỏi vị trí của khách, một tài xế taxi công nghệ chia sẻ, việc bắt buộc taxi công nghệ phải lên tầng cao đón khách khiến anh rất vất vả. Bởi, khi lên đến nơi, anh và khách rất khó tìm được vị trí của nhau. Thậm chí, cả hai đứng sát bên vẫn phải gọi điện thoại, do khu vực bãi xe có nhiều điểm khuất tầm nhìn.

"Thêm nữa, khách đi máy bay đã mệt, còn bắt họ phải đi lên tầng cao. Có khi lên đến nơi, họ vẫn phải đợi xe chạy lên lầu. Trong khi, bãi này bí hơi, nóng nực, rất khó chịu. Do đó, nhiều khách đành bỏ xe công nghệ, chuyển sang đi xe dịch vụ, taxi truyền thống dù giá cao hơn nhiều”, tài xế này thông tin.

{keywords}
Tài xế taxi công nghệ phải mở cửa, xuống xe để xác định vị trí của khách đặt xe. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Theo ghi nhận, sáng 18/11, do thưa khách, các tài xế xe công nghệ phải gửi xe trong bãi, đi bộ xuống tầng trệt để đón khách, dẫn khách ngược lên tầng để đi xe. Tuy nhiên, vẫn rất ít hành khách chọn loại hình này do sự bất cập trong việc phân làn của sân bay.

Ôm đứa bé hơn một tuổi đang ngủ trên tay, chị Hoa liên tục dùng khăn thấm những giọt mồ hôi trên trán con. Chị nói, chị vừa đặt Grab car về nhà. Dù đã đợi hơn 15 phút, chị vẫn chưa thấy chiếc xe mình đặt xuất hiện. Chị lo cái nóng, ngột ngạt trong bãi xe sẽ làm con mình đổ bệnh.

{keywords}
Chị Hoa vừa ôm con vừa đợi xe trong cái nóng như phòng tắm hơi của bãi xe dành cho xe công nghệ. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Bên cạnh chị Hoa, một gia đình khác gồm nhiều thành viên đang đứng đợi xe. Nam thanh niên liên tục gọi điện thoại, dáo dác tìm xe. Trong khi đó, hai ông bà lớn tuổi trong nhóm người này liên tục thở dốc.

Chia sẻ với PV, người phụ nữ lớn tuổi cho biết, trước đây không có chuyện khách phải lên lầu trên như thế này để bắt xe.

"Chúng tôi gọi xe lâu lắm rồi, tài xế nói xe đang lên lầu mà mãi chưa thấy. Ở đây nóng, ngộp quá. Người đổ mồ hôi nhiều, rất khó chịu, mệt mỏi”, bà nói và tỏ ra khó chịu, đòi quay lại xuống dưới để đi taxi truyền thống.

{keywords}
Nhóm gia đình mệt mỏi vì đợi xe quá lâu trong. Anh thanh niên dáo dác tìm xe trong sự bực bội. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Nghe bà nội than mệt, bé gái 3 tuổi tên Tường cũng gục đầu xuống vai mẹ than nóng, đổ mồ hôi. Mẹ của bé liên tục dỗ dành nói, xe sắp đến bé gái mới tạm quên cái nóng như trong phòng tắm hơi.

Trước đó, trao đổi với VietNamNet, Chánh Văn phòng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất Lưu Việt Hùng cho biết, việc điều chỉnh, phân làn lại nhằm đảm bảo giao thông thông thoáng để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

“Trước khi phân làn mới, sân bay thường xuyên ùn tắc gây kẹt xe ảnh hưởng dẫn đến hành khách đi tàu bay trễ chuyến. Ngoài ra, hoạt động vận tải dừng đậu, chèo kéo bắt khách đã gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự"- ông Hùng thông tin.

Ông cho biết quá trình sắp xếp, phân làn, cảng ưu tiên đến quyền lợi của các hãng có ký hợp đồng nhượng quyền khai thác với Cảng.

Xe công nghệ và đặc biệt là hãng Grab được điều chỉnh di chuyển lên tầng 3, 4 và 5 của nhà xe TCP là do các đơn vị này chưa ký nhượng quyền khai thác.

Lý do Grab bị ‘gạt’ lên tầng cao đón khách sân bay Tân Sơn Nhất

Lý do Grab bị ‘gạt’ lên tầng cao đón khách sân bay Tân Sơn Nhất

80% xe vào sân bay Tân Sơn Nhất đón khách là taxi công nghệ và hoạt động bát nháo gây mất trật tự, an toàn giao thông.

 

Nguyễn Sơn