- “Nếu ông muốn yên thân ông hãy dừng lại ngay”, một số bậc cao niên liên tục nhận được những lời đe dọa kiểu khi họ ngày ngày cố ra sức bảo vệ hai cây sưa hàng trăm năm tuổi, được định giá khoảng 150 tỷ, ở ngôi đền Đức Thánh Nhì.

Hai gốc sưa ở đền Đức Thánh Nhì ở thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) là biểu tượng văn hóa, tâm linh của dân làng Phụ Chính.

Mỗi cây cao hàng chục mét và đường kính hơn một mét, hai ba người ôm mới xuể. Người ta ví đó là hai khối vàng ròng lộ thiên bởi giới buôn sưa sành sõi từng định giá có rẻ lắm thì cũng bán được tầm 150 tỷ đồng.

Hiếm có ngôi làng nào trên đất nước này sở hữu kho báu khổng lồ đến thế, nhưng chính vì nó mà từ năm 2010 đến tận bây giờ Phụ Chính không có lấy một ngày yên.

{keywords}
Gốc sưa làng Phụ Chính

Ông Vũ Văn Xuyện, Hội người cao tuổi thôn Phụ Chính nói: Oan ức, rắc rối, lo lắng, sợ hãi cũng từ đây mà ra cả!

Ông Xuyện là một trong số 22 người thuộc BQL gỗ sưa mà dân làng Phụ Chính lập ra để bảo vệ, gìn giữ và quản lý hai cây sưa cổ.

Năm 2010, khi một số cành sưa gẫy đổ vì mưa bão, các cụ già trong thôn đã tổ chức họp bàn với dân làng khai thác thêm phần cành sưa già cỗi bán đấu giá lấy tiền sửa chùa và một số công trình phúc lợi khác.

Sau khi đầy đủ thủ tục, người dân thôn Phụ Chính xin ý kiến UBND xã, đồng thời thông báo rộng rãi để bán đấu giá trong thời gian kéo dài một tháng.

Nhiều lái gỗ đã tham gia đấu giá và ông Dương Văn T. ở làng Đồng Kị (Từ Sơn, Bắc Ninh) trúng đấu giá 2,506 m3 với số tiền 20,5 tỉ đồng.

“Ngày 13/9/2010, dân làng mời thầy cúng làm lễ xin khai thác những phần gỗ mục ở hai cành sưa chừng 2,5m, cộng với phần gẫy đổ được 1,9 tấn. Đó thực sự là những ngày giông gió ở ngôi làng vốn dĩ bình yên bên bờ sông Đáy. Sau cơn bão của trời đất đổ bộ, một “cơn bão” khác kéo về vần vũ làng Phụ Chính: Cơn bão của giới buôn gỗ sưa.

{keywords}
Vết cắt của cành sưa giá 20,5 tỷ đồng

Từ những đại gia buôn gỗ khét tiếng đến đám đầu trâu mặt ngựa xăm trổ kín thân mình đánh hơi về trục lợi. Con đường liên thôn ken kín những người là người.

Dân làng hoảng loạn, các cụ cao tuổi được tiến cử đứng ra bán số gỗ sưa trên cũng tim đập chân run, chỉ biết ngồi trong đình chùa cố thủ. Việc đấu giá được công bố công khai nhưng hết một ngày vẫn chưa có lái gỗ nào dám vào mua vì đám xã hội đen bảo kê, đòi tiền môi giới.

Bọn chúng tự đặt ra quy định, người nào muốn mua phải nộp một tỷ đồng. Làng quê náo loạn. Để tránh đám xã hội đen dằn mặt, giới buôn gỗ nghĩ ra cách cải trang thành dân nghèo đi xe máy hoặc đi bộ vào tìm các cụ cao niên thương lượng”, ông Xuyện kể thế.

Sau thương vụ 20,5 tỷ đồng, Phụ Chính không có lấy một ngày yên ả. Hai cụ sưa chẳng khác gì khối vàng ròng nằm tênh hênh trước ngồi đền Đức Thánh Nhì.

Sưa tặc chính hiệu từ khắp nơi kéo về đêm ngày phục kích chờ dân làng sơ hở. Làng Phụ Chính một mặt cắt cử người trong thôn luân phiên nhau canh gác 24/24, một mặt xây tường bao chung quanh gốc cây để bảo vệ.

Không một giây phút dám lơ là, ấy vậy mà đám sưa tặc vẫn không chịu thua.

Người làng kể, cách đây 3 năm, đêm 29/10/2012 cơn bão Sơn Tinh càn quét qua làng Phụ Chính, mưa lớn, gió giật, sấm chớp đùng đùng.

Lợi dụng lúc dân làng tập trung chống bão sưa tặc quyết định hành động. Cửa khóa cổng vào ngôi đền bị cắt, hàng rào bê tông quanh gốc sưa bị đập tan tành…

Phải đến sáng sớm, khi cơn bão đi qua, người làng mới phát hiện một trong hai nhánh ở cây sưa lớn hơn bị cắt trộm.

Ngọn cụ sưa cụt lủn, dưới gốc một đống mùn cưa thẫm màu như máu. Bên cạnh còn sót lại ngọn sưa dài tầm 3m mà không biết do động hay không thể khuân hết mà đám sưa tặc buộc phải bỏ lại.

{keywords}
Xây mật thất để bảo vệ gỗ sưa

Các bậc tại thượng làng Phụ Chính họp ngay. Và khi tĩnh tâm một chút họ mới giật mình, mấy hôm nay rất nhiều người lạ đi đi lại lại trước cổng đền, người làng đã cảnh giác lắm rồi nhưng không ai có thể ngờ bọn chúng lại ra tay vào đúng đêm mưa bão.

Trai tráng trong làng được huy động tất tật để truy lùng nhưng đám người kia đã tính toán kỹ càng hơn, bọn chúng không để lại bất kỳ chút dấu vết nào.

Sau lần mất trộm, hai cây sưa cổ được tăng cường bảo vệ nhằm đảm bảo một cách tuyệt đối. Kho báu của làng không thể chỉ trông chờ vào các bậc phụ lão hương thân mà sức khỏe lỡ có đi nhanh vài bước đã phải ngồi thở dốc.

Lại họp. Dân làng quyết định mỗi đêm thuê hai người khỏe mạnh, mỗi người 100 ngàn đồng ngủ ngay tại đền Đức Thánh Nhì để bảo vệ.

Hàng rào bằng bê tông cũng được dỡ bỏ, thay vào đó là những thanh sắt hàn thành hình lồng bao bọc quanh gốc sưa hệt như những chiếc giáp khổng lồ.

Trong đền đặt một chiếc trống, hễ có động tĩnh gì thì gióng báo ngay. Riêng phần ngọn sưa mà đám trộm cắp bỏ lại ban đầu được cất giữ bằng cách thay nhau trông.

Dần dà cảm thấy không an toàn nên người làng quyết định xây riêng một cái kho dạng như mật thất ở nhà văn hóa thôn để bảo vệ. Lối vào mật thất được bịt kín bằng tường bê tông. Người làng đã có quyết định, bao giờ có việc dùng đến sẽ cho phá dỡ mật thất này để lấy ra.

Khoảng một năm trở lại đây tình hình có vẻ tạm yên, nhưng bất cứ người lạ nào ra vào dân làng đều phải cử người theo dõi.

Hoàng Sang

(còn nữa)