Để thuận lợi cho người dân và phương tiện lưu thông, các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và TP Đà Nẵng có hướng dẫn chi tiết về việc di chuyển, đi đến địa phương.

Cấp phù hiệu cho phương tiện

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành quy định và hướng dẫn việc cấp phù hiệu (xanh - vàng - đỏ/hồng) cho các phương tiện.

Theo đó, phù hiệu màu xanh để kiểm soát phương tiện (vận tải hàng hóa/hành khách) từ vùng không có dịch và xe công vụ vào tỉnh.

Phù hiệu màu vàng để kiểm soát phương tiện đi ngang qua tỉnh. Phù hiệu màu đỏ để kiểm soát phương tiện vận tải hàng hóa từ vùng có dịch vào tỉnh. 

Trong khi đó, Đà Nẵng quy định người dân được vào TP là người về từ các khu vực thôn xóm không có ca mắc cộng đồng trong vòng 14 ngày, các khu vực không phải là khu vực cách ly, phong tỏa, nơi có xã, phường không áp dụng Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 16, khu vực không phải là khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao theo quyết định 2686.

{keywords}
Các tỉnh miền Trung nới lỏng quy định di chuyển, đi lại

Cùng với đó, người dân muốn vào TP phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72h.

Công dân trước khi vào TP phải thực hiện đăng ký trực tuyến để được cấp mã QR vào TP. Mã QR này sẽ thay thế cho khai báo y tế vào TP.

Người dân cần vào đăng ký trực tuyến tại địa chỉ: https://khaibaoyte.danang.gov.vn (hoặc tải app Danang Smart City trên điện thoại) rồi vào mục "Đăng ký vào Đà Nẵng" để đăng ký và được cấp mã QR để sử dụng khi di chuyển vào TP.

Việc di chuyển vào TP đối với trường hợp cấp cứu và người trên phương tiện hoạt động trên "luồng xanh" vận tải toàn quốc khi vào TP vẫn áp dụng như trước đây.

Cách ly tập trung người về từ địa phương áp dụng Chỉ thị 16

UBND tỉnh Quảng Nam ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời trong việc quản lý đi lại của người dân từ các tỉnh, TP đến địa phương và ngược lại trong giai đoạn hiện nay.

Cụ thể với người từ Đà Nẵng đến Quảng Nam và về trong ngày chỉ cần khai báo y tế, cam kết thực hiện đi và về trên một tuyến đường cố định. Người có nhu cầu ở lại nếu đã tiêm đủ 2 liều vắc xin, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19. Những trường hợp khác thì cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày.

Ngoài ra, cách ly tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày, sau đó tự theo dõi sức khỏe, không hạn chế đi lại đối với người có đến/ở/về từ các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 hoặc vùng vàng (tiêm đủ 2 liều vắc xin; đã khỏi bệnh Covid-19); người đến/ở/về từ các địa phương thực hiện theo Chỉ thị 19 hoặc khu vực bình thường mới hoặc vùng xanh chưa tiêm liều vắc xin nào.

{keywords}
Trường hợp đến/về từ địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 sẽ cách ly tập trung 

Cách ly tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày đối với người đến/ở/về từ các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 hoặc vùng vàng và chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin.

Cách ly tập trung 7 ngày người đến/ở/về từ các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đáp ứng một trong 2 điều kiện đã tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19 (liều cuối cùng được tiêm ít nhất 14 ngày), hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.

Tương tự Tỉnh Phú Yên, cách ly tập trung 14 ngày người đến/về địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16.

Trường hợp đến/về từ vùng dịch (không thuộc diện phải cách ly tập trung) nhưng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin thì thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày. Với những trường hợp tiêm đủ 2 liều vắc xin thì thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày.

Tại tỉnh Bình Định đang áp dụng Chỉ thị 19 quy định, đối với người đến/về tỉnh từ vùng dịch, thực hiện cách ly y tế theo Công văn số 6386/BYT-MT của Bộ Y tế.

Riêng công dân đến/về từ TP.HCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An thì thực hiện theo Công điện số 1265/CĐ-TTg ngày 30/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, đối với người được tỉnh tổ chức đón về thì thực hiện cách ly y tế theo kế hoạch của UBND tỉnh.

Đối với người tự phát đến/về tỉnh (không theo kế hoạch của UBND tỉnh) thì thực hiện cách ly y tế theo quy định, phải tự chi trả chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 và chi phí cách ly.

Tỉnh Quảng ngãi tiếp tục dừng hoạt động giao thông vận tải, trừ các trường hợp: phục vụ cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa, nguyên vật liệu thiết yếu, các yêu cầu phòng, chống dịch; cấp cứu, khám chữa bệnh; các trường hợp khẩn cấp.

Với những phương tiện lưu thông trên các tuyến đường giao thông huyết mạch ngang qua vùng phong tỏa, như: Quốc lộ, tỉnh lộ nhưng chỉ được phép đi qua, không dừng, đỗ đón trả khách, giao nhận hàng hóa (nếu dừng, đỗ giao nhận hàng, đón trả khách phải cam kết rõ địa điểm, thời gian để phục vụ quản lý, kiểm tra, giám sát y tế).

Hồ Giáp

Hậu Giang giãn cách theo Chỉ thị 19, người dân không được tự ý ra vào tỉnh

Hậu Giang giãn cách theo Chỉ thị 19, người dân không được tự ý ra vào tỉnh

Chính quyền tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu quyết định áp dụng biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 19, trong đó quy định người dân không được tự ý di chuyển ra/vào tỉnh.