- Bữa trưa hôm đó ông mời cơm thân mật như những buổi trưa khác không phải tiệc tùng.

Năm 2000, chúng tôi được điều về Trung ương để chuẩn bị cho việc thành lập một ban mới của Bộ Chính trị.

Tình hình kinh tế chính trị xã hội của đất nước lúc đó ổn định. Kinh tế tăng trưởng cao, an ninh chính trị được giữ vững. Ban mới mà Bộ Chính trị dự định thành lập liên quan đến “Chiến lược an ninh quốc gia” mà Đảng ra nghị quyết.

{keywords}
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ân cần thăm hỏi, tặng quà cho người nghèo ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, tháng 4/2015. Ảnh: Hoàng Long

Chúng tôi được giao nghiên cứu mô hình cụ thể, có tham khảo các nước trên thế giới. Trong nước thì tìm hiểu và nắm các địa phương.

Hôm đó nhận được giấy mời tham dự buổi tổng kết năm của Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Đình Hương lúc đó là Phó Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ, người được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ phụ trách tổ chuẩn bị để thành lập Ban mới ấy cử tôi đi dự.

Công tác Nội chính lúc đó có vị trí quan trọng ở các tỉnh thành và tỉnh nào cũng có một ban (nếu là thành phố lớn) hoặc một phòng.

Khi được cử đi họp, tôi sang Ban Tài chính Quản trị TƯ để đăng ký vé máy bay đi TP.HCM vì hôm sau đã họp.

Bây giờ trên các phương tiện truyền thông đang nói về cơ quan của tỉnh thành nơi làm việc như “cung điện” nhưng ở trụ sở của TP.HCM lại khá khiêm tốn.

Trưởng Ban nội chính TƯ Trương Vĩnh Trọng dự hội nghị, phía Thành ủy TP.HCM có Bí thư Nguyễn Minh Triết.

Phát biểu của ông tại hội nghị khiến tôi ấn tượng. Báo cáo nói về sự phát triển các hội đoàn của một vài tổ chức, cho là chuyện khá mới, nhưng ông nghe rồi nói tổ chức nào mà chả cần phát triển, điều đó là bình thường, còn vấn đề ta quan tâm là cái bất thường.

Sau buổi tổng kết, ông mời Trương Vĩnh Trọng và tôi cùng ăn cơm trưa.

Thường đi dự họp ở các tỉnh sau khi kết thúc hội nghị, Văn phòng tỉnh ủy đều mời cơm thân mật đại biểu về dự. Nhưng ở TP.HCM thì không như vậy. Tôi tìm hiểu biết Thành ủy thành phố cũng ít tiệc tùng.

Bữa trưa hôm đó ông mời cơm thân mật như những buổi trưa khác không phải tiệc tùng. Món ăn đơn giản, trong đó có món mà ông thích là lòng lợn. Ngoài ra còn có bát canh cá với mấy món rau và ít khúc cá rán.

Tôi vừa ăn vừa nghe hai người nói chuyện. Các anh trò chuyện thân tình và thú vị như hai người bạn xa lâu ngày mới gặp. Bữa trưa kéo dài hơn mọi khi.

Anh Trọng nhìn đồng hồ thấy hơi muộn nên cáo từ vì chiều anh còn đi mấy tỉnh miền Tây, và ghé qua Bến Tre quê anh. Tôi cũng trở về T78 để hôm sau bay về Hà Nội.

Sau này, chưa một lần gặp lại ông nhưng ấn tượng tư duy sắc sảo, tính cởi mở thân tình và bữa cơm giản dị của ông thì làm tôi nhớ mãi.

Nguyễn Đăng Tấn