- Cuộc khảo sát mới nhất của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho kết quả khiến người uống cà phê bệt có thể giật mình: một nửa số mẫu cà phê được mua ngẫu nhiên từ các hàng cà phê bệt, cà phê lề phố, xe đẩy có hàm lượng caffeine rất thấp, thậm chí có mẫu hoàn toàn không có caffeine.

Những con số đáng báo động

Sau 3 đợt khảo sát từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2016, trên các mẫu cà phê bột và cà phê nước tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Sóc Trăng và Lâm Đồng, kết quả cho thấy tổng cộng có tới 9 mẫu cà phê hoàn toàn không phát hiện hàm lượng caffeine. 

{keywords}
Cà phê chế biến bằng bột bắp được phát hiện ở Đắk Lắk
Riêng trong cuộc khảo sát đã được tiến hành ở bốn tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Sóc Trăng. 253 mẫu cà phê được lấy ngẫu nhiên từ nhiều địa điểm và loại hình kinh doanh cà phê khác nhau: từ tiệm lịch sự, căn tin bệnh viện cho đến cà phê cóc, cà phê bệt, vỉa hè, xe đẩy. 

Kết quả cho thấy có 1/3 số mẫu cà phê (chiếm 30,04%) có hàm lượng caffeine dưới 1g/1 lít. Đặc biệt trong đó có 5 mẫu hoàn toàn không chứa caffeine, và điều đáng nói là các mẫu này đều được tìm thấy từ những điểm bán cà phê bệt, cà phê cóc trên lề phố.

Cụ thể hơn, trong 176 mẫu cà phê từ các quán nhỏ, quán cóc thì có 3 mẫu không chứa caffeine, 46 mẫu có hàm lượng caffeine cực thấp dưới 1g/L. Trong 61 mẫu cà phê từ căn tin bệnh viện, vỉa hè xe đẩy có 2 mẫu không chứa caffeine và 27 mẫu có hàm lượng dưới mức tối thiểu. Nếu làm một phép tính nhẩm thì có thể thấy gần một nửa số mẫu cà phê (47,54%) từ các quán nhỏ, quán cóc, vỉa hè, xe đẩy có chất lượng kém, không phải là cà phê.

Theo một báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ theo dõi định kỳ ngành cà phê Việt Nam, ta có thể tính ra được số ly cà phê mà người Việt tiêu thụ trong một năm là 16,8 tỉ ly. Con số này được tính dựa trên số lượng cà phê rang xay tiêu thụ trong thị trường nội địa niên vụ 2015/2016 là 2,25 triệu bao, tương đương với 135 triệu kg. 

Căn cứ theo tiêu chuẩn của Specialty Coffee Association of America (Hiệp Hội Cà Phê Đặc Biệt Hoa Kỳ) trong liều lượng pha một ly cà phê thì 135 triệu ký cà phê nguyên liệu có thể pha được tối đa 18,875 tỉ ly cà phê. Cách pha này theo tiêu chuẩn của espresso (ly nhỏ và đậm), trong khi người Việt thường pha loãng để có thể kết hợp với đường và sữa, như vậy con số thực tế có thể sẽ cao hơn 16,8 tỉ ly nhiều.

{keywords}

Cà phê độn đậu nành tại cơ sở rang xay cà phê Q.Bình Tân vừa bị phát hiện ngày 15/7. Ảnh: T.Trẻ 

Tóm lại, mỗi năm người Việt uống hàng tỉ ly cà phê, không ít trong số đó đến từ cà phê bệt, quán cóc, vỉa hè, căn tin. Nhưng một nửa số cà phê từ các nơi này không phải là cà phê nguyên chất, thậm chí khó có thể gọi đó là cà phê.

Cà phê pha bằng...nước mắm

Chúng ta đang uống gì ở vỉa hè ? Câu trả lời là: nước đậu nành, bắp rang cháy trộn hàng chục hóa chất: bột CNC (chất làm keo), chất tạo bọt trắng, caramen tạo mùi, tinh sữa, tinh ca cao, tinh cà phê, bơ công nghiệp, đường hoá học, bột vani và cả…nước mắm. 

Cuộc kiểm tra vào ngày 15/7 vừa qua của Đoàn thanh tra liên ngành TP.HCM cùng các cơ quan chức năng “đột kích” và phát hiện một số cơ sở rang xay cà phê tại Q.Bình Tân và huyện Bình Chánh sản xuất cà phê “độn” đậu nành, Theo chủ cơ sở, ngoài kinh doanh cà phê “nguyên chất”, ông nhận gia công sản phẩm cà phê “độn” cho nhiều mối hàng, với giá 1.500 đồng/1kg. 

Thông thường, cà phê “độn” đậu nành được thực hiện theo yêu cầu của khách với các tỉ lệ 40 đậu nành/60 cà phê hoặc 50 đậu nành/50 cà phê. Chưa kể cơ sở này còn chứa khối lượng lớn đậu nành chưa qua rang xay và loại hương liệu là... nước mắm dùng để pha chế “tăng độ ngon” cho cà phê.

{keywords}

Người Việt dù biết rõ cà phê trộn chất lượng kém, pha tạp chất nhưng vẫn vô tư uống. Ảnh minh họa

Trên thị trường đang tràn lan những loại cà phê bột, cà phê hòa tan với giá cực rẻ, chỉ từ 40-60.000 đồng/ kg. Theo tính toán của những nhà sản xuất cà phê thì với giá cà phê như hiện nay, để sản xuất ra một kg cà phê bột (gồm nhân công sấy, xay, đóng gói, bao bì nhãn mác…) phải 100.000đ trở lên. Do đó, nếu giá cà phê bột bán với giá một nửa thì chỉ có bột bắp, đậu nành mà thôi, bởi giá bắp chỉ khoảng 8 – 9.000đ/kg, đậu nành khoảng 13.500đ/kg. Tỉ lệ bắp và đậu được chia theo “công thức riêng” của mỗi cơ sở bán chế biến cà phê.

Ông Nguyễn Quang Bình – chuyên gia phân tích diễn biến kinh tế xã hội ngành hàng cà phê, bày tỏ: “Là một trong những nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, người tiêu dùng Việt nói chung, người yêu cà phê Việt nói riêng xứng đáng uống một ly cà phê nguyên bản. Vậy để tiên phong, các nhà sản xuất cà phê lớn nên minh bạch thành phần, nếu trộn thì ghi rõ cà phê trộn ngay trên bao bì, nếu nguyên bản thì ghi rõ là nguyên bản vì chúng tôi có quyền được biết”.

Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, nếu không có cầu thì sao có cung? Chính thói quen uống cà phê của người Việt cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng cà phê độc, bẩn, trộn trôi nổi trên thị trường. Hầu hết mọi người vốn đã quen hương vị và độ đặc của ly cà phê trộn nên nếu có dịp được uống cà phê nguyên chất thì sẽ cho rằng nó không ngon bằng. Lý do là cà phê nguyên chất có hương thơm tự nhiên chứ không dậy mùi như cà phê trộn, chỉ có những người sành cà phê mới thưởng thức được. 

Và để đạt được độ đặc hấp dẫn như cà phê trộn, nếu dùng cà phê nguyên chất thì sẽ phải cần gấp ba liều lượng. Vậy nên chính thói quen uống cà phê đậm, đắng, đặc và được pha sẵn của người Việt đã dẫn đến chuyện dù biết rõ cà phê trộn chất lượng kém, pha tạp chất nhưng họ vẫn vô tư uống. Cà phê bệt vỉa hè, quán cóc và xe đẩy vẫn cứ thế ăn nên làm ra, ngày càng nở nồi, phát triển.

Vậy, muốn thay đổi, rất cần phải có sự đồng bộ. Thay đổi thói quen, thay đổi hành vi, thay đổi cách làm, cách kinh doanh, quản lý.

Vũ Hoài