- Bộ Y tế đề xuất các cặp vợ chồng có quyền quyết định số con, thời gian sinh và khoảng cách giữa các lần sinh.

Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tổ chức cuộc họp với đại diện các bộ ngành liên quan để tư vấn, thẩm định dự thảo luật Dân số của Bộ Y tế để thay thế Pháp lệnh dân số đã bộc lộ nhiều hạn chế trong suốt 13 năm qua.

Đáng chú ý, tại Điều 11 của dự thảo luật Dân số quy định điều chỉnh mức sinh. Trong đó phương án 1, các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con.

{keywords}
Bộ Y tế đồng thuận với phương án nới lỏng chính sách sinh con

Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến 2 con, quy định chính sách, biện pháp trong từng giai đoạn, từng vùng, tỉnh, thành phố để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước.

Phương án 2: Giữ nguyên các quy định như hiện hành, chỉ sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.

Trong tờ trình gửi Thủ tướng, Bộ Y tế cho biết ủng hộ phương án 1 vì hiện tại Việt Nam đã thành công trong việc duy trì mức sinh thay thế (2,1 con) 10 năm qua.

Trong khi mức sinh đang ngày càng giảm, vô sinh có xu hướng gia tăng. Tại nhiệt địa phương, mức sinh đã xuống rất thấp, điển hình là TP. HCM xuống 1,45 con/phụ nữ, Bà Rịa Vũng Tàu xuống 1,56 con...

“Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, khi đạt mức sinh thay thế, nếu chậm nới lỏng các biện pháp kiểm soát sinh sản thì mức sinh sẽ giảm xuống mức rất thấp, khó kéo lên được, dân số suy giảm để lại hậu quả bất lợi cho kinh tế xã hội và sự phát triển bền vững trong tương lai”, Bộ Y tế nhấn mạnh.

Bản thân các nước Nhật Bản, Hàn Quốc hiện đang phải nỗ lực thực hiện các biện pháp khuyến sinh nhưng rất khó khăn. Hiện Trung Quốc cũng đang nới lỏng dần chính sách sinh 1 con bằng chính sách sinh 1,5 hoặc 2 con…

GS.TS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số, Gia đình và trẻ em cho biết, ông cũng ủng hộ đề xuất nới lỏng chính sách giảm sinh ở phương án 1.

Mức sinh phụ thuộc vào trình độ phát triển, kinh tế càng giàu, dân trí càng cao thì càng không đẻ nhiều.

Thực tế này dẫn đến tình trạng già hóa dân số, thiếu nhân lực ở độ tuổi lao động, tác động lớn đến kinh tế, xã hội.

Ông Cử cũng cho rằng, việc trao cho các cặp vợ chồng quyền quyết định số con phù hợp với Hiến pháp và Công ước Cedaw mà Việt Nam đã ký kết.

Dù ủng hộ song Bộ Y tế cũng lo lắng khi chọn phương án 1 sẽ khiến Nhà nước khó kiểm soát được mức sinh; không có căn cứ pháp lý, không có chế tài xử lý người vi phạm sinh nhiều con...

Trước đó vào tháng 10/2015, dự thảo luật Dân số cũng từng được đưa ra lấy ý kiến gây nhiều tranh cãi.

Tổng dân số Việt Nam tính đến 1/4/2015 đạt gần 91,5 triệu người, là nước có quy mô dân số đứng thứ 14 trên thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 Đông Nam Á (sau Indonesia, Philippines).

Bộ Y tế cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì mức sinh thay thế, để bảo đảm quy mô dân số không quá 98 triệu người vào năm 2020, tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức 115 triệu đến 120 triệu người từ giữa thế kỷ 21.

Thúy Hạnh