Chiều 7/7, Bộ LĐ-TB-XH họp báo công bố Quyết định của Thủ tướng quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, mấy ngày qua, Bộ cùng Chính phủ và các bộ ngành đã cố gắng cao nhất để đưa Nghị quyết 68 vào cuộc sống.

{keywords}
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung chủ trì họp báo

"Nếu bình thường để ban hành quyết định này phải mất cả tháng, nhưng chỉ trong mấy ngày vừa qua anh em đã làm ngày làm đêm. Hôm qua cả Bộ trưởng làm việc đến 12h30 để sáng nay kịp trình và lấy ý kiến thêm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cùng với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện để kịp trình Thủ tướng ban hành ngay trong chiều nay", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Chậm triển khai gói hỗ trợ là có lỗi với dân

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, điều quan trọng hơn là quyết định lần này đơn giản hóa tối đa thủ tục, rút ngắn thời gian với phương châm tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp cận chính sách dễ dàng nhất. Theo đó, nội dung gì luật quy định thì phải chấp hành, còn lại Thủ tướng, Chính phủ cho phép các địa phương vận dụng tối đa.

Bộ trưởng dẫn chứng, gói hỗ trợ trước DN muốn vay để trả lương cho người lao động phải đáp ứng những điều kiện rất chặt chẽ, ngân hàng xem xét hồ sơ đồng loạt vào mùng 5 hàng tháng. Tức là ngày 6 tháng này nộp hồ sơ thì ngày 5 tháng sau mới được xem xét.

"12h trưa nay tôi trao đổi với Thống đốc Ngân hàng nhà nước và Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, sẽ bỏ hết các thủ tục rườm rà, giải quyết thủ tục chỉ trong 4 ngày và 3 ngày giải ngân. So với trước đây mất 1 tháng 10 ngày thì bây giờ tối đa chỉ còn 7 ngày", Bộ trưởng LĐ-TB-XH nói.

Với thủ tục và điều kiện dễ dàng hơn trước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, thời gian để tiếp cận gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ là cuộc cách mạng táo bạo.

"Người dân đang mong chờ hỗ trợ từng ngày, đặc biệt là lao động tự do. Vì vậy ai, cơ quan nào, địa phương nào chậm triển khai gói hỗ trợ là có lỗi với dân; cơ quan nào, người nào, địa phương nào để trục lợi chính sách là có tội với dân", Tư lệnh ngành LĐ-TB-XH nói.

Ông chia sẻ thêm, mấy hôm nay chúng ta nhìn hình ảnh cháu bé đi cách ly; người dân đang điều trị, cách ly rất khó khăn để lo từng bữa ăn, phải xếp hàng dài để nhận những bữa cơm miễn phí.

Ngày hôm nay, dân TP.HCM xếp hàng dài mua hàng hóa chuẩn bị cho cuộc chiến mới phòng chống dịch. Điều đó cho thấy người dân đang khó khăn, đang mong chờ sự hỗ trợ từ nhà nước và cộng đồng xã hội.

"Những việc như vậy cho chúng ta nhiều suy ngẫm và thấy ý nghĩa sâu sắc của việc triển khai gói hỗ trợ này", Bộ trưởng bày tỏ.

{keywords}
Người lao động tự do không cần giấy xác nhận của địa phương ở quê để nhận gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ

Bộ trưởng cũng lưu ý, trong điều kiện dịch bệnh hiện nay chắc chắn còn khó khăn, không thể kết thúc trong ngày một, ngày hai, nhất là người lao động ở những lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu suốt thời gian qua như du lịch, giao thông vận tải, hàng không, lao động tự do... Chính vì vậy rất cần sự hỗ trợ nhanh, kịp thời của nhà nước, của cộng đồng; rất cần những ATM gạo, cửa hàng rau xanh, thực phẩm đến tay người dân.

"Những ngày qua, tôi cùng đoàn công tác của Thủ tướng, Chính phủ đi Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, TP.HCM… Ngày nào Chính phủ cũng bàn giải pháp phòng chống dịch. Khi TP.HCM diễn biến phúc tạp, lây nhiều địa phương khác, Thủ tướng đã ra Công điện để chúng ta tiến hành từng bước hạn chế người dân đi lại nhằm bảo đảm an toàn cho người dân", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Ông cũng bày tỏ lo lắng về nguy cơ dịch tấn công vào KCN, KCX đông công nhân. Trong đó đáng chú ý là TP.HCM hiện có 1,6 triệu công nhân, Bình Dương 1,2 triệu, Đồng Nai 1 triệu, nếu kiểm soát tốt các địa bàn này sẽ góp phần rất quan trọng vào công tác phòng chống dịch của cả nước.

Vì vậy, theo Bộ trưởng phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, áp dụng cả các biện pháp mạnh như hạn chế tối đa người dân đi lại. Muốn vậy, phải đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt cho người dân, nhất là người lao động tự do, không có tích lũy, kiên quyết không để người dân nào bị đói, không để xảy ra mất ổn định trật tự xã hội do dịch.

"Hỗ trợ người dân càng nhanh ngày nào, càng tốt ngày đó. Những ngày qua, Bộ LĐ-TB-XH và nhiều cơ quan vừa chạy vừa xếp hàng từ Bộ trưởng đến các chuyên viên làm trực tiếp làm ngày làm đêm. Chính phủ lúc nào cũng hướng về người dân, lo cho người dân bằng mọi giá để đảm bảo sức khỏe, an toàn của người dân", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu quyết tâm.

Thông thoáng đến mức độ không còn gì để thông thoáng hơn

Khái quát lại những điểm mới trong 12 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trong gói 26 nghìn tỷ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, chính sách giảm đóng bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp có 4 điểm mới đáng qua tâm.

Đó là giảm mức đóng từ 0,5% xuống 0% và tất cả người lao động đều hưởng chính sách bình thường; người sử dụng lao động sử dụng toàn bộ tiền này hỗ trợ người lao động; lực lượng vũ trang, người hưởng lương nhà nước không thụ hưởng chính sách này; người lao động nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam đóng bảo hiểm này thì vẫn được thụ hưởng.

Về chính sách hỗ trợ người cách ly F0, F1, Bộ trưởng cho biết, cả người lớn và trẻ em đều được hưởng chính sách tiền ăn 80 nghìn/ngày nhưng tối đa 21 ngày; chi phí điều trị được hỗ trợ thanh toán theo thực tế, tối đa 45 ngày. Trẻ em được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Phụ nữ mang thai và đang nuôi con dưới 6 tuổi thì mẹ và mỗi cháu được hỗ trợ 1 triệu đồng khi bị ngừng việc và nghỉ việc do dịch hoặc đang bị cách ly.

Bộ trưởng LĐ-TB-XH cũng giải thích thêm về đối tượng được hỗ trợ là nghệ sĩ thì phải là người có chức danh nghề nghiệp hạng 4, tức là mức lương khởi điểm 1,86, thu nhập thấp. Hiện cả nước có khoảng 2.000 người thuộc đối tượng này.

Đây cũng là lần đầu tiên áp dụng chính sách với hướng dẫn viên du lịch, trong khi đối tượng này bị ảnh hưởng từ đầu dịch cho đến nay. Hiện cả nước có 26.000 người được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Về chính sách hỗ trợ lao động tự do và đối tượng khác, Bộ trưởng thông tin thêm, khi cho ý kiến dự thảo Nghị quyết 68, Bộ Chính trị rất chú ý vấn đề này. Chính phủ cũng bàn rất kỹ vì đây là đối tượng giảm thu nhập sâu, khó khăn nhất, đặc biệt họ không có tích lũy.

"Rút kinh nghiệm gói hỗ trợ trước, có người nói với tôi, để chi cho những đối tượng này, các bác tổ dân phố phải đi tìm 8, 9 lần mới gặp được. Thủ tục để hưởng gói này là phải về quê lấy xác nhận rất phiền phức. Vì vậy, thủ tục lần này là không cần lấy xác nhận ở quê mà ở đâu lấy ở đó, sau đó hậu kiểm liên thông để tránh nay hưởng chỗ này, mai chỗ khác", Bộ trưởng thông tin.

"Đây là gói hỗ trợ với thủ tục thông thoáng đến mức độ không còn gì để thông thoáng hơn", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Thu Hằng

Những ai được nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng

Những ai được nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng

Chính phủ đã ban hành nghị quyết hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19. Tổng số tiền hỗ trợ 26.000 tỷ đồng với 12 nhóm chính sách.