- “Mỗi ngày công ty Formosa xả 12.000 m3 nước thải, các mẫu xét nghiệm nguồn nước xả thải của chúng tôi đạt theo tiêu chuẩn cho phép của Bộ TN&MT Việt Nam”.

Đó là khẳng định của ông Khâu Nhân Kiệt - Giám đốc bộ phận an toàn vệ sinh môi trường công ty Formosa. Ông Kiệt nhấn mạnh: “Không có việc Formosa Hà Tĩnh chính là tác nhân dẫn đến hiện tượng cá chết ở bờ biển Việt Nam”.

{keywords}

Ông Khâu Nhân Kiệt (phải) trong buổi làm việc với PV VietNamNet chiều 21/4. Ảnh: Duy Tuấn

Trước hiện tượng cá biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế chết hàng loạt, dư luận bày tỏ sự nghi ngờ tới việc biển Vũng Áng bị nhiễm độc và lây lan do nguồn nước thải từ khu công nghiệp chưa được xử lý.

Chiều qua, PV VietNamNet đã có buổi làm việc với đại diện công ty Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) - nhà đầu tư có hệ thống các nhà máy công nghiệp nặng lớn nhất ở khu kinh tế Vũng Áng.

Không hiểu vì sao cá chết

Tại buổi làm việc, ông Khâu Nhân Kiệt thông tin: FHS đầu tư ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Tập đoàn luôn coi trọng độ an toàn của môi trường và luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam.

“Chúng tôi cũng không hiểu nguyên nhân vì sao lại phát sinh hiện tượng cá chết trên vùng biển Việt Nam như vậy. Đơn vị tham mưu về an toàn vệ sinh môi trường đã nhận được thông tin về cá chết và cũng đang rất quan tâm đến vấn đề này”, ông Kiệt nói.

Nói về hệ thống xả thải của FHS, ông Kiệt cho hay: Tất cả các địa điểm xả thải và ống xả thải ở KCN đều được lấy mẫu nước để xét nghiệm và hiện tại đang rất bình thường, đều đạt tiêu chuẩn của Bộ TN&MT Việt Nam.

{keywords}

Hệ thống xả thải ra biển của Tập đoàn Formosa tại Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

“Ống xả thải của chúng tôi đều có hệ thống quan sát tự động hằng ngày. Nước chảy chừng nào thì hệ thống sẽ lấy dữ liệu, gửi thông tin về máy chủ. Nếu đạt tiêu chuẩn mới cho xả ra biển. Ở kênh thoát nước mưa của chúng tôi, có hiện tượng cá biển trôi dạt vào, còn cá trong mương thoát nước vẫn đang sống” - ông Kiệt nói.

Cũng theo lãnh đạo FHS, hiện nay chỉ có duy nhất một ống xả thải trong KCN rộng 1m, dài 1,5km, nằm sâu dưới lòng biển khoảng 17m, cách bờ biển 1,5km. Mỗi ngày tập đoàn xả ra 12.000 m3 nước xả thải nhưng mẫu nước đều đạt theo tiêu chuẩn nước xả thải công nghiệp quy chuẩn năm 2013 của Bộ TN&MT.

Trước thông tin thời gian gần đây, FHS có nhập về một lượng lớn chất tẩy rửa đường ống chảy tan vào nước biển, ông Khâu Nhân Kiệt thừa nhận thông tin trên là có thật.

Ông cho biết: “Có việc nhập về lượng lớn chất tẩy rửa, vì khi hoạt động một thời gian dài, phải có chất tẩy rửa để tẩy đường ống, tránh tình trạng tắc nghẽn. Tuy nhiên, chúng tôi không dùng nguyên chất axit mà có pha với nước. Hơn nữa, chất tẩy sau khi rửa đường ống, đều được xử lý qua hệ thống mới cho thải ra biển”.

Mong sớm tìm ra nguyên nhân

Đại diện Formosa cho biết mong muốn các cơ quan chức năng có thẩm quyền ở VN sớm vào cuộc để tìm ra nguyên nhân cá chết dọc bờ biển miền Trung.

“Bên Formosa mong muốn và hi vọng các cơ quan nhà nước ở Việt Nam khi có sự cố phát sinh cần vào cuộc nhanh chóng, kịp thời để giải quyết, và xử phạt những ai làm sai, giải quyết mối nghi ngờ cho tập đoàn Formosa” - ông Kiệt cho biết.

{keywords}
Dự án Formosa đang xây dựng (nhìn từ trên cao).

Trước đó, kết quả quan trắc của Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (thuộc Bộ NN&PTNT) cho rằng, hiện tượng cá chết hàng loạt, trôi dạt vào bờ biển và do “nguồn nước bị nhiễm độc” chứ không phải do vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên độc tố đó là gì thì vẫn chưa rõ.

Kết luận cũng nêu rõ “yếu tố gây độc trong môi trường nước” tại vùng biển Vũng Áng bắt đầu từ nguồn nước thải chưa được xử lý nhưng được đổ trực tiếp ra sông, biển, gây ô nhiễm nguồn nước, làm cá bị ngộ độc chết.

Thiện Lương - Duy Tuấn