- "Có vụ trưởng nói: Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đang lấy đá ghè chân mình. Minh bạch thế này thì còn ai đến Bộ KH-ĐT nữa. Tôi bảo: Không, đất nước này cần sự minh bạch, đất nước này cần không có tham nhũng" - Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh nói tại buổi thảo luận tổ QH chiều 18/11 về dự luật Đầu tư công.

‘Cứ nghĩ ra là làm thôi'

Bộ trưởng KH-ĐT cho rằng cần có quy định mới bởi hiện tại đang “mới mà rất cũ”.

“Thời UB Kế hoạch nhà nước không có chuyện xây dựng bừa bãi như bây giờ. Thời đó có ít công trình nhưng công trình nào ra công trình đó, có bố trí vốn chuẩn bị đầu tư cho các địa phương và các bộ.

Mỗi một năm trong tổng mức đầu tư, chúng ta đều trích khoảng 20% để bố trí danh mục những công trình cho năm sau, năm sau nữa. Bây giờ không có chuyện này, không có chuẩn bị đầu tư, cứ nghĩ ra là làm thôi, không nghiên cứu” - ông Bùi Quang Vinh chỉ ra.

Ông cho hay, để quyết định một chủ trương cần phải nghiên cứu, cân nhắc rất nhiều yếu tố. Như làm nhà riêng hay được ví “3 năm chuẩn bị 1 năm làm nhà”, thậm chí có gia đình nghèo tới 10 năm chuẩn bị mới dám làm.

“Bây giờ chúng ta rất đơn giản. Ý chí một lãnh đạo địa phương cứ quyết là làm... Trong khi làm ra thì lãng phí, làm xong lại bị chỉ trích, đường làm xong không ai đi, chợ làm xong không ai họp.

Vì không ai đánh giá nghiên cứu, chỉ cần có chủ trương là bố trí vốn đầu tư làm luôn. Đây là điều phi thực tiễn và trái ngược với những gì chúng ta từng làm trước đây, trái ngược với thế giới người ta đang làm. Mỗi Việt Nam làm thế, tiền ít lại quyết rất đơn giản” - tư lệnh ngành Đầu tư than.

Ông cũng lo ngại sự lãng phí trong chủ trương đầu tư như sự lãng phí lớn nhất trong mọi lãng phí.

“Nếu gia đình có 10 đứa con, tiền chỉ đủ làm nhà cho 1 đứa, mà ông bố bảo các con đập nhà cũ đi, cho tiền cả 10 đứa xây mới, tới khi con đập hết nhà cũ, bố cho mỗi đứa một tí, đứa làm được cái móng, đứa xây được cái tường rồi để đó, khiến ai cũng không có nhà ở thì được không? Như vậy chủ trương đầu tư là vô cùng quan trọng”.

Ít tiền, không làm nhiều nữa

Bộ trưởng kiến nghị cần chuyển sang một bước đó là “không làm nhiều nữa” bởi tiền không có nhiều. Phải lựa chắc chắn công trình cần làm và “làm tới nơi tới chốn”, có đủ tiền chuẩn bị đầu tư cho địa phương, các bộ ngành nghiên cứu chuẩn bị đầu tư.

Nếu đó là nhóm công trình đặc biệt quan trọng (như công trình nhóm A có số vốn lên tới 2-3 chục nghìn tỉ đồng) phải trình QH đánh giá khả thi, bao giờ quyết định 100% cần làm thì mới làm…

Mỗi tỉnh hàng năm nên dự trù vốn đầu tư công, trình danh mục dự án và có báo cáo cụ thể về tính khả thi cụ thể từ sự cần thiết, tổng vốn chi và khả năng chuẩn bị vốn, hạ tầng kỹ thuật cơ sở thực hiện, hiệu quả kinh tế - xã hội để trình cơ quan thẩm quyền xét duyệt.

Nếu tiền của địa phương thì địa phương ở tự quyết do Sở KH-ĐT thẩm định, nếu dự tính sử dụng tiền của trung ương thì Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT thẩm định và báo cáo Thủ tướng.

Ông dẫn ví dụ trong một năm qua đầu tư “tràn lan”, hệ quả có đến 20 nghìn công trình mới phát sinh. Trong đó chỉ có đủ tiền rót cho 5 nghìn công trình mà sau khảo sát “trên dưới một lòng quyết định làm”.

Do đó, việc chuẩn bị kế hoạch đầy đủ, khả thi dựa trên cơ sở ngân sách thì không chỉ doanh nghiệp khỏe, Chính phủ khỏe, địa phương cũng khỏe, chủ động bởi vì không nợ đọng, mà linh hoạt trong đầu tư.

Về ngân sách đầu tư công, theo ông Vinh, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng hiện là người “tiêu tiền” nhiều nhất để làm đường, Bộ trưởng NN&PTNN Cao Đức Phát tiêu tiền nhiều thứ hai. Kế đến là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Tất cả đều ủng hộ dự luật Đầu tư công.

Nếu dễ dãi sẽ đưa đất nước xuống bờ vực thẳm

Khẳng định luật Đầu tư công là cần thiết, ông cho hay các quy định sẽ quy trách nhiệm cụ thể, “ai làm chủ trương sai, người đó chịu trách nhiệm” và có chế tài xử lý, các dự án sẽ phải thẩm định có đủ tiền mới được làm, không đủ tiền không được làm.

Để chặt chẽ, Bộ trưởng KH-ĐT cho hay mọi quy trình đầu tư công phải bài bản, không thể làm tùy thích, “đừng dễ dãi với nhau”. Nếu dễ dãi sẽ đưa đất nước xuống bờ vực thẳm.

"Có đồng chí mới lên làm chủ tịch tỉnh nghĩ phải để dấu ấn cho nhiệm kỳ của mình, đề nghị làm đại lộ thật hoành tráng, đập không biết bao nhiêu nhà cửa, giải phóng mặt bằng để chỉ làm mấy trăm tỷ, làm tượng đài ngàn tỷ giữa đồng không mông quạnh, xây dựng lãng phí vô cùng, chuyện như cổ tích nhưng có thật, suốt ngày tôi phải chịu áp lực những chuyện như vậy" - ông Vinh kể.

Ông khẳng định luật nếu ra đời sẽ góp phần kiểm soát lãng phí, thất thoát trong đầu tư công.

Đất nước cần sự minh bạch

Bộ trưởng KH-ĐT cũng nhấn mạnh sự minh bạch trong đầu tư công.

Theo Bộ trưởng, đầu tư công cho trung hạn, không phải quyết định làm công trình nào từng năm một, mà quyết cho cả giai đoạn, ví dụ năm 2014 tới đây quyết cho 5 năm 2016 -2020 là một "bước đột phá", "sự dũng cảm của Bộ KH-ĐT".

"Lẽ ra người khác nói 'phải làm đi' thì còn có lý, còn ở đây chính chúng tôi đặt ra mục tiêu này để minh bạch, không có chạy chọt, không có chuyện tham nhũng trong này.

Có đồng chí vụ trưởng lâu năm nói với tôi: Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đang lấy đá ghè chân mình. Minh bạch thế này thì còn ai phải đến Bộ KH-ĐT nữa. Tôi bảo: Không. Đất nước này cần sự minh bạch, đất nước này cần không có sự tham nhũng" - Bộ trưởng Vinh nói.

Ông cũng kiến nghị minh bạch hóa ngân sách đầu tư công, công bố bộ ngành, địa phương sử dụng nguồn vốn, kế hoạch chi tiêu sử dụng nguồn vốn đó của từng bộ, ngành, địa phương.

T.Lý - X.Quý - H.Anh - L.Thư - T.Lâm - H.Nhì - T.An