- Câu chuyện thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước được nhắc đến khi Văn phòng Chủ tịch nước công bố luật Nhà ở sửa đổi hôm nay (11/12).

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận được các câu hỏi về nhà công vụ và nhà thuộc sở hữu nhà nước cho thuê, khi giới thiệu đạo luật vừa được QH thông qua ti kỳ họp vừa rồi.

Về nhà công vụ, ông Nam cho biết: Từ khi Bộ Xây dựng được giao quản lý loại nhà này, đã có quy chế, theo đó, sau 3 tháng hết tiêu chuẩn là phải trả.

"Không trả sẽ cưỡng chế, không phụ thuộc vào việc đã có nhà ở khác hay không. Họ phải chuẩn bị trước khi về hưu, chứ không đợi đến lúc phải trả nhà lại ra điều kiện. Trường hợp trả nhà công vụ mà chưa có chỗ ở, quyền của công dân theo Hiến pháp, thì có các chế độ ưu tiên khi mua nhà ở xã hội", ông Nam nói.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam. Ảnh: Chung Hoàng

Còn giá thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước, Thứ trưởng Xây dựng nhận định giá như quy định ở các giai đoạn trước là quá thấp, "chỉ bằng mấy điều thuốc lá, không đủ tiền quét vôi...", nhưng khó tăng vì hầu hết người thuê là công chức thu nhập rất thấp. Từ đó mới ra đời nghị định 61 bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê.

"Nay, đối với nhà ở thuộc sở hữu nhà nước và nhà công vụ, Bộ Xây dựng đã có thông tư hướng dẫn cách tính giá thuê. Ví dụ, nhà ở công vụ hiện Bộ Xây dựng đang ký hợp đồng cho các thứ trưởng, bộ trưởng, lãnh đạo địa phương được luân chuyển lên trung ương, thuê là 14-18 nghìn đồng/m2/tháng, ngoài ra phải trả tiền trông xe, điện, nước, phí bảo trì, quản lý... Như vậy, nếu thuê căn hộ 150m2, tiêu chuẩn bộ trưởng, giá là 2 triệu đồng/tháng, trong khi lương chỉ hơn 10 triệu đồng", ông Nguyễn Trần Nam phân tích.

Như thế không phải cao, cũng không phải thấp, mà đã có quy định rõ ràng, theo Thứ trưởng.

Tránh tập trung quá nhiều người nước ngoài ở một nơi

Ông Nguyễn Trần Nam cũng giải thích quy định cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở VN. Theo đó, người VN định cư ở nước ngoài, không phân biệt là người còn quốc tịch hay người gốc VN, nếu được nhập cảnh vào VN đều có thể sở hữu nhà thông qua mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận đổi nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất...

Chủ sở hữu nhà là người VN định cư ở nước ngoài có các quyền và nghĩa vụ như công dân VN ở trong nước. Quy định mở này nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng coi người VN ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc VN.

Người nước ngoài, tương tự, chỉ cần được phép nhập cảnh vào VN là có thể sở hữu nhà theo các hình thức trên, trừ các khu vực quốc phòng, an ninh. Luật cho phép họ sở hữu cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ, tối đa không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư và không quá 250 căn nhà riêng lẻ trên một địa bàn có số dân tương đương cấp phường...

Chủ nhà ở là cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà trong thời hạn 50 năm và có thể xin gia hạn.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhận định: Chính sách nhà ở đối với người nước ngoài khi đưa ra năm 2008, chỉ hạn chế ở 5 đối tượng, họ chỉ được mua một căn hộ chung cư từ các dự án chứ không được mua từ người dân, chỉ được dùng để ở, không được mua bán, kinh doanh... Đó cũng là thời điểm thị trường bất động sản đang sốt, thiếu hàng, ngay người trong nước cũng khó tiếp cận.

"Khó khăn thế nên sau 5 năm chỉ có hơn 200 trường hợp người nước ngoài mua và sở hữu nhà, trong đó có nhiều người thực ra là Việt kiều", ông Nam cho biết.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng phân tích: Nay, chỉ cần qua cơ quan an ninh sàng lọc, được phép nhập cảnh là đủ điều kiện mua nhà, cũng không giới hạn số lượng và loại nhà, chỉ cần không phải vị trí nhạy cảm.

Nhưng họ chỉ được mua từ các pháp nhân, ở các dự án phát triển nhà, không được mua từ cá nhân, tức là hạn chế người nước ngoài mua nhà ở phố phường. Như vậy, bên cạnh giải quyết yêu cầu hội nhập, thực hiện chính sách ngoại giao thân thiện, tạo điều kiện cho người nước ngoài có chỗ ở, còn có thể tạo đầu ra cho thị trường bất động sản.

Giới hạn 30% và 250 nói trên cũng là để tránh tập trung quá đông người nước ngoài ở một khu vực, một khu phố hay một tòa chung cư, giúp quản lý hành chính thuận lợi hơn. Giới hạn này, theo Thứ trưởng Xây dựng, có thể đảm bảo được, vì các chủ đầu tư phải tính toán khi bán nhà, cơ quan quản lý nhà nước cũng theo dõi khi cấp giấy chứng nhận.

Chung Hoàng